Cuộc chiến truyền thông – Ai thắng ai?

Truyền thông không chỉ truyền đi thông tin sự thật mà còn truyền cả những thông tin phản sự thật – tùy theo chủ đích của những người làm truyền thông. Truyền thông quan trọng đến mức, trong nhiều trận chiến, ai nắm được truyền thông, người đó gần như chắc chắn nắm được phần thắng.

Khi con người hiện diện trên hành tinh là đã có truyền thông. Hoạt động sơ khởi của nó đơn giản chỉ là truyền miệng, từ đơn giản đến phức tạp. Di sản để lại của truyền thông thời đó chính là văn học dân gian (truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết lịch sử và ca dao, hò vè…). Dần dà, chữ viết xuất hiện và người ta có thể truyền thông tin bằng văn bản, chép sử cũng như xây dựng các quy ước, hương ước, thưởng – phạt… Theo đà tiến triển của xã hội, truyền thông càng phát triển, mở rộng với sự xuất hiện của phim ảnh, vô tuyến truyền hình…

Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, internet xuất hiện đã biến đổi cả thế giới – khi mà tất cả mọi ngõ ngách thông tin của toàn cầu chỉ còn gói gọn trong lòng bàn tay. Thời đại 4.0 ngày nay có thể nói là giai đoạn bùng nổ thông tin trên toàn cầu một cách dữ dội, tính từng giây từng phút. Con người chỉ cần xao nhãng theo dõi mọi diễn biến thời cuộc sẽ lập tức trở nên lạc hậu.

Ích lợi của truyền thông là làm cho con người trở nên luôn nhanh nhạy, thông thái do có thể nắm bắt được mọi điều diễn ra ở khắp mọi nơi. Cũng nhờ truyền thông mà họ có thể dễ dàng kết nối với nhau từ những khoảng cách xa xôi nhất. Có nhiều nghề nghiệp, công việc không thể thoát ly mạng truyền thông. Đó là những thương gia, nhà sản xuất, kinh doanh, chính khách, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách… Tuy nhiên, cái hại của truyền thông cũng không hề nhỏ. Thông tin được nắm bắt không chuẩn sẽ dẫn đến cái nhìn, hành vi lệch lạc và hậu quả lớn có thể xảy ra.

Người ta thường hay nói đến báo chí chính thống và các kênh thông tin trên mạng xã hội. Dù là phương Tây hay phương Đông, dù ở thể chế chính trị nào thì báo chí vẫn luôn cố gắng giữ vững niềm tin nơi độc giả. Trong khi đó, mạng xã hội là một mớ hỗn độn mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Trong báo chí thì báo tiếng (đài phát thanh) và báo hình (đài truyền hình) lại càng lợi hại hơn.

Cần thấy rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta diễn ra suốt hơn 20 năm (1954 -1975) là vô cùng khó khăn, gian khổ. Nhưng cuối cùng ta đã giành trọn vẹn thắng lợi. Góp phần làm nên chiến thắng không thể không kể đến những đóng góp vô cùng quan trọng của một cơ quan truyền thông là Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tất cả nội dung của mọi bài vở, tin tức mà Đài này phát sóng trong suốt thời gian này chỉ nhằm vào 2 mục đích: Cổ vũ, động viên, khích lệ ý chí chiến đấu của các chiến sỹ ngoài tiền tuyến và tinh thần vượt mọi khó khăn để sản xuất, phát triển kinh tế ở hậu phương miền Bắc của các tầng lớp nhân dân. Đó là hai nhiệm vụ chiến lược lúc bấy giờ và có quan hệ khăng khít với nhau. Hậu phương có vững mạnh thì tiền tuyến mới có thể chiến thắng. Ngược lại, tiền tuyến thắng to mới động viên được tinh thần của hậu phương lớn.

Từ các bản tin thời sự; các bình luận xã hội, chính trị, kinh tế; các thông tin về mọi lĩnh vực của đời sống đến các chương trình văn nghệ, giải trí đều nhất nhất nhằm vào mục tiêu truyền thông như đã nói. Hồi đó, ngoài đài phát thanh (đến năm 1970 có thêm truyền hình) và một số ít ỏi báo chí, xã hội không có nhiều phương tiện truyền thông như bây giờ.

Truyền thông quả là lợi hại. Lợi đối với nhóm quyền lợi này tức là sẽ hại cho nhóm có quyền lợi đối ngược. Bất cứ một phe phái chính trị, một đơn vị, tổ chức kinh tế nào cũng triệt để tận dụng, khai thác ưu thế lớn này của truyền thông để phục vụ ý đồ của mình.

Trong cuộc chiến giữa Ucraina và quân đội Nga, thông qua báo chí và mạng xã hội, phương Tây đã tạo ra được chiến dịch truyền thông rầm rộ có lợi cho Ucraina.

Trong cuộc chiến giữa Ucraina và quân đội Nga, thông qua báo chí và mạng xã hội, phương Tây đã tạo ra được chiến dịch truyền thông rầm rộ có lợi cho Ucraina.

Cuộc chiến giữa hai nước Nga và Ucraina đang diễn ra từ mấy tháng nay có thể nói là sự kiện chính trị nổi cộm nhất khiến cả thế giới phải để tâm vì nó ảnh hưởng lớn đến an ninh, chính trị và kinh tế của nhiều quốc gia. Những thông tin trái chiều liên tục được truyền qua hệ thống truyền thông quốc tế và một số kênh nhỏ lẻ khác của các youtuber, facebooker…

Có thể thấy, phương Tây ngoài việc ủng hộ, hỗ trợ vũ khí, tài chính, công nghệ, tình báo, cố vấn quân sự cho chính phủ Ucraina còn tạo ra được chiến dịch truyền thông rầm rộ tác động sâu sắc đến dư luận thế giới. Trong khi đó, truyền thông Nga rõ ràng là không thể phủ sóng lên gần khắp địa cầu như truyền thông phương Tây nên yếu thế hơn. Nhưng xét về cục diện của cuộc chiến thì chưa thể biết trước thắng – thua vì những tác động sâu sắc của mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa Nga với toàn cầu. Anh "мужик" (nhà quê) Nga - có sức mạnh quân sự vượt trội nhưng yếu thế hơn về truyền thông buộc phải “làm nhiều hơn nói”.

Trên thực tế, Nga cũng phải trả những cái giá đắt hơn trong “kế hoạch tác chiến” của mình. Vì thế, những ai đã biết về nước Nga đang rất hoang mang giữa hai “làn đạn” truyền thông đó. Khi bên nào cũng coi mình là chính nghĩa thì đất nước Ucraina còn tan nát, người dân Ucraina còn đau thương. Chỉ khi nào cuộc chiến chấm dứt với một hội nghị đàm phán ba bên, khi đó sự thật mới được phơi bày.

Trong lĩnh vực kinh doanh chốn thương trường, không ai dại gì lại không tận dụng truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu của mình. Mục đích cao nhất của truyền thông là làm sao để càng nhiều người biết, tin và tìm đến sản phẩm của mình một cách nhanh nhất càng tốt. Vậy là truyền thông đã gắn liền với nghệ thuật marketing. Không thể có marketing nếu không có truyền thông. Ngược lại, truyền thông sẽ chẳng để làm gì nếu cuối cùng marketing không đạt được hiệu quả.

Thời buổi này, có vô vàn phương tiện truyền thông đắc hiệu mà hệ thống internet tỏ ra tối ưu. Đó là một thuận lợi nhưng mặt trái của nó cũng phơi bày nhiều bất ổn như tình trạng nhiễu thông tin, thông tin sai lệch mang tính lừa đảo… Kinh doanh tài ba, chân chính là phát triển, phát huy thanh thế, uy tín của thương hiệu để thu hút khách hàng, tăng lợi nhuận. Đây mới là cách bền vững nhất. Lợi dụng truyền thông để quảng cáo sai sự thật, mang tính lừa bịp, chụp giật thì chỉ nhất thời, không thể lâu dài.

Giữa một rừng truyền thông bề bộn từ rất nhiều nguồn, nhiều kênh hiện nay, việc nhận diện được thật, giả, đúng, sai, chính, tà đòi hỏi mỗi con người phải có trình độ hiểu biết và một cái đầu tỉnh táo. Tỉnh táo để làm chủ được bản thân trước sự nhiễu loạn của truyền thông./.

Có thể bạn quan tâm