Pepsi đã bán các sản phẩm của mình ở Nga trong hơn sáu thập kỷ, ngay cả khi công ty phải đổi nước ngọt cô đặc của mình để lấy rượu vodka Stolichnaya và tàu chiến. Trong khi đó, McDonald’s đã mở địa điểm đầu tiên bên ngoài Bức màn sắt ở Moscow, chỉ vài tháng trước khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Và trong những ngày gần đây, Pepsi, Coke, McDonald’s và Starbucks đều đã bị chỉ trích vì tiếp tục hoạt động ở Nga trong khi các công ty khác của Mỹ tuyên bố đình chỉ và tạm dừng bán hàng.
Theo thông tin mới nhất được Wall Street Journal đưa tin lần đầu tiên vào 8/3 cho biết, Pepsi đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau cho hoạt động kinh doanh ở Nga của mình. Họ sẽ đình chỉ việc bán các sản phẩm thuộc nhãn hiệu Pepsi-Cola, 7UP và Mirinda, cùng với các khoản đầu tư vốn và tất cả các hoạt động quảng cáo và khuyến mại. Tuy nhiên, công ty cho biết họ sẽ tiếp tục bán một số sản phẩm thiết yếu, như sữa bột, sữa và thức ăn cho trẻ em.
“Là một công ty thực phẩm và đồ uống, bây giờ hơn bao giờ hết chúng tôi phải trung thực với khía cạnh nhân đạo trong hoạt động kinh doanh của mình”, Giám đốc điều hành Pepsi, Ramon Laguarta, đã viết trong một bản ghi nhớ cho các nhân viên được CNBC xem.
Cùng ngày, McDonald’s đã đưa ra thông báo về việc tất cả 850 nhà hàng của họ ở Nga sẽ tạm thời đóng cửa.
Khoảng 84% địa điểm của McDonald’s ở Nga thuộc sở hữu của công ty, trong khi phần còn lại do các nhà nhượng quyền điều hành. Sở hữu nhiều nhà hàng hơn đồng nghĩa với doanh thu lớn hơn cho công ty, nhưng rủi ro lớn hơn trong thời kỳ hỗn loạn hoặc suy thoái kinh tế.
Starbucks đã tiến một bước xa hơn McDonald’s khi tuyên bố sẽ đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh ở Nga, bao gồm cả việc vận chuyển các sản phẩm của mình.