Đại dịch Covid-19 không chỉ xáo trộn hiện tại mà còn gây ra những ảnh hưởng lớn đến tương lai của chúng ta. Đối với hầu hết các tổ chức, đặc biệt là những tổ chức đang gặp khó khăn, công nghệ có thể là một “chiếc phao cứu sinh” - ví dụ: cho phép các quy trình tiếp xúc với khách hàng hoặc các tùy chọn mới thông qua công cụ như Miro hoặc Mural. Ở cấp độ lớn, một số tổ chức sẽ chuyển sang hẳn các nền tảng công nghệ đáng tin cậy hơn hoặc bắt đầu cách tiếp cận các ứng dụng gốc đám mây.
Đại dịch sẽ tiếp tục tác động đến xu hướng trong tương lai về cách các tổ chức sẽ vận hành - và cách các cá nhân dẫn đầu chuyển đổi kỹ thuật số.
Các nhà lãnh đạo C-suite (giám đốc điều hành cấp cao) trên toàn cầu đều đang hướng tới nỗ lực triển khai công nghệ để bắt kịp với nhu cầu hiện nay cũng như sự thay đổi của khách hàng. Thương mại điện tử, bán hàng kỹ thuật số, hỗ trợ khách hàng, phúc lợi của nhân viên đang là những ưu tiên hàng đầu.
Vai trò của CIO (Giám đốc CNTT)
Các CEO thời đại kỹ thuật số, trong một thế giới hậu Covid-19, sẽ cần phải gồng mình và đảm nhận vai trò của chính các tác nhân thay đổi kỹ thuật số và người hỗ trợ kỹ thuật số. Một nghiên cứu của Deloitte cho thấy, để các tổ chức nhận ra các cơ hội mà công nghệ mới mang lại và thúc đẩy việc triển khai, phạm vi vai trò lãnh đạo của CIO sẽ phải được tăng lên. Ngoài ra, các CEO và CFO sẽ cần tham gia sâu hơn vào các quyết định liên quan đến các công nghệ. Trong tương lai, các nhà lãnh đạo sẽ cần học cách quản lý rủi ro và lãnh đạo hiệu quả trong các cuộc khủng hoảng, đồng thời giải quyết các vấn đề cũ như nền tảng công nghệ phân mảnh.
Hãy xem xét những yếu tố quan trọng dưới đây mà các nhà lãnh đạo sẽ phải tập trung vào - và các khả năng liên quan họ sẽ cần để phát triển - khi họ lãnh đạo các tổ chức vào năm 2021.
1. Trở thành những nhà lãnh đạo kỹ thuật số
Các nhà khoa học xã hội đang bận rộn nghiên cứu và tìm hiểu tác động của số hóa đối với tổ chức và xã hội, cùng với vai trò của nhà lãnh đạo trong việc định hình tổ chức. Cần có một nền văn hóa kỹ thuật số mạnh mẽ, trong đó các nhà lãnh đạo tiếp tục là những tác nhân chính dẫn đầu. Điều cần thiết hơn bao giờ hết là sự tập hợp của các bên liên quan nhầm nâng cao sự liên kết và cộng tác.
2. Văn hóa kỹ thuật số
Công nghệ kỹ thuật số giúp phát triển các quy trình tổ chức nội bộ hiệu quả nhằm đảm bảo kết quả chất lượng cho khách hàng. Các nhà lãnh đạo sẽ cần phải thể hiện mục đích và ý định, không ngừng nhắc nhở nhân viên về sứ mệnh và tầm nhìn chung của công ty.
Các công cụ kỹ thuật số, nếu được sử dụng một cách thích hợp và hiệu quả, có thể góp phần lập kế hoạch và giám sát các quy trình nội bộ, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp quản lý, xây dựng lòng tin của khách hàng. Các công cụ kỹ thuật số không chỉ giúp các nhà lãnh đạo giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến nhân sự và giảm thiểu chi phí hoạt động mà còn cải thiện khả năng ra quyết định. Tuy nhiên, họ sẽ phải xác minh tính phù hợp của các công cụ để đáp ứng đúng nhu cầu và mục tiêu của tổ chức.
Khi thúc đẩy cách thức làm việc cởi mở trong tổ chức, các nhà lãnh đạo có thể làm cho quá trình có được sự tham gia toàn diện hơn. Càng tạo điều kiện cho nhân viên thích nghi và sử dụng công nghệ mới trong công việc hàng ngày, thì khả năng tích hợp càng nhanh.
Tuy nhiên, phần khó nhất thường là cách quản lý sự thay đổi: Các nhà lãnh đạo cần tạo điều kiện thuận lợi, truyền tải cho nhân viên thái độ tích cực khi làm việc. Khuếch đại các cấu trúc hỗ trợ hiện có của tổ chức như hệ thống học tập, đào tạo, huấn luyện và cố vấn… Điều này sẽ giảm thiểu mức độ của nhân viên thường đi kèm với áp lực của sự thay đổi công nghệ, quy trình …
3. Ưu tiên đạo đức dữ liệu và bảo mật dữ liệu
Sự tiến bộ không ngừng của chuyển đổi kỹ thuật số và việc sử dụng nhiều dữ liệu lớn cùng công nghệ tiên tiến như AI đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử, xen kẽ với những lo ngại về vấn đề đạo đức. Ví dụ, các nhà lãnh đạo phải chú ý đến những lo ngại của khách hàng về các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu nhạy cảm. Việc đảm bảo các hướng dẫn, thông lệ được thiết lập rõ ràng, có cân nhắc cả chính sách bảo mật dữ liệu quốc gia và quốc tế sẽ phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc xử lý thông lệ dữ liệu nhạy cảm đều có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với thương hiệu và danh tiếng của tổ chức. Các nhà lãnh đạo cần làm gương và đặt ra các kỳ vọng rõ ràng bằng cách xác định các thực hành đạo đức liên quan đến dữ liệu nhạy cảm của cá nhân và nêu rõ các rủi ro liên quan.
4. Vai trò của truyền thông xã hội
Vào năm 2021, truyền thông xã hội và các công cụ kỹ thuật số sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn tới nhiều khía cạnh của công việc kinh doanh. Người ta dự đoán rằng các hình thức lãnh đạo truyền thống sẽ tiếp tục bị phá vỡ khi các công cụ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội tiếp tục tác động đến các chuẩn mực, giá trị, cơ cấu tổ chức và quy tắc.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo có thể chủ động chuẩn bị để biến phương tiện truyền thông xã hội thành lợi thế cho mình và cho tổ chức, bằng cách thúc đẩy và tận dụng xu hướng trong các mục đích giao tiếp và hợp tác.
Đôi khi các nhà lãnh đạo e ngại truyền thông xã hội, nhưng từ góc nhìn thực tế, họ cần phải vượt khỏi vùng an toàn, gác lại thành kiến, đồng thời học cách tạo ra sự hiện diện của mình trên mạng xã hội một cách có chiến lược. Trong đại dịch năm 2020, chúng ta đã chứng kiến tất cả các sự kiện và hội nghị chuyển sang định dạng trực tuyến. Đột nhiên, tất cả mọi người bị buộc phải làm việc ở nhà. Hầu hết các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới buộc phải đẩy mạnh và áp dụng các công cụ kỹ thuật số để thiết lập kết nối với nhân viên và tiếp cận cả những khán giả bên ngoài. Ví dụ, Chủ tịch IBM Jim Whitehurst đã chia sẻ các cuộc trò chuyện về các phương pháp lãnh đạo cởi mở, thông qua Twitter và LinkedIn, mở ra cuộc đối thoại với cả đồng nghiệp và khách hàng.
Nguồn: The Enterprisers Project