Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Tesla đã giảm 28% kể từ ngày 27/10 đến nay, khi CEO Elon Musk mua lại Twitter và bổ nhiệm chính mình vào vị trí Giám đốc điều hành.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lớn khác như Ford, GM và Volkswagen lại đều có mức tăng nhẹ trong cùng thời điểm.
Vào 13/12, cổ phiếu Tesla đóng cửa ở mức 160,95 USD, giảm hơn 4% trong ngày. Đó là một ngoại lệ hiếm hoi đối với các cổ phiếu công nghệ định hướng tăng trưởng, vốn chủ yếu có xu hướng tăng sau khi dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến được công bố vào sáng cùng ngày.
Giá cổ phiếu Tesla sụt giảm đã khiến một trong những cổ đông lớn nhất của công ty - tỷ phú Leo Koguan, người sáng lập công ty dịch vụ CNTT SHI International - kêu gọi hội đồng quản trị của công ty “phải thực hiện ‘liệu pháp sốc’ (shock therapy) để hồi phục giá cổ phiếu”, cụ thể là bằng cách mua lại cổ phiếu.
Tuy nhiên, một số người hâm mộ Tesla coi giá cổ phiếu giảm mạnh là một cơ hội mua vào, bất chấp sự phân tâm mới của Elon Musk là Twitter.
Elon Musk đã bán số cổ phần Tesla trị giá hàng tỷ USD của mình để tài trợ cho thương vụ Twitter. Kể từ khi tiếp quản công ty, bản thân Elon Musk đã thường xuyên đăng tải các dòng tweet gây kích động, mới đây nhất là nhằm vào Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci.
Kristin Hull, nhà sáng lập Nia Impact Capital và là cổ đông của Tesla, nhận xét rằng: “Có quá nhiều vấn đề với Tesla, khi hội đồng quản trị chẳng thể kiểm soát được CEO.”
Điều kiện kinh tế và dòng sản phẩm cũ kỹ cũng góp phần gây áp lực lên giá cổ phiếu của Tesla. Tesla đã trì hoãn việc sản xuất hàng loạt chiếc xe bán tải Cybertruck được lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Tesla ban đầu trình làng thiết kế vào năm 2019, khi đó dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2021.
Công ty đã tổ chức một sự kiện tại nhà máy sản xuất pin ở Nevada để đánh dấu việc bắt đầu giao xe tải hạng nặng Semitruck chạy hoàn toàn bằng điện vào tháng trước. Tại sự kiện này, các giám đốc điều hành của Tesla bao gồm cả Elon Musk đã không đề cập đến giá bán, số lượng sản xuất dự kiến, chế độ bảo hành hàng triệu dặm cũng như công nghệ tự lái đã được chào hàng trước đó.
Tesla cũng đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội về sự chậm trễ kéo dài nhiều năm trong việc cung cấp công nghệ tự lái thông qua các bản cập nhật phần mềm cho ô tô của khách hàng. Ngày càng có nhiều khách hàng Mỹ đệ đơn kiện Tesla để được hoàn lại tiền cho các hệ thống tự lái mà họ đã thanh toán mà chưa được cập nhật.
DMV California đã điều tra và chính thức đưa ra khiếu nại về việc Tesla đã quảng cáo sai sự thật về các hệ thống lái xe tự động của công ty.