Danh mục đầu tư “lệch sóng”, nhiều quỹ đầu tư thất bại trong tháng 4/2025

Dù VN-Index đã phục hồi về vùng điểm đầu năm, phần lớn các quỹ chủ động vẫn "hụt hơi" trong cuộc đua hiệu suất, cho thấy độ lệch pha ngày càng rõ giữa chỉ số thị trường và khả năng bắt sóng của các nhà quản lý quỹ…

Bốn tháng đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam như ngồi trên tàu lượn siêu tốc – thăng trầm liên tục, đặc biệt là cú rơi sâu trong tháng 4 khi VN-Index có thời điểm chạm đáy 1.073 điểm do lo ngại về chính sách thuế.

Tuy nhiên, chỉ số nhanh chóng bật dậy, bứt phá mạnh mẽ nhờ động lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Vingroup. Tính đến ngày 16/5, VN-Index đã leo lên mốc 1.301,39 điểm, ghi nhận mức tăng 4% so với đầu năm.

Tưởng như sắc xanh của thị trường sẽ là "liều thuốc bổ" cho hiệu suất của các quỹ đầu tư, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Dòng tiền quỹ vẫn chưa kịp "hòa nhịp" với đà phục hồi.

DANH MỤC ĐẦU TƯ "LỆCH SÓNG", NHIỀU QUỸ HỤT HƠI TRƯỚC VN-INDEX

Theo thống kê, trong số 29 quỹ chủ động được khảo sát, chỉ có vỏn vẹn hai cái tên ngoi lên khỏi mặt nước là MBVF và BVFED, và mức tăng cũng chỉ quanh quẩn dưới 2%. Còn lại, phần lớn các quỹ đều "bơi ngược dòng", chịu mức lỗ từ 2–13%. Đáng chú ý, VDEF và NTPPF cùng sụt giảm tới 12%, trong khi KIM Việt Nam Hàn Quốc và VEOF mất khoảng 11%, còn VESAF cũng "bốc hơi" 10%.

Ngay cả những quỹ lớn cũng không tránh khỏi làn sóng suy giảm. VEIL – quỹ ngoại lớn nhất thị trường – ghi nhận mức giảm hơn 8% tính đến đầu tháng 5. Hai "người anh em" cùng nhà Dragon Capital là DCDS và DCDE cũng lần lượt giảm 3% và 5%. Nhóm quỹ SSIAM như VLGF, SSI-SCA cùng các quỹ của Thiên Việt (TVGF3, TVGF4) cũng không khá hơn với mức lỗ quanh 8%.

Nguyên nhân chính nằm ở sự lệch pha giữa danh mục đầu tư của các quỹ và nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index phục hồi nhờ sức kéo mạnh từ nhóm bất động sản – đặc biệt là ba ông lớn VIC, VHM và VRE – nhưng đây lại không phải là “gu” ưa thích của phần lớn quỹ chủ động trong thời gian qua.

Chẳng hạn, danh mục của VDEF (thuộc VinaCapital) cuối tháng 3 cho thấy sự tập trung vào nhóm ngân hàng (26,3%), công nghiệp (23,2%) và vật liệu (15,4%). Những cổ phiếu lớn trong danh mục như MBB, PVI, ACB, SZC, GVR đều có diễn biến tiêu cực. Trong đó, SZC giảm tới 23%, GVR mất 18% và PVI cũng lùi 16% chỉ trong khoảng từ tháng 4 đến ngày 9/5.

Không khó để lý giải vì sao nhiều quỹ đầu tư lại "trượt nhịp" khi thị trường hồi phục. Bởi khi VN-Index lấy lại đà tăng nhờ sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là bất động sản, thì danh mục của không ít quỹ lại đang neo ở những cổ phiếu chưa kịp bắt sóng.

Tương tự, NTPPF (thuộc NTP Capital) đang nắm giữ tỷ trọng lớn ở các mã như FPT, HCM, CTD, CTG, HPG. Dù đây đều là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, nhưng trong giai đoạn từ tháng 4 đến nay, FPT và HCM – hai cổ phiếu chủ lực trong danh mục – lại chưa hồi phục mạnh mẽ so với đà tăng của VN-Index.

Tình hình cũng tương tự với Vietnam Holding, quỹ này sở hữu danh mục tập trung vào các mã như FPT, TCB, MWG, ACB, SIP, FRT. Tuy nhiên, việc SIP lao dốc tới 22% kể từ tháng 4 đã kéo tụt hiệu suất chung, bất chấp tiềm năng dài hạn của danh mục.

Ngược lại, hai điểm sáng hiếm hoi – MBVF và BVFED – lại thể hiện sự "bắt sóng" tốt hơn khi có danh mục gần sát với nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Báo cáo gần nhất của MBVF cho thấy quỹ này đang tập trung vào nhóm ngân hàng (ACB, VCB) và đặc biệt là các mã như VHM và HPG. Trong đó, VHM là một trong những cổ phiếu phục hồi ấn tượng nhất thời gian qua. Đây cũng là số ít quỹ chủ động sở hữu cổ phiếu họ Vingroup ngay từ đầu năm – một quyết định chiến lược đang giúp MBVF "ghi điểm".

Trong khi đó, BVFED có danh mục trải rộng với 32 cổ phiếu niêm yết, nhưng các khoản đầu tư lớn lại tập trung ở những cái tên đang "lên sóng" như TCB, BWE, SHB, MWG, MBB, HCM. Nhiều mã trong số này đã tăng mạnh từ đầu năm – chẳng hạn SHB tăng đến 40%, BWE tăng 13%, TCB tăng 12% – đóng góp đáng kể vào hiệu suất tích cực của quỹ.

Bức tranh phân hóa hiệu suất giữa các quỹ còn phản ánh sự khác biệt trong khẩu vị đầu tư. Những quỹ ưa thích cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay các nhóm mang tính chu kỳ, rõ ràng đang "lỡ nhịp" khi dòng tiền đổ về nhóm đầu ngành. Ngược lại, những quỹ có chiến lược linh hoạt hơn, ưu tiên phân bổ vào bluechip, ngân hàng, hoặc bất động sản lại đang thể hiện sự thích nghi tốt hơn trong bối cảnh VN-Index tiếp tục nới rộng đà hồi phục.

ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG ĐANG Ở VÙNG HẤP DẪN, VN-INDEX TIẾP TỤC NỚI ĐÀ PHỤC HỒI

Mặc dù bức tranh hiệu suất các quỹ đầu tư hiện tại vẫn khá phân hóa, giới quản lý quỹ cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong những tháng tới. Mặt bằng định giá hấp dẫn đang mở ra cơ hội cho dòng tiền quay trở lại, đặc biệt khi triển vọng vĩ mô dần ổn định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang được dẫn dắt bởi một số nhóm ngành nhất định, việc “chọn đúng cổ phiếu – đi đúng sóng” sẽ là yếu tố quyết định giúp các quỹ cải thiện hiệu suất. Những danh mục có sự linh hoạt, bám sát dòng dẫn dắt thị trường và có khả năng hồi phục sớm sẽ là những cái tên sáng giá trong cuộc đua nước rút cuối năm 2025.

Quỹ Đầu tư chứng khoán năng động DC (do Dragon Capital quản lý) nhìn nhận, trước sức ép từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngoại giao, dẫn đến quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày.

Đồng thời, ở trong nước, Việt Nam đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 20 tỷ USD, tập trung vào hạ tầng, công nghệ và tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, các cải cách thể chế được xúc tiến mạnh mẽ nhằm giảm 30% thủ tục kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Một gói hỗ trợ khẩn cấp cũng đã được đề xuất, ưu tiên các ngành xuất khẩu dễ tổn thương như dệt may, da giày, nội thất và thủy sản, với mục tiêu giữ ổn định việc làm và hạn chế gián đoạn kinh tế.

Theo quỹ này, việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế mức cao trong 90 ngày tạo ra khoảng trống cần thiết để hai bên đàm phán và làm rõ các vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, Việt Nam không chờ đợi, mà tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó có việc tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị, tháo gỡ các rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển. Sức cầu nội địa ổn định và chính sách hỗ trợ kịp thời đang góp phần củng cố nền tảng vĩ mô.

“Những nỗ lực này kỳ vọng sẽ tạo lớp đệm quan trọng giúp nền kinh tế ứng phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì đà tăng trưởng. Dù vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tiến độ đàm phán thương mại và hiệu quả triển khai chính sách trong nước sẽ là yếu tố then chốt. Tâm lý thị trường có thể vẫn nhạy cảm với thông tin chính sách, nhưng nhóm đầu tư hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào phản ứng nhanh chóng, nhất quán và có tổ chức của Chính phủ cũng như cam kết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”, Dragon Capital cho biết.

Nguồn: SGI Capital

Theo SGI Capital, kể từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng cổ phiếu, trong đó hơn một nửa chỉ trong tháng 3 và đầu tháng 4 khi rủi ro thuế quan hiện hữu.

“Chúng tôi cho rằng các rủi ro từ thuế quan tác động tới nhà đầu tư đang phản ánh rất nhanh vào giá cổ phiếu và sẽ dần phai nhạt trong hai tháng tới khi quá trình đàm phán diễn ra và hoàn tất. Nửa cuối năm nay, dòng tiền của khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng theo sự hấp dẫn của định giá và quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi”, SGI Capital nhận định.

VN-Index giảm mạnh vào đầu tháng 4 đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao.

Ở mốc 1.200 điểm, VN-Index có định giá P/B rẻ tương đương vùng đáy được tạo ra vào tháng 3/2020 (khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát) và khủng hoảng thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 11/2022.

Còn định giá P/E cao hơn hai mốc đáy lớn kể trên từ 10 - 15%. Khi tất cả các cổ phiếu tốt, xấu đều bị bán tháo như nhau về quanh mức rẻ lịch sử, nhiều cơ hội đầu tư dài hạn rất hấp dẫn đã xuất hiện.

Chia sẻ về định hướng đầu tư, theo SGI Capital, những lúc tương lai bất định, triển vọng tối tăm cũng đồng thời là thời điểm tốt để sở hữu cổ phiếu bởi nhu cầu bán tháo chuyển qua phòng thủ sẽ khiến mặt bằng định giá của mọi cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả đầu tư trong dài hạn. Đây là lúc thị trường đang cho nhà đầu tư quyền chọn mua những doanh nghiệp tuyệt vời bị bán tháo về các mức định giá rẻ lịch sử, vốn chỉ tồn tại trong thời gian không dài ở giai đoạn đỉnh điểm nỗi sợ hãi.

Trong khi đó, Lumen Vietnam Fund đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn, VN-Index đang giao dịch với mức chiết khấu so với tiềm năng tăng trưởng của mình. Tính đến cuối tháng 4/2025, danh mục đầu tư của LVF đang giao dịch với hệ số P/E dự phóng cho năm 2025 là 11,3 lần và P/E dự phóng cho năm 2026 là 9,3 lần, được hỗ trợ bởi dự báo tăng trưởng EPS là 18,7% so với năm trước trong năm 2025 và 21,4% so với năm trước trong năm 2026.

Những dự báo tăng trưởng này đã được điều chỉnh giảm so với các ước tính trước đây của quỹ là 21,7% và 26,7% lần lượt trong năm 2025 và 2026, tương ứng, sau khi áp dụng các mức thuế đối ứng của Mỹ.

Có thể bạn quan tâm