Đằng sau chính sách thuế 0% tại Monaco

Monaco nổi tiếng có điều kiện sống tốt và cơ sở hạ tầng công cộng hiện đại dù không thu thuế thu nhập của người dân, từ đó dẫn đến nhiều cuộc tranh luận so sánh với các nước láng giềng Châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Monaco vẫn có nhiều loại thuế khác để duy trì dịch vụ công chất lượng cao…

Một đoạn video được lan truyền rộng rãi trong thời gian gần đây về con đường cắt qua biên giới giữa Pháp và Monaco đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận trên mạng xã hội. Theo đó, đường Rue des Martyrs de la Résistance phía Pháp có vẻ hơi xuống cấp so với đường Rue Bellevue phía Monaco. Bài đăng ngụ ý rằng Monaco duy trì được đường phố sạch đẹp dù không thu bất kỳ loại thuế nào, cho thấy thuế không phải điều kiện cần thiết để cung cấp dịch vụ công chất lượng, từ đó họ ủng hộ quan điểm tự do hóa về thuế.

Video này đã được chia sẻ hàng nghìn lần trên TikTok và X (Twitter cũ), kèm chú thích bằng nhiều ngôn ngữ khẳng định Monaco không hề thu thuế người dân.

Bài đăng so sánh Pháp và Monaco được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội

Tuy nhiên, những tuyên bố này không hoàn toàn chính xác. Đúng là công quốc Monaco không áp thuế thu nhập cá nhân lên cư dân và cũng không có thuế lãi vốn (Capital gains tax) hay thuế tài sản (Wealth tax).

Tuy nhiên, vẫn có các loại thuế khác, chẳng hạn như mức thuế 33,3% đối với lợi nhuận từ giao dịch mua bán bất động sản. Điều này là đặc biệt đáng chú ý bởi Monaco có mức giá bất động sản thuộc hàng cao nhất thế giới: theo số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê của Monaco, giá trung bình mỗi mét vuông ở đây vào khoảng 51.418 Euro (tương đương 1,4 tỷ đồng), tăng gần 40% so với 10 năm trước.

Ngoài ra, mặc dù có mức thuế doanh nghiệp ở mức vừa phải, nhưng quốc gia này có lệ phí đăng ký và cấp phép doanh nghiệp lên đến hàng chục nghìn Euro, cũng như áp dụng thuế tem lên các tài liệu. Các công ty có hơn 25% lợi nhuận bên ngoài Monaco phải chịu mức thuế lên đến 33,3%.

Là điểm du lịch hàng đầu thế giới, Monaco còn thu về hàng tỷ Euro mỗi năm nhờ lợi thế ở vị trí ven Địa Trung Hải, các sòng bạc, khách sạn sang trọng và hệ thống giải trí cao cấp.

Ngành hàng hóa và dịch vụ xa xỉ cũng là nguồn tạo ra nhiều thu lớn cho Monaco. Mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 20% đối với hàng xa xỉ như đồng hồ, trang sức và quần áo, cùng với nhà hàng và salon làm đẹp đắt đỏ, cũng đóng góp đáng kể vào GDP của quốc gia này.

Monaco có thể cung cấp dịch vụ công chất lượng cao dù có chế độ thuế cá nhân thấp nhờ vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như diện tích nhỏ và tài sản bình quân đầu người cao. Quốc gia này tạo ra doanh thu đáng kể từ dịch vụ tài chính: đây là một trung tâm tài chính nổi tiếng thu hút được các cá nhân giàu "gửi gắm" khối tài sản khổng lồ của họ ở hệ thống ngân hàng của Monaco.

Trong khi đó, một quốc gia rộng lớn và đa dạng như Pháp cần nguồn thu từ thuế đáng kể để tài trợ cho các dịch vụ như y tế, giáo dục và an sinh xã hội, và có một khu vực rộng lớn cần duy trì.

Nhìn chung, mức thuế thấp có thể phù hợp cho các nền kinh tế nhỏ, nhưng không phải là giải pháp phù hợp cho mọi quốc gia.

Có thể bạn quan tâm