Tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, Bitcoin Halving (giảm một nửa) có thể là một sự kiện quan trọng sẽ “làm nóng” giá trị của Bitcoin như một mặt hàng ngày càng khan hiếm hoặc không gì khác hơn một sự thay đổi kỹ thuật được các nhà đầu cơ tung ra để đẩy giá đi lên.
Nhưng chính xác thì Bitcoin Halving là gì và nó có thực sự quan trọng hay không?
Sự kiện Halving là sự thay đổi trong công nghệ blockchain cơ bản của Bitcoin, được thiết kế để giảm tốc độ tạo ra bitcoin mới.
Bitcoin được thiết kế bởi nhà sáng tạo có bút danh Satoshi Nakamoto với quy định nguồn cung giới hạn là 21 triệu token.
Ông Nakamoto đã đưa quy luật Halving vào các mã Bitcoin nhằm mục đích giảm tốc độ Bitcoin mới được phát hành vào lưu thông. Cho đến nay, đã có khoảng 19 triệu token đã được phát hành.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain technology) liên quan đến việc tạo ra các bản ghi thông tin - được gọi là “khối” (block) - được thêm vào chuỗi trong một quy trình gọi là “khai thác” (mining).
Người khai thác (thợ đào) sử dụng sức mạnh tính toán để giải các câu đố toán học phức tạp nhằm xây dựng chuỗi khối và kiếm phần thưởng dưới dạng Bitcoin mới.
Khi Halving diễn ra, số lượng Bitcoin có sẵn làm phần thưởng cho người khai thác sẽ bị giảm một nửa. Điều này làm cho việc khai thác ít lợi nhuận hơn và làm chậm quá trình sản xuất Bitcoin mới.
Mặc dù chưa có ngày ấn định chính xác, nhưng sự kiện dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 4.
Chuỗi khối được thiết kế sao cho việc giảm một nửa xảy ra mỗi khi có 210.000 khối được thêm vào chuỗi. Điều này có nghĩa là nó xảy ra khoảng bốn năm một lần.
Một số người đam mê Bitcoin nói rằng sự khan hiếm của Bitcoin mang lại giá trị cho nó. Vì vậy, việc giảm nguồn cung được các nhà phân tích và đầu tư tin rằng sẽ giúp nâng giá lên Bitcoin lên các cột mốc mới.
Nhưng cũng có những người khác tranh cãi về ý kiến này, lưu ý rằng mọi tác động đều đã được tính vào giá hiện tại.
Nguồn cung Bitcoin cho thị trường phần lớn còn phụ thuộc vào các công ty khai thác tiền điện tử nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được rõ ràng, với dữ liệu về hàng tồn kho và nguồn cung cực kỳ không có sẵn để phân tích.
Nếu các công ty khai thác bán lượng dự trữ của họ, điều đó có thể gây áp lực giảm giá.
Để có thể biết được điều gì đằng sau một đợt tăng giá của tiền điện tử là điều không đơn giản, nhất là khi vẫn chưa có nhiều bằng chứng để giải thích về việc ai đã mua nó và tại sao, nếu so với các thị trường khác. Nhưng trong thế giới đầu cơ của giao dịch tiền điện tử, những lời giải thích do các nhà phân tích đưa ra về những thay đổi trong giá Bitcoin lại có thể biến thành những câu chuyện thị trường mang tính chất “tự thỏa mãn”.
Lý do phổ biến nhất được đưa ra cho sự gia tăng đột biến giá Bitcoin trong năm nay là sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vào tháng 1 đối với các quỹ ETF Bitcoin, cũng như kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất.
Trên thực tế, không có bằng chứng xác thực nào cho thấy các đợt Halving trước đây đã khiến giá Bitcoin tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch và thợ đào đã chủ động nghiên cứu về các sự kiện trước đây để cố gắng giành được lợi thế.
Khi đợt Halving gần đây nhất diễn ra vào ngày 11/5/2020, giá tăng khoảng 12% trong tuần tiếp theo. Đến cuối năm đó, Bitcoin bắt đầu tăng giá mạnh, nhưng có rất nhiều lời giải thích cho điều này - bao gồm chính sách tiền tệ lỏng lẻo và các nhà đầu tư bán lẻ ở nhà chi tiền nhàn rỗi cho tiền điện tử - nên Halving chưa chắc đã là yếu tố thúc đẩy giá Bitcoin.
Một đợt Halving trước đó diễn ra vào tháng 7/2016. Bitcoin chỉ tăng khoảng 1,3% trong tuần tiếp theo, nhưng lại lao dốc ngay vài tuần sau đó.
Nói tóm lại: thật khó để xác định tác động, nếu có, của sự kiện Halving đối với giá Bitcoin nếu dựa trên các ví dụ trong lịch sử. Bên cạnh đó, cũng chẳng thể nào dự đoán điều gì có thể xảy ra trong khoảng thời gian đầy biến động này.
Các cơ quan quản lý đã nhiều lần cảnh báo rằng Bitcoin là một thị trường đầu cơ, được thúc đẩy bởi sự cường điệu hoá và xu hướng “FOMO" (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội), từ đó có thể gây tổn hại thực sự cho các nhà đầu tư, ngay cả khi các cơ quan này đã đồng thời phê duyệt một số sản phẩm giao dịch Bitcoin.