Bà Harris và ông Trump “khẩu chiến” nảy lửa về vấn đề kinh tế và thương mại trong cuộc tranh luận đầu tiên

Trong cuộc tranh luận đầu tiên và có thể là duy nhất của chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã có màn đối đầu căng thẳng về các vấn đề kinh tế, thương mại và chính sách đối ngoại…

Ông Donald Trump và bà Kamala Harris tại cuộc tranh luận tối 10/9
Ông Donald Trump và bà Kamala Harris tại cuộc tranh luận tối 10/9

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris đã có màn tranh luận trực tiếp đầu tiên ở Trung tâm Hiến pháp quốc gia tại thành phố Philadelphia (Mỹ) vào tối 10/9.

Theo thỏa thuận trước đó, cuộc tranh luận do đài ABC News tổ chức không có khán giả và micro của các ứng cử viên bị tắt khi không phải lượt họ phát biểu. Cho đến nay, đây là cuộc tranh luận duy nhất được lên lịch trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Cả hai ứng cử viên đều mở màn với việc tập trung vào kinh tế, một vấn đề mà theo các cuộc thăm dò dư luận, đang có lợi thế nghiêng về ông Donald Trump, trích dẫn nhận định của tờ The Sacramento Bee.

Bà Kamala Harris lên tiếng công kích ý định của ông Donald Trump về việc áp thuế cao với hàng hóa nước ngoài – một đề xuất mà bà cho rằng sẽ bị chuyển thành thuế bán hàng đánh vào người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu.

Song song với đó, bà Harris cũng quảng bá cho kế hoạch cung cấp ưu đãi thuế cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Nhấn mạnh về gốc gác trung lưu của mình, bà Harris cũng nhắc lại đề xuất mở rộng lớn về tín dụng thuế cho trẻ em và hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu.

Bà Harris còn cho rằng ông Donald Trump không có kế hoạch chi tiết nào khác ngoài việc giảm thuế cho người giàu.

Phản pháo lại, ông Donald Trump nêu bật các thành tích của mình còn làm tổng thống, lưu ý rằng vào thời điểm đó giá cả trong nước chỉ tăng 2,4% vào năm 2018 và 1,8% vào năm 2019, nền kinh tế phát triển tốt, và tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng đều dưới 4%, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Ông Trump chì chiết bà Harris về tình hình lạm phát dai dẳng dưới thời chính quyền Joe Biden, nhất là khi lạm phát đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022. “Lạm phát đã là một thảm họa cho tất cả mọi tầng lớp”, ông Trump nhấn mạnh.

https---cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com-reuters-EKJ75PFSLRNFPHMFVZXVRZAOLE.jpg

Ngoài kinh tế, hai ứng viên tổng thống Mỹ còn tranh luận gay gắt về mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Trump bảo vệ các cam kết gần đây của mình về việc tăng thuế thương mại, bao gồm thuế chung từ 10% đến 20% và thêm thuế từ 60% đến 100% đối với quốc gia tỷ dân.

Ông khẳng định, chính quyền của ông đã thu được cho nước Mỹ hàng tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc và ngay cả chính quyền Biden - Harris sau đó cũng đã giữ lại hầu hết các mức thuế mà chính quyền Trump đưa ra.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng trấn an các mối quan ngại rằng chính sách thuế của ông sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng.

Ngược lại, ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris lập luận rằng chính quyền Trump yếu kém trong việc đối phó với Trung Quốc. “Dưới thời tổng thống Donald Trump, ông ấy đã bán chip của Mỹ cho Trung Quốc để giúp họ cải tiến và hiện đại hóa quân đội”, bà Harris nói và nhắc đến những nỗ lực gần đây của chính quyền Biden nhằm hạn chế việc bán các loại chip tiên tiến cho đối thủ nước ngoài. “Chúng ta cần tập trung vào quan hệ với các đồng minh, đẩy mạnh đầu tư công nghệ tại Mỹ để chiến thắng trong cuộc đua AI, điện toán lượng tử và hỗ trợ lực lượng lao động Mỹ”, bà Harris nhấn mạnh.

Theo CNBC, các nhà kinh tế và chuyên gia trước đó đã chỉ ra rằng chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ tập trung sâu hơn vào thuế quan và thương mại. Trong khi đó, bà Kamala Harris được dự đoán sẽ chú trọng nhiều hơn vào hàng loạt hạn chế có mục tiêu phối hợp với các đồng minh của Mỹ.

https---cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com-reuters-5VLKKVKTRZKHNEITKYYFGKJ3HA.jpg

Hai ứng cử viên cũng đã tranh cãi về cuộc chiến Israel-Gaza và cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng không ai đưa ra được giải pháp cụ thể để chấm dứt các cuộc xung đột này.

Trên thực tế, các cuộc tranh luận tổng thống không nhất thiết có thể thay đổi ý kiến của cử tri, nhưng chúng cũng mang đến tác động đáng kể. Màn trình diễn yếu kém của ông Joe Biden trước ông Donald Trump trong cuộc tranh luận hồi tháng 6 đã khiến ông phải từ bỏ chiến dịch tranh cử của mình.

Và trong cuộc đua có thể chỉ cách nhau vài nghìn phiếu bầu tại một số bang chiến trường, chỉ một thay đổi nhỏ trong dư luận cũng có thể tác động đến kết quả cuối cùng. Theo các khảo sát của tờ New York Times, hai ứng cử viên đang gần như “ngang cơ” tại bảy bang chiến trường quan trọng.

Xem thêm

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…