Quyết định rút lui đột ngột này - được đưa ra sau nhiều tuần bạo luận vì vấn đề bất bình đẳng tại Chile đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng - đẩy cuộc họp APEC sắp tới rơi vào “thế bí” bởi không có một địa điểm thay thế nào được chuẩn bị.
Các cuộc bạo loạn đã khiến phần lớn thủ đô Santiago phải ngừng hoạt động, hệ thống giao thông tàu điện ngầm phải chịu thiệt hại gần 400 triệu USD. Tổng cộng 7000 người đã bị bắt và các doanh nghiệp Chile bị ảnh hưởng tới 1,4 tỷ USD.
TT Chile Sebastian Pinera, người đang phải đấu tranh cho sự sống còn chính trị của mình, cho biết ông đã phải đưa ra một quyết định hết sức khó khăn như huỷ bỏ Hội nghị thượng đỉnh, cũng như cuộc họp quốc tế cấp cao về biến đổi khí hậu - COP25 vào tháng 12 tới, để tập trung khôi phục pháp luật và trật tự xã hội.
“Tôi là người luôn luôn đặt vấn đề, lợi ích, nhu cầu, hy vọng của người Chile lên hàng đầu,” ông nói ngắn gọn trong một tuyên bố tại dinh tổng thống La Moneda.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC dự kiến sẽ quy tụ 20 nhà lãnh đạo thế giới vào ngày 16 và 17/11. TT Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận BÌnh đã được lên kế hoạch để ký kết một thoả thuận tạm thời - ngừng chiến trong cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng. Việc huỷ bỏ Hội nghị sẽ là rào cản cho cơ hội gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo trên một đất nước trung lập; tuy nhiên, chính quyền Trump cho biết họ vẫn dự kiến sẽ ký thoả thuận với Trung Quốc vào tháng tới nhưng chưa có một địa điểm thay thế nào được đặt ra.
Trung Quốc gợi ý Macau là một địa điểm khả thi. Nhà Trắng dự định cung cấp một số địa điểm của Hoa Kỳ như Alaska và Hawaii để làm nơi tổ chức thay thế. Tuy chưa có bình luận chính thức nào được đưa ra, nhưng các chuyên gia cho biết việc tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh thay thế trong thời gian ngắn là rất khó khăn.
“Những Hội nghị thượng đỉnh lớn - đặc biệt có sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo thế giới - là một khối công việc ‘khổng lồ’. Việc di dời cả một hội nghị như vậy sang địa điểm mới chỉ trong thời gian hai tuần có thể coi là bất khả thi,” Matthew Goodman, cựu quan chức của Hội đồng Bảo an Quốc gia và cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Thế giới cho biết.
“Nhà Trắng đang báo hiệu rõ ràng rằng họ thực sự muốn một cuộc gặp song phương giữa ông Trump và ông Tập, tuy nhiên có vẻ như nhiều khả năng họ sẽ để các bộ trưởng thương mại hoặc đại sứ ký kết thoả thuận giai đoạn 1 và để cuộc họp của hai nhà lãnh đạo cho sau này”.
Không có cuộc họp quốc tế rõ ràng nào trong tương lai gần, nơi mà TT Trump và Chủ tịch Tập có thể gặp nhau bên lề bởi TT Donald Trump không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan vào tuần tới, một nhà ngoại giao cho biết.
Nguồn: Reuters