Gần đây, “Bảng xếp hạng khốn khổ năm 2024” - một danh sách mô tả những cấp độ khó khăn mà người dân đang trải qua - đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Từ thất nghiệp, không có tiền tiết kiệm cho đến nợ nần chồng chất và sức khỏe giảm sút, bảng xếp hạng này phản ảnh những lo âu của người dân về hoàn cảnh kinh tế và cuộc sống hiện tại.
Và trong bối cảnh tăng trưởng chững lại, thị trường lao động ảm đạm cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, một số bạn trẻ Trung Quốc đã tìm đến một công việc mới khá khác lạ, đó là “làm con toàn thời gian". Thay vì lao vào thị trường việc làm đầy biến động, họ chọn ở nhà chăm sóc bố mẹ và nhận "lương" từ chính gia đình mình.
“BẢNG XẾP HẠNG KHỐN KHỔ”
Kể từ khi được công bố, “Bảng xếp hạng khốn khổ năm 2024” nhận được đồng cảm từ đông đảo cư dân mạng, với rất nhiều người cảm thấy rằng bảng xếp hạng này vô cùng chính xác.
Theo bảng xếp hạng, các mức độ khó khăn được sắp xếp từ mức nhẹ nhất đến nghiêm trọng nhất như sau:
1 sao: Thất nghiệp
2 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm
3 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà
4 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con
5 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con + Nợ
6 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con + Nợ + Bị đòi nợ
7 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con + Nợ + Bị đòi nợ + Bệnh tật
8 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con + Nợ + Bị đòi nợ + Bệnh tật + Bố mẹ ốm
9 sao: Thất nghiệp + Không có tiền tiết kiệm + Vay mua nhà + Nuôi con + Nợ + Bị đòi nợ + Bệnh tật + Bố mẹ ốm + Nhà bị tịch thu
Một số người chia sẻ trên Weibo, trước đây họ luôn nghĩ rằng thất nghiệp đã là một điều quá tồi tệ nhưng khi nhìn vào bảng xếp hạng này thì đó thực chất mới chỉ là mức độ nhẹ nhất. Thậm chí có ý kiến bày tỏ rằng nếu gặp phải cấp độ 9 sau hay tệ hơn nữa, chắc bản thân họ chẳng còn dũng khí để tiếp tục sống.
Cơ hội việc làm ở Trung Quốc ngày càng thu hẹp trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu, đầu tư suy giảm và tình trạng chậm trả lương ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tư nhân lớn – những nhà tuyển dụng chính trên thị trường lao động, báo cáo của South China Morning Post chỉ ra.
Theo đánh giá của các nhà phân tích, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn: Thị trường nhà đất đóng băng, tiêu dùng trì trệ, giảm phát, suy thoái kinh tế, nợ cao, rào cản thương mại, lực lượng lao động suy giảm và dòng vốn FDI (đầu tư nước ngoài) giảm.
Trong số các vấn đề đó, tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao. Vào tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên đã chạm mức kỷ lục 21,3%. Sau đó, cơ quan thống kê của nước này đã ngừng công bố dữ liệu.
Cho đến tháng 1/2024, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ được thay đổi sang một phương pháp tính toán mới, trong đó loại trừ những người vẫn còn đang đi học. Vào tháng 2, tỷ lệ điều chỉnh này đứng ở mức 13,2%.
Thách thức về việc làm dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn khi 11,79 triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm nay.
XU HƯỚNG “LÀM CON TOÀN THỜI GIAN”
Khi nền kinh tế Trung Quốc xấu đi và cơ hội việc làm cạn kiệt, khái niệm công việc “làm con toàn thời gian” đã nhanh chóng lan rộng.
Như trường hợp của Zhang Jiayi, 31 tuổi, sinh sống tại Hàng Châu (Trung Quốc). Vào năm 2020, Zhang bắt đầu khởi nghiệp với một nhãn hiệu thời trang riêng, nhưng chỉ sau vài năm, doanh thu giảm sút khiến hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn. Đến đầu năm nay, Zhang quyết định giải thể cửa hàng và về nhà “làm con toàn thời gian”.
Giờ đây, Zhang dành cả ngày để chăm sóc và đáp ứng yêu cầu của cha mẹ. Đổi lại, họ sẽ trả cho cô một khoản “lương” hàng tháng vào khoảng 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.600 USD). “Công việc của tôi cũng khá đơn giản. Tôi sẽ tập thể dục buổi sáng cùng cha mẹ, rồi đi tập Thái Cực quyền riêng với mẹ. Bố mẹ tôi đều thích đi du lịch nên tôi sẽ đứng ra lập kế hoạch và chuẩn bị hết cho họ. Khi bố mẹ gặp khó khăn với thiết bị điện tử, tôi cũng giúp họ”, Zhang chia sẻ.
Thực tế, Zhang không phải là người duy nhất đã từ bỏ các công việc truyền thống để tập trung chăm sóc bố mẹ. Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, ngày càng có nhiều bạn trẻ chia sẻ trải nghiệm tương tự như Zhang.
Không giống như NEET ( cách gọi cá nhân không đi học, không làm việc, và không tham gia đào tạo), những “người con toàn thời gian” này không cho là mình thất nghiệp, mà ngược lại, họ còn xem bố mẹ như là sếp của mình.
Widty Shang, một sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, đã nhận được lời mời làm việc tại chi nhánh của một công ty quốc tế vào năm ngoái. Tuy nhiên, Shang vẫn chọn để trở thành “con trai toàn thời gian” vào đầu năm nay.
Cũng giống như Zhang, Shang là con một, sinh năm 2000 trong thời kỳ chính sách một con của Trung Quốc. Bố mẹ Shang vui mừng khi anh từ bỏ công việc bên ngoài và hoàn toàn ủng hộ quyết định ở nhà của con trai. “Họ không kỳ vọng tôi phải kiếm tiền để nuôi gia đình hay trở nên thành công. Họ chỉ mong muốn con trai mình khoẻ mạnh và hạnh phúc”, Shang chia sẻ.
Trên Douban, một diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc tương tự như Reddit, có một nhóm thảo luận có tên gọi “Trung tâm Trao đổi Công việc của Con cái Toàn thời gian” với hơn 4.000 thành viên. Một số người bày tỏ sự phấn khởi khi không phải đi làm, trong khi những người khác lại chia sẻ nỗi thất vọng và lo lắng vì không thể tìm được việc. “Thực trạng thất nghiệp ngày nay là điều bình thường khi mà kinh tế không ổn định. Đây không phải vấn đề của riêng chúng ta, mà là vấn đề của cả xã hội”, một tài khoản trả lời.
Xu Chenggang, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Kinh tế và Các Tổ chức của Trung Quốc tại Đại học Stanford nhận định, điều kiện việc làm của người lao động sẽ không được cải thiện trừ khi nền kinh tế khá lên.
Kể từ khi chính phủ chấm dứt chính sách Zero-Covid vào tháng 12/2022, nền kinh tế Trung Quốc đã chưa thể phục hồi như mong đợi, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường lao động. Theo ông Xu, những người trẻ có thể làm công việc “con cái toàn thời gian” là may mắn khi gia đình vẫn hỗ trợ tài chính được cho họ.
Về chủ đề này, giáo sư nhân chủng học Yunxiang Yan tại Đại học California cũng lưu ý rằng mối liên kết giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng chặt chẽ hơn khi quy mô gia đình thu hẹp.
Có thể nói, xu hướng này vừa đáng mừng vừa đáng lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng lên mức cao kỷ lục, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh đến khía cạnh công việc “làm con toàn thời gian”, với kỳ vọng rằng giới trẻ sẽ dành thời gian và công sức chăm sóc bố mẹ, thay vì chỉ ngồi không ở nhà.