Các công ty tiền điện tử dường như đang tham gia vào một “ván bài mạo hiểm” với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đưa ra lời đe dọa rời khỏi Mỹ nếu cơ quan quản lý tiếp tục gia tăng áp lực buộc ngành phải tuân thủ quy định chặt chẽ.
Những cái tên lớn trong ngành đang hy vọng rằng SEC và Washington sẽ có động thái ôn hoà hơn thay vì đường lối cứng rắn mà các cơ quan quản lý đã áp dụng trong thời gian qua.
Các giám đốc điều hành tại các công ty tiền điện tử hàng đầu, bao gồm sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase và công ty dịch vụ Ripple đã đưa ra nhiều bình luận về SEC và báo hiệu kế hoạch chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. Động thái này được cho là nhằm thu hút sự ủng hộ và gửi thông điệp tới các chính trị gia Mỹ rằng họ có thể bỏ lỡ cơ hội cho một sự đổi mới công nghệ quan trọng.
Giám đốc điều hành Coinbase, Brian Armstrong, cho biết tuần trước rằng SEC đang ở trong một “cuộc thập tự chinh đơn độc” với các hành động cứng rắn chống lại một số công ty tiền điện tử. “Chủ tịch SEC Gary Gensler có quan điểm chống tiền điện tử, mặc dù trước đó ông là người ủng hộ ngành trong thời gian làm giáo sư kinh tế tại MIT”, ông Brian Armstrong nhận xét.
Brad Garlinghouse, giám đốc điều hành của Ripple, cũng đã nhắn tới SEC trong một bài phỏng vấn gần đây, nói rằng Ripple sẽ chi 200 triệu USD để tự bảo vệ mình trước một vụ kiện do cơ quan quản lý khởi xướng. “Là một người Mỹ sở hữu một công ty khởi nghiệp tại Mỹ, tôi thấy rất buồn và thất vọng khi quốc gia đang đặt chính trị lên trên chính sách và đó không phải là một quyết định đúng đắn nếu họ đang cố gắng đầu tư vào nền kinh tế”.
Trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã thực hiện hàng loạt các hành động trấn áp đối với các công ty tiền điện tử bao gồm Ripple, Coinbase, Kraken và Paxos với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán. Luận điểm của SEC là hầu hết các mã thông báo (token) trên thị trường có thể đủ điều kiện là chứng khoán, nghĩa là chúng phải tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt hơn nhiều về đăng ký và tiết lộ thông tin. Đương nhiên, các công ty tiền điện tử đều từ chối việc các tài sản phát hành hoặc niêm yết trên nền tảng của họ nên được coi là chứng khoán.
Lời doạ suông?
Câu hỏi đặt ra là liệu các công ty tiền điện tử có thực sự sẵn sàng rời khỏi Mỹ?
Larisa Yarovaya, phó giáo sư tài chính tại Đại học Southampton, nói với CNBC: “Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất về tiền điện tử và do đó rất khó có khả năng họ sẽ rời đi”.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất của các công ty tiền điện tử là khi quy định khiến các nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến việc trượt giảm giá. Việc tỏ ra tự tin, hay thậm chí kiêu ngạo, là một chiến thuật phổ biến của các CEO tiền điện tử. Họ cho rằng điều này sẽ khuyến khích niềm tin của nhà đầu tư”, bà Larisa Yarovaya giải thích.
CEO Brad Garlinghouse của Ripple đã dọa chuyển trụ sở công ty của mình ra nước ngoài kể từ năm 2020. Vào tháng 10 năm đó, ông cho biết Anh, Thụy Sĩ, Singapore, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều đang là các quốc gia nằm trong danh sách cân nhắc của họ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra.
Trong khi đó, giám đốc của Coinbase đã đề xuất tại một hội nghị fintech ở London vào tháng 4 rằng công ty sẽ xem xét các lựa chọn đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, bao gồm cả việc chuyển từ Mỹ sang nơi khác. Nhưng chỉ một tháng sau, CEO Brian Armstrong cho biết Coinbase sẽ không chuyển ra nước ngoài. “Chúng tôi sẽ luôn có sự hiện diện của Mỹ… Nhưng quả thực là Mỹ đang dần tụt hậu lại phía sau”, ông Amstrong chia sẻ với CNBC.
Mỹ là một thị trường khổng lồ cho ngành công nghiệp tiền điện tử, với hơn 50 triệu người Mỹ cho biết họ sở hữu một số loại tiền điện tử, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Morning Consult cho Coinbase.
“Các công ty tiền điện tử có thể hướng sự tập trung nhiều hơn vào thị trường quốc tế. Nhưng cuối cùng, cá nhân tôi tin rằng họ không thể nào hoàn toàn rời khỏi thị trường Mỹ”, ông Jonathan Levin, đồng sáng lập Chainalysis, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn ở London.
Trên hết, thực tế của việc di chuyển các công ty đã phát triển này ra khỏi Mỹ là rất khó khăn.
“Mặc dù bản chất của ngành là những tài sản ảo, nhưng chúng vẫn cần con người, và con người có gia đình, tài sản thế chấp và sở thích về nơi họ sống”, George Weston, một đối tác tại công ty luật hải ngoại toàn cầu Harneys, phân tích.
Quy định quốc tế
Trong khi các công ty tiền điện tử đang tiếp tục lo lắng về sự không chắc chắn trong quy định tại Mỹ thì các khu vực pháp lý khác, như Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh lại nhanh chóng đưa ra các khung quy định được đề xuất cho tài sản kỹ thuật số.
Hester Peirce, một ủy viên của SEC, cho biết tại một hội nghị của Financial Times vào tuần trước rằng nước Mỹ đang “tự bắn vào chân mình” khi không có một chế độ quản lý thích hợp.
Bà Hester Peirce cũng ca ngợi EU về những tiến bộ của họ trong việc chủ động thông qua các điều luật cho ngành công nghiệp tiền điện tử.
EU dự kiến sẽ đưa ra bộ quy định toàn diện đầu tiên cho tài sản kỹ thuật số, được gọi là Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA), vào năm 2024.
“Thật đáng khen ngợi khi Châu Âu có thể hoàn thành việc đó một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta xây dựng một cơ chế quản lý tốt, mọi người sẽ đến. Chúng ta sẽ thấy điều đó với MiCA”, bà Peirce nhấn mạnh.
"Dubai và châu Âu đã chứng minh được là những thị trường thuận lợi hơn nhiều với các khuôn khổ quy định về tài sản ảo, trong khi đó nước Mỹ vẫn đang loay hoay với vấn đề này", CEO Ripple Brad Garlinghouse nhấn mạnh.
Theo ông Diego Ballo Ossio, một luật sư tại công ty luật Clifford Chance, cho biết các khu vực pháp lý khác bao gồm Vương quốc Anh và EU đều đang thay đổi khung pháp lý của họ để tạo ra các chế độ, quy định rõ ràng cho các sàn giao dịch.
“Điều này có nghĩa là các quốc gia khác đang cung cấp cho các sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ một lựa chọn - một nơi để chuyển đến. Tôi không thấy lạ khi một sàn giao dịch của Mỹ quyết định tạo ra các trung tâm hoạt động ở các khu vực pháp lý khác, nơi sản phẩm của họ có thể được đổi mới và nâng cao một cách an toàn,” ông Diego Ballo Ossio nói với CNBC.
Mặc dù các công ty tiền điện tử hiện có thể chỉ đang đưa ra các lời doạ suông, nhưng lời doạ đó có thể trở thành hiện thực nếu các cơ quan quản lý ở Mỹ không xây dựng và triển khai một khung quy định chu đáo.
“Họ có thể chỉ đang doạ suông, nhưng nếu SEC tiếp tục đi theo con đường hiện tại, nhiều công ty sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một môi trường kinh doanh khác”, ông Daniel Csefalvay, một đối tác tại công ty luật BCLP nhận định.