Cuộc chiến chống Covid-19: Cảm xúc và hành động

"Tôi có dự cảm và niềm mong mỏi rằng, ngày 30/4 năm nay, chúng ta sẽ có niềm vui kép: Kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước và thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19", doanh nhân Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Constremxim HOD viết cho Thương Gia.
Cuộc chiến chống Covid-19: Cảm xúc và hành động

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, đất nước ta sẽ kỷ niệm dấu mốc quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc, 45 năm thống nhất đất nước. Tôi có dự cảm và niềm mong mỏi rằng, ngày 30/4 năm nay, chúng ta sẽ có niềm vui kép, Việt Nam thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19 sau những ngày tháng cả nước đồng lòng giãn cách xã hội, chung sức cùng Chính phủ dập dịch. Những ngày qua, quốc tế đã công nhận và không khỏi ngạc nhiên về tính hiệu quả của “mô hình chống dịch giá rẻ” mà Việt Nam áp dụng. Một lần nữa, ý chí và tinh thần dân tộc Việt lại tỏa sáng giữa thời khắc cam go nhất.

Tết Canh tý quả là đáng nhớ, ngay từ cái cách bắt đầu của nó. Trong khi người dân còn đang xum vầy vui năm mới thì các thành viên Chính phủ đã phải họp ngày họp đêm để bàn giải pháp ứng phó kịp thời với dịch bệnh vừa được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Thông tin trên các phương tiện truyền thông những ngày tết vẫn dành thời lượng đưa về tình hình dịch bệnh tại đất nước có đường biên giới rất dài với Việt Nam.

Đối với cá nhân tôi và công ty Constrexim HOD, có lẽ chưa bao giờ buổi gặp mặt cán bộ công nhân viên đầu năm mới lại đặc biệt như thế. Ngoài việc chúc nhau một năm mới an khang, hạnh phúc, cùng nhau bàn thảo về kế hoạch công việc triển khai ngay sau những ngày xuân, tôi không quên dặn dò cán bộ công nhân viên của mình về quy tắc phòng chống dịch. Ở thời điểm ấy, tôi cũng đã nghĩ đến sự nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng quả thật không thể nào ngờ, con virus corona thế hệ mới này có thể gây nên một đại dịch toàn cầu thảm khốc đến như vậy.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt may hàng trăm khẩu trang hỗ trợ người nghèo phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt may hàng trăm khẩu trang hỗ trợ người nghèo phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Nhưng cũng trong chính những ngày tháng ba, tháng tư này, tôi lại có được cảm nhận rõ ràng hơn nữa về sức mạnh dân tộc, về sự đoàn kết, đồng lòng chung sức cùng phòng chống dịch. Đã từng đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như tham gia vào chiến tranh bảo vệ biên giới, người lính trong tôi lại cảm nhận được phần nào bầu không khí chống dịch căng đầy như thể đất nước vào mùa chiến dịch những năm xưa. Không khí căng thẳng, khẩn trương phòng chống dịch thể hiện từ những bản tin đài phường, mỗi ngày phát từ 5 đến 7 lần thông báo, ở cả thành phố đến nông thôn… Covid-19 trở thành thông tin chính trong tất cả các bản tin của cả hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống và mạng xã hội.

Những ngày này, không khỏi xúc động trước hình ảnh những cán bộ chiến sĩ cuốn tư trang lên đường làm nhiệm vụ, doanh trại trở thành nơi đón tiếp người cách ly. Những người lính nằm rừng, xả thân vì nhiệm vụ, dành lại điều kiện tốt nhất cho đồng bào, cho những người nước ngoài đang ở lại Việt Nam đến cách ly.

Tôi thường lặng đi khi theo dõi những hình ảnh, tin tức về những chiến sĩ áo trắng. Họ cũng thật kiên cường để bám trụ tại bệnh viện, tại những cơ sở thăm khám tuyến đầu. Nhờ có họ mà chúng ta chưa ghi nhận ca tử vong nào và con số bệnh nhân được chữa khỏi tăng lên. Điều ấy như một phép mầu, nếu chúng ta nhìn sang những con số thống kê của các nước tiên tiến có nền y tế phát triển hơn hẳn.

Bộ đội nhường doanh trại đồng thời chăm sóc bữa ăn, sức khỏe cho những người cách ly tập trung
Bộ đội nhường doanh trại đồng thời chăm sóc bữa ăn, sức khỏe cho những người cách ly tập trung

Kể từ khi ghi nhận bệnh nhân số 17 tại Hà Nội, Đảng, Chính phủ không chủ quan phải gấp rút chuẩn bị cho cuộc chiến một cách toàn diện và cả hệ thống chính trị lại gắng sức cho cuộc chiến ở giai đoạn mới, thật cam go chẳng kém gì thời kỳ Mậu thân 1968 và cuộc tổng tiến công năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đáp lại lời kêu gọi toàn dân chống dịch của Tổng Bí Thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cả nước từ miền xuôi tới miền ngược “ra trận” tràn đầy niềm tin và dũng khí. Đồng hành với sự kiên cường, cống hiến của bộ đội cụ Hồ, của đội ngũ lương y, tình nguyện viên là sự nhiệt tâm đồng lòng của cả cộng đồng. Còn gì cảm động hơn hình ảnh mẹ Liệt sỹ tặng cả 2 tấn gạo cho khu cách ly, rồi có cháu bé dành hết số tiền mấy triệu đồng tiết kiệm để gửi ủng hộ… Hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp để góp phần chống dịch từ cộng động các doanh nghiệp và người dân như thế đó.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, CBCNV Công ty tôi cùng tham gia đóng góp mỗi người tối thiểu 2 ngày lương. Riêng ban lãnh đạo Công ty ủng hộ ½ tháng lương để chống dịch.

Kể từ khi thống nhất đất nước, chưa bao Việt Nam phải áp dụng “giãn cách xã hội” trên diện rộng như thế. Những đô thị vắng người, những bệnh viện, khu phố, những làng xã phải cách ly… Nhưng vì mục tiêu chung, tất cả đồng lòng thực hiện.

Ngẫm lại đất nước mình, tổ quốc mình cứ mỗi khi có giặc giã, chiến tranh, bệnh dịch là cả dân tộc hàng triệu người như một đồng lòng chống giặc. Họ tin vào nhau, họ dựa vào nhau, họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau miếng cơm manh áo. Toàn dân cùng tham gia cuộc chiến chống Covid.

Hôm nay là ngày thứ 14, tôi thực hiện nghiêm túc Chỉ thị "giãn cách xã hội” của chính phủ, từ ở nhà, tôi điều hành doanh nghiệp trực tuyến. Để đến ngày kết thúc cuộc chiến này vẫn còn rất nhiều cam go quyết liệt, nhưng tôi tin tưởng vào Chính phủ, vào cuộc chiến chống dịch như chống giặc đang được thực hiện chắc chắn sẽ sớm thành công. Cũng như tin vào việc, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau cuộc chiến ấy.

Với tư cách là một doanh nhân, tôi cũng đang nỗ lực chèo lái để công ty vượt qua giai đoạn khó khăn do nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Chính phủ đã có những gói cứu trợ rất kịp thời đối với nền kinh tế, điều mong mỏi còn lại là sự vào cuộc của cả bộ máy từ trung ương đến địa phương, từ bộ ngành xuống đến các cấp thực thi, để làm sao hạn chế tối đa “độ trễ” chính sách. Các doanh nghiệp và người lao động đều trông ngóng Chính phủ giải cứu nền kinh tế với quyết tâm cao như chống đại dịch Covid-19.

Niềm vui của ngày 30/4/2020 sẽ càng trọn vẹn hơn, tôi tin là như vậy!

Hà Nội, ngày 14/4/2020

NGUYỄN ĐỨC CÂY
Chủ tịch HĐQT Constremxim HOD

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…