Doanh nhân Nguyễn Hồng Việt - CEO SAP Việt Nam: Doanh nghiệp càng nhập cuộc sớm càng có nhiều lợi thế

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Việt – Tổng giám đốc SAP Việt Nam với Thương Gia khi nói về vấn đề phát triển bền vững trong doanh nghiệp. CEO Việt cho rằng, những doanh nghiệp nào càng nhập cuộc sớm trong vấn đề phát triển bền vững chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế về mặt lâu dài.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Việt - CEO SAP Việt Nam
Doanh nhân Nguyễn Hồng Việt - CEO SAP Việt Nam

- Có quan điểm cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và việc phát triển bền vững trở nên khó khăn đối với họ. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Từ góc nhìn của SAP trên cương vị là đối tác chuyển đổi số của rất nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy trong 2 năm vừa qua, bất chấp COVID-19 hay những bất lợi do hoàn cảnh gây nên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững và quyết tâm đi theo lộ trình này.

Lý do là bởi: Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra rằng trong những bối cảnh khó lường, việc ứng công nghệ để hỗ trợ kinh doanh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết; Dù khó hay không khó, các doanh nghiệp sẽ cần hướng về phía trước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển; Dù muốn hay không muốn, các doanh nghiệp cần phải thỏa mãn những quy định của các cơ quan chức năng, thị hiếu khách hàng, kỳ vọng của nhà đầu tư…

Những yếu tố chi phối đến hoạt động và sự tồn tại của một doanh nghiệp rất đa dạng, bao gồm luật pháp, chính sách, khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên. Tất cả những đối tượng đó đều có mối quan tâm đặc biệt đến phát triển bền vững – đây là xu thế không thể đảo ngược. Khảo sát mới nhất của Q&Me cho thấy sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và phát triển bền vững của người Việt đã tăng rất nhiều. Do vậy, dù muốn hay không, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách để thỏa mãn những kỳ vọng này. 

- Vậy có thể hiểu, những doanh nghiệp tiên phong theo hướng phát triển bền vững sẽ gặp khó hơn những doanh nghiệp khác do phải đáp ứng nhiều quy tắc?

Khó khăn luôn đi kèm cơ hội. Các doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đồng thời sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững sẽ có rủi ro là chi phí tăng do phải đáp ứng nhiều quy tắc nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường mong muốn được sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp nào nhập cuộc sớm chắc chắn sẽ có lợi thế về mặt lâu dài, dẫn đến việc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới phát triển bền vững. 

Hiện tại, ngoài các bộ chỉ số chính như top line (doanh thu), bottom line (lợi nhuận), các doanh nghiệp trên toàn cầu đang chú trọng vào các chỉ số green line (chỉ số xanh) để phản ánh những tiêu chí về phát triển bền vững trong các bộ báo cáo của họ. Lý do là rất nhiều thị trường lớn đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, ví dụ các doanh nghiệp này có thể được vay với mức lãi suất ưu đãi hơn nếu họ thỏa mãn các chỉ số về phát triển bền vững. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đáp ứng các chỉ số phát triển bền vững để được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi hơn. 

Tại thị trường Việt Nam, bất chấp COVID-19 hay những bất lợi do hoàn cảnh gây nên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển bền vững và quyết tâm đi theo lộ trình này.

- Ông có nhắc đến việc chuyển đổi số sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững một cách thuận lợi hơn. Vậy công nghệ đóng vai trò gì trong việc thúc đấy các mô hình phát triển bền vững trong doanh nghiệp?

Công nghệ là trụ cột không thể thiếu để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn và tăng cường giá trị cốt lõi của họ. Để tăng trưởng và cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp cần có sự khác biệt về sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp có thể làm giàu sự khác biệt trong các sản phẩm của mình bằng quy trình vận hành, cấu trúc tổ chức, hoặc văn hóa doanh nghiệp. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp vận hành, đưa sản phẩm của họ ra thị trường, xây dựng quy trình để doanh nghiệp đó tiếp cận với khách hàng, tuân thủ luật pháp, tiếp cận hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sẽ cần mua các nguyên liệu đầu vào bằng một quy trình nào đó. Nếu áp dụng công nghệ, quy trình mua hàng có thể giúp doanh nghiệp nhận biết trong số hàng trăm nhà cung ứng, đâu là top 10 nhà cung ứng đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Như vậy, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng ưu tiên làm việc với 10 nhà cung ứng đó hơn là làm việc với 90 nhà cung ứng còn lại. Đây là minh chứng cho việc công nghệ và quy trình tích hợp phát triển bền vững sẽ giúp khách hàng thực thi các mục tiêu phát triển bền vững của mình.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện đang chiếm tới 96,7% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động với nhiều hạn chế về nguồn lực con người, công nghệ... Vậy theo ông, những doanh nghiệp này cần làm gì để vừa phát triển bền vững, vừa đảm bảo lợi nhuận?

Mặc dù họ có rất nhiều hạn chế về mặt nguồn lực, công nghệ.… nhưng họ vẫn bị chi phối bởi cùng một xu thế thị trường. Doanh nghiệp nhỏ nếu làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn sẽ phải tuân thủ những quy định về môi trường của các cơ quan chức năng mà không có sự lựa chọn. Tuy nhiên, hiện tại, việc tiếp cận đang thuận lợi hơn nhờ sự giao thoa về công nghệ trên thế giới. 

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, SAP đưa ra 3 trụ cột chính là không phát thải, không rác thải và không bất bình đẳng. Đi theo 3 trụ cột đó sẽ có các sản phẩm để giúp doanh nghiệp quản trị việc phát triển bền vững trong doanh nghiệp cũng như trong hệ sinh thái của họ. Rất nhiều DNVVN cũng sẽ nằm trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp này. Như vậy, nếu từng doanh nghiệp ứng dụng và tuân thủ theo các tiêu chí phát triển bền vững, thì bản chất hệ sinh thái xung quanh họ càng mạnh hơn và sẽ có lợi thế rất nhiều so với các doanh nghiệp tiếp theo.

- Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu phát triển bền vững như thế nào?

Tùy từng bối cảnh doanh nghiệp, sẽ có những doanh nghiệp sẵn sàng kiểm soát rác thải trước, có những doanh nghiệp sẽ cảm thấy việc quản lý phát thải dễ dàng hơn. Một số doanh nghiệp sẽ sẵn sàng xóa bỏ bất bình đẳng, ví dụ tạo ra cơ hội tiếp cận công việc bình đẳng cho nhân viên.

 Đối với phần lớn các doanh nghiệp, đầu tiên chúng ta cần kiểm soát lượng phát thải carbon trong doanh nghiệp. Việc bắt đầu kiểm soát lượng phát thải sẽ giúp doanh nghiệp biết được mình đang phát thải bao nhiêu và đạt được mục tiêu như thế nào. 

Ở Việt Nam, phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm ở những góc khác nhau
Ở Việt Nam, phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm ở những góc khác nhau

Tiếp theo, chúng ta cần hạn chế rác thải. Rất nhiều DNVVN đang tiên phong sử dụng những nguyên vật liệu tái chế - như các loại ống hút làm từ vật liệu thiên nhiên. Những doanh nghiệp lớn hơn có thể cân nhắc dùng nguyên vật liệu thô trong quá trình sản xuất, đóng gói, bán hàng và tìm cách tái chế sau khi khách hàng sử dụng. Nếu doanh nghiệp có chiến lược để tái chế và giảm những nguyên vật liệu cơ bản như xi măng, sắt, thép, nhựa và nhôm thì chúng ta có thể giảm 40% phát thải vào 2050. Hiện trong sản xuất, chỉ có 9% vật liệu được tái chế, trong khi 91% còn lại chỉ được sử dụng một lần, gây ra rất nhiều hệ lụy cho môi trường và con người. Doanh nghiệp càng sử dụng nhiều vật liệu tái chế, thì tính bền vững càng được nâng lên. 

Nói tóm lại, doanh nghiệp có thể tiếp cận phát triển bền vững bằng cách đo lường lượng phát thải carbon, tuần hoàn lại chu trình sử dụng và sản xuất, tthiết lập các quy trình dựa trên nền tảng công nghệ để đo lường chính xác, để doanh nghiệp nhìn thấy mục tiêu và cải thiện mục tiêu đó.

- SAP sẽ đồng hành với doanh nghiệp như thế nào trong quá trình này?

SAP là đối tác công nghệ để giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu quản trị. SAP cũng đi theo 3 trụ cột và có những sản phẩm về mặt công nghệ.

Đối với mục tiêu không phát thải, SAP có sản phẩm Quản lý Dấu chân Sản phẩm (Product Footprint Management) để giúp doanh nghiệp ghi nhận được tình hình phát thải, thu thập dữ liệu trong toàn doanh nghiệp để đưa ra các báo cáo minh bạch, giúp doanh nghiệp nhận biết tình trạng phát thải của mình như thế nào, xu hướng ra sao và mục tiêu cần đạt được như thế nào.

Đối với mục tiêu không rác thải, SAP có sản phẩm Thiết kế và Sản xuất có trách nhiệm (Responsible Design & Production - RDP), giúp các doanh nghiệp quản trị vòng đời sản phẩm từ lúc làm việc với nhà cung ứng, tới khâu sản xuất, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đến khi trở thành rác thải và cuối cùng khi nó được tái chế. SAP RDP có nhiều chỉ số giúp doanh nghiệp biết được tính tuần hoàn của sản phẩm trong chuỗi quy trình của mình đến đâu, giúp doanh nghiệp hoạt động trên quy mô toàn cầu đáp ứng được các quy chế khác nhau ở mỗi thị trường. Ví dụ, một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có thể được xuất sang nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, và mỗi thị trường sẽ có chính sách khác nhau, áp mức thuế khác nhau cho tình trạng phát thải carbon của doanh nghiệp đó. Tất cả những sự thay đổi về chính sách sẽ được phản ánh về tổng hành dinh, để giúp doanh nghiệp biết làm thế nào để tuân thủ tốt nhất với thị trường đó, làm thế nào để đạt mục tiêu về phát thải và mức độ tuần hoàn trong sản xuất của doanh nghiệp mình. 

SAP đang giúp các doanh nghiệp trên thế giới thỏa mãn kỳ vọng của các nhà lập pháp, nhà đầu tư, người dùng, khách hàng, các định chế tài chính cho vay v.v….

- Quay trở lại Việt Nam, các khách hàng của SAP đã có những động thái gì để phát triển bền vững?

Ở Việt Nam, phát triển bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm ở những góc khác nhau, tùy vào điều kiện và bối cảnh của doanh nghiệp. Đối với SAP, theo chính sách toàn cầu, SAP đã áp các chính sách để mọi hoạt động của SAP trên thế giới sẽ đạt mục tiêu cân bằng carbon vào 2023. Tại Việt Nam, SAP cung cấp rất nhiều dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây, và các trung tâm dữ liệu của SAP đều được vận hành dựa vào năng lượng tái tạo (phần lớn là năng lượng gió), và đã đạt trạng thái cân bằng carbon từ năm 2015. Ngoài ra, đối với các trung tâm dữ liệu do các đối tác của SAP vận hành cũng đang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Đây là cách mà SAP đồng hành với các mục tiêu phát triển bền vững. 

Tuy nhiên những mục tiêu đó là chưa đủ. SAP sẽ tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp, các bộ ngành Việt Nam hướng tiếp cận ba không bằng các bộ giải pháp quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số tích hợp, giúp có nền tảng công nghệ đáp ứng được các mục tiêu chuyển đổi số cũng như các mục tiêu dài hạn như phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Kiến trúc sư, CEO Nguyễn Thế Phương: Tôi muốn thả hồn vào những công trình có thể tự viết nên lịch sử

Kiến trúc sư, CEO Nguyễn Thế Phương: Tôi muốn thả hồn vào những công trình có thể tự viết nên lịch sử

Chia sẻ với Thương Gia, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương - Tổng giám đốc của Finko Architect Hồng Kông và Finko Việt Nam cho biết, tiêu chí để anh bắt tay vào thiết kế các dự án đó là những công trình ấy luôn hướng tới sự phát triển bền vững và có thể “tự viết nên lịch sử” cho nó.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…