Giới đầu tư hoài nghi về tương lai của nhiên liệu hoá thạch

Với lo ngại về sự lụi tàn của kỳ nguyên nhiên liệu hoá thạch, giới đầu tư nay không còn nhiều hứng thú với các dự án dài hạn…
Giới đầu tư hoài nghi về tương lai của nhiên liệu hoá thạch

Nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới đang “chạy đua” tới mức cao nhất mọi thời đại với dự báo giá dầu thô có thể đạt 100 USD/thùng trong vài tháng nữa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu mỏ ở Mỹ lại đang chuyển hướng sang những mục tiêu ngắn hạn và tìm cách trả tiền mặt càng nhiều càng tốt cho các nhà đầu tư. 

Những cổ đông lớn trong các công ty dầu mỏ của Mỹ đã thu về khoản tiền tổng cộng lên tới 128 tỷ USD vào năm 2022. Con số này đạt mức cao như vậy phần lớn bởi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng như cuộc chiến Nga - Ukraine. 

Bên cạnh đó, Phố Wall cũng đã gia tăng áp lực đối với việc ưu tiên lợi nhuận hơn là tìm kiếm nguồn dự trữ dầu thô chưa được khai thác.

Các giám đốc điều hành doanh nghiệp dầu mỏ, những người trước đây thường được khen thưởng vì các chiến lược đầu tư vào dự án năng lượng dài hạn, thì giờ đây lại chịu áp lực trả tiền cho các nhà đầu tư khi họ tin rằng sự lụi tàn của kỷ nguyên nhiên liệu hoá thạch đang cận kề.

“Tài sản bị mắc kẹt”

Theo tính toán của Bloomberg, lần đầu tiên sau một thập kỷ, các công ty khai thác của Mỹ chi nhiều hơn cho việc mua lại cổ phần và cổ tức so với các dự án vốn. 

Khoản thanh toán trị giá lên tới 128 tỷ USD của 26 công ty cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ngành dầu mỏ nâng sản lượng và giảm giá nhiên liệu nhưng không thành công. 

Trọng tâm trong mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư là dự báo nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh ngay sau năm 2030. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới các siêu dự án trị giá hàng tỷ USD, vốn cần tới hàng thập kỷ để mang về lợi nhuận đầy đủ. 

Nói cách khác, các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên - cùng với các giếng cung cấp năng lượng - có nguy cơ trở thành “tài sản bị mắc kẹt” nếu chúng bị dần bị thay thế bởi xu hướng điện hoá và các trang trại pin.

nhiên liệu hoá thạch
Lợi nhuận cổ đông lần đầu tiên vượt qua mức tái đầu tư sau 10 năm

“Cộng đồng đầu tư đang có những hoài nghi về nhiên liệu hoá thạch,” tỷ phú John Arnold cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg News. “Họ muốn có tiền thông qua việc mua lại cổ phần và chia cổ tức để chuyển vốn đầu tư sang những nơi khác. Các công ty sẽ phải đáp ứng những gì cộng đồng đầu tư đang yêu cầu nếu không họ sẽ chẳng thể duy trì quyền lực được lâu”. 

Sự gia tăng trong xu hướng mua lại cổ phần dầu mỏ đang giúp thúc đẩy hoạt động chi tiêu rộng rãi của các công ty Mỹ, chứng kiến thông báo mua lại cổ phần tăng hơn gấp ba lần trong tháng đầu tiên của năm 2023 lên 132 tỷ USD, mức cao nhất (trong một năm) từ ​​trước đến nay. 

Các nhà điều hành trong ngành hiện đều tập trung ưu tiên cho việc chia cổ tức và mua lại cổ phần hơn là gia tăng sản lượng. Điều này được dự đoán sẽ gây ra vấn đề lớn trong vài tháng tới khi nhu cầu của Trung Quốc tăng nhanh và mức tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu đạt mốc cao nhất mọi thời đại.

Theo Evercore ISI, đầu tư toàn cầu vào nguồn cung dầu và khí đốt mới dự kiến sẽ không đạt mức tối thiểu cần thiết để đáp ứng nhu cầu 140 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, nguồn cung dầu thô được cho là đang tăng tốc chóng mặt đến mức, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản lượng sẽ thu hẹp xuống chỉ còn 350.000 thùng/ngày vào năm tới, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Giá dầu sẽ được quyết định bởi đâu?

Ngoài yêu cầu lợi nhuận tiền mặt từ cổ đông, các nhà khai thác dầu cũng đang phải vật lộn với chi phí kinh doanh cao, năng suất giếng thấp và danh mục đầu tư của các địa điểm khoan hàng đầu bị thu hẹp. 

Chevron và Pioneer Natural Resources Co. là hai nhà sản xuất nổi tiếng đang sắp xếp lại các kế hoạch khai thác của mình sau khi kết quả giếng khoan yếu hơn dự kiến. Theo Janette Marx, giám đốc điều hành của Airswift, một trong những nhà tuyển dụng dầu mỏ lớn nhất thế giới, chi phí lao động cũng đang tăng lên một cách đáng kể. 

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến chỉ tăng 5% trong năm nay lên 12,5 triệu thùng/ngày. Cơ quan này cho biết vào năm tới, tốc độ mở rộng dự kiến sẽ chậm lại chỉ còn 1,3%. 

Mặc dù Mỹ đang đẩy mạnh nguồn cung hơn hầu hết các nước còn lại trên thế giới, nhưng đó là một sự tương phản rõ rệt so với thập kỷ trước khi Mỹ bổ sung hơn 1 triệu thùng sản lượng hàng ngày mỗi năm, cạnh tranh với OPEC và tác động đến giá cả toàn cầu.

Dan Yergin, phó chủ tịch của S&P Global, cho biết nhu cầu sẽ là động lực chính của giá dầu trong năm nay.

“Nói một cách ẩn dụ, giá dầu sẽ được quyết định bởi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,” ông Dan Yergin đề cập đến lộ trình tăng lãi suất của Fed và sự phục hồi sau đại dịch của quốc gia tỷ dân. 

S&P Global dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 102 triệu thùng mỗi ngày.

Bình luận về tình hình hiện tại, ông Dan Pickering, giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners nhận định: “Sẽ có lúc Mỹ cần sản xuất nhiều hơn khi thị trường đưa ra yêu cầu. Đó có thể là lúc tâm lý nhà đầu tư chuyển sang tăng trưởng. Nhưng cho đến khi đó, hoàn lại vốn đầu tư có vẻ là ý tưởng tốt nhất trong mắt các cổ đông”.

Với trường hợp giá dầu tăng cao hơn tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ không còn nhiều công cụ để sử dụng nhằm giảm tác động nặng nề của giá tới người tiêu dùng. Tổng thống Mỹ đã xả Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở mức 180 triệu thùng trong nỗ lực giảm giá xăng dầu khi chúng tăng vọt vào năm 2022.

Có thể bạn quan tâm