Không chỉ là sự thích nghi về tri thức ứng dụng công nghệ mới trong tác nghiệp, thay đổi về phương thức khai thác dữ liệu, truyền tin... mà còn là những thách thức đặt ra khi Internet, mạng xã hội đang xóa nhòa các ranh giới về địa lý cũng như văn hóa.
Công nghệ buộc truyền thông thay đổi như thế nào
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 40 triệu người đã dùng Internet (chiếm khoảng 41% dân số) và trên 30 triệu người dùng Facebook (27% dân số); gần 130 triệu thuê bao điện thoại (145% dân số). Dự báo đến năm 2021, tỷ lệ dùng smartphone sẽ còn tăng gấp 3 lần dân số.
Sự tác động mạnh của công nghệ dẫn đến nhu cầu sử dụng thông tin, thiết bị truyền tải cũng có sự thay đổi. Thực tế này cũng tác động mạnh đến nguồn nhân lực và cách thức hành nghề báo chí.
Việc làm báo không còn chỉ là tìm kiếm thông tin, kiểm chứng lại các nguồn khác nhau rồi gửi chúng đến bạn đọc qua định dạng bài viết. Thậm chí, có người còn nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà ”tin tức tự tìm đến con người” – qua các mạng xã hội, các bản tin ”ăn theo” trình duyệt và ứng dụng, các email hay chia sẻ trực tuyến cá nhân...
Và như thế, nếu không có tốc độ xử lý tin bài nhanh, góc tiếp cận vấn đề khác biệt, độ tin cậy cao... cùng cách thức truyền tin đa phương tiện, thì chính các nhà báo sẽ bị bỏ lại đằng sau dòng thông tin cuộn chảy đó.
Ngày 1/1/2017 vừa qua, 2 văn bản hết sức quan trọng đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam chính thức có hiệu lực. Đó là Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Bên cạnh những vấn đề mang tính pháp lý, quy định của ngành... một vấn đề đầy tính thời sự cũng được đề cập đến trong các văn bản này. Đó là sự tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nền báo chí Việt Nam và người làm báo Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay gọi cách khác là cách mạng số, đang tác động mạnh mẽ đến báo chí truyền thống và việc truyền thông, với những khái niệm đã ngày càng quen thuộc: ”truyền thông xã hội”, ”truyền thông số”.
Cách mạng số đã xoá nhoà mọi ranh giới với hàng triệu người sử dụng smartphone, kết nối không giới hạn... Bên cạnh sự thay đổi của phương thức truyền tin và nhận tin, thì hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng, có sự tương tác đa chiều mạnh mẽ cũng là một áp lực lớn đối với những người làm báo.
Và liệu robot có thể ”cướp việc” của các phóng viên?
Đài BBC (Anh) là một trong những đơn vị truyền thông sớm nhắc đến khái niệm ”phóng viên robot”. Theo đó, họ cho biết, Los Angeles Times là tòa soạn tiên phong cho xu hướng này, với robot có tên Quakebot chuyên “sản xuất” các bản tin thời tiết. Thực chất, Quakebot là một thuật toán được dùng để viết bản tin dựa trên mẫu có sẵn mỗi khi nhận được cảnh báo về động đất từ Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
“ Xiaojun khẳng định: "Robot chỉ là công cụ bổ sung, hỗ trợ các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông”.
Tất nhiên, việc sử dụng “phóng viên robot” vẫn phải tuân thủ những quy chuẩn nhất định, như nguồn tin phải đáng tin cậy, dữ liệu được đưa vào mẫu có sẵn trước khi trở thành tin bài, sau đó được gửi đến hệ thống quản lý nội dung để được biên tập viên phê duyệt... Có điều, toàn bộ quy trình này chỉ mất 3 phút!
Cha đẻ của Quakebot là phóng viên kiêm lập trình viên Ken Schwencke của Los Angeles Times. Schwencke cho biết, Quakebot được thiết kế để “quan tâm” đến các trận động đất mạnh từ 3 độ Richter trở lên. Ngoài ra, Quakebot còn có thể tự động viết bản tin ban đầu về một số đề tài khác, trong đó có các vụ án mạng tại địa phương.
Từ một bản tin thời tiết, cách thức “làm báo” này đã được thử nghiệm sang một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như thể thao.
Và mới đầu năm nay, tháng 1/2017, một giáo sư làm việc tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng công bố về con robot có thể viết bài báo hoàn chỉnh chỉ trong một giây!
Theo tờ Express , robot này được gọi là Xiao Nan, đã hoàn thành bài báo 300 chữ với chủ đề về dòng người về quê đông đúc trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Bài viết sau đó được đăng trên tờ Southern Metropolis Daily (Trung Quốc).
Xiaojun – “Cha đẻ” của robot – cho biết, nó có khả năng phân tích dữ liệu tốt hơn và viết bài nhanh hơn phóng viên, nhưng chưa thể thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp, hoặc viết bài dưới hình thức phỏng vấn hay hội thoại. Vì thế, Xiaojun khẳng định: "Robot chỉ là công cụ bổ sung, hỗ trợ các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông”.
Đưa ra quan điểm tương tự về vấn đề này, ông Eric Yeo - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam – cũng chia sẻ với báo giới bên lề sự kiện IBM Watson Vietnam Summit (diễn ra đầu tháng 6 vừa qua tại Hà Nội) về cách thức IBM Watson “làm báo”. Ông cho biết, không chỉ là Trí tuệ Nhân tạo (AI) hay học máy (machine learning), một hệ thống biết nhận thức như IBM Watson có thể hiểu được mọi hình thức dữ liệu, tương tác một cách tự nhiên với con người, học tập và lập luận trên quy mô lớn.
Và như thế, việc ”sản xuất” - theo đúng nghĩa của từ này - các bài báo, bản tin... là hoàn toàn trong tầm tay của IBM Watson. Cũng như việc được ”huấn luyện” kiến thức chuyên ngành trong các lĩnh vực khác, nó có thể học cách làm báo theo chuẩn mực, thu thập và phân tích dữ liệu cực nhanh để đưa ra những bản tin theo thời gian thực ngay khi sự kiện diễn ra đâu đó trên thế giới.
”Tuy nhiên, nó không thể thay thế các nhà báo thực sự bằng xương bằng thịt...” – ông Eric Yeo nói – “... Và chúng tôi tin rằng, Trí tuệ Nhân tạo (thực ra là Trí tuệ được Tăng cường - Augmented Intelligence, cũng viết tắt là AI) chính là các loại máy móc hoặc hệ thống có khả năng thúc đẩy và nhân rộng kiến thức và hiểu biết của con người, chứ không chỉ đơn giản là bắt chước trí tuệ của con người. Khả năng kiểm soát của con người đối với dữ liệu mới là quan trọng, và đây mới chính là nơi các nhà báo thể hiện sự hiểu biết, sự nhạy bén và chính kiến của mình.
Đặc biệt, kết thúc cuộc nói chuyện của mình, Eric Yeo nói: Watson đã có mặt tại Việt Nam. Vậy, bạn sẽ làm gì với IBM Watson? Một câu hỏi đặt chung cho cả nền công nghệ cũng như nền kinh tế số, nhưng dường như cũng đau đáu với mỗi người làm báo hôm nay!
Bảo Minh