Khủng hoảng kinh tế Myanmar làm gia tăng giao dịch “chợ đen”

Khi kinh tế Myanmar ngày càng suy thoái sâu sắc hơn sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng Hai năm và các bộ phận của hệ thống tài chính của nước này đóng băng đã khiến người dân nước này phải tìm kiếm các hoạt động tài chính không chính thống.
Khủng hoảng kinh tế Myanmar làm gia tăng giao dịch “chợ đen”

Sự mong manh của hệ thống tài chính Myanmar tiếp tục bị phơi bày trong tuần này khi đồng tiền kyat chìm xuống mức thấp mới nhất sau khi ngân hàng trung ương từ bỏ nỗ lực hỗ trợ. Nhiều sàn giao dịch tiền số được cấp phép và cửa hàng vàng đã phải đóng cửa trong tình trạng hỗn loạn sau đó.

Các nhóm tài chính trực tuyến, hoạt động chủ yếu trên Facebook, đã trở thành cách thức mới nhất để người mua và người bán kết nối, chủ yếu dựa sự tin tưởng khi sắp xếp các hoạt động trao đổi tiền tệ. 

May Lay, một cư dân thủ đô Yangon, cho biết: “Tôi đã đăng tin để bán một số tờ tiền cũ ngày hôm qua trong nhóm. Tôi bị mất việc làm và không có thu nhập gần đây. Cuộc sống càng khó khăn khi tôi phải nuôi con nhỏ.” 

Trong những tháng ngay sau cuộc đảo chính ngày 1/2, đã có hàng dài người xếp hàng để rút tiền mặt từ các ngân hàng, mặc dù gần đây tiền kyat đã bị ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết khi mất 60% giá trị so với đồng USD vào tháng 9.

Một trong những nhóm giao dịch tiền tệ ngầm lớn nhất được thành lập trên Facebook có tên là "Dollar Buyer Seller Direct" có khoảng 170.000 thành viên, và quản trị viên của nhóm cũng cảnh báo người dùng nên cẩn thận trước khi thực hiện giao dịch. "Người bán, người mua, cả hai đều phải chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, nhóm dường như đã bị gỡ bỏ trong những ngày gần đây, nhưng cũng đã có ít nhất một trang web khác đã xuất hiện để thay thế vị trí của nó. 

"Nó giống như một thị trường chợ đen. Cả hai bên đều lo lắng cho đến khi thỏa thuận được thực hiện", Ye Yint Tun, 33 tuổi, người đã chuyển sang làm nhà môi giới tiền tệ không chính thức sau khi mất việc làm tại đại lý bất động sản cho người nước ngoài.

Ban đầu, anh Ye Yint Tun đã yêu cầu mức phí 20% nhưng nay buộc phải giảm xuống 2% để phù hợp với tình hình chung và ước tính anh kiếm được khoảng 10.000 đến 20.000 kyat mỗi ngày, tương đương 4 - 8 USD dựa trên tỷ giá hối đoái gần đây. "Có những rủi ro rất lớn khi giao dịch kiểu này, bạn có thể sẽ bị cướp trong khi đang thực hiện trao đổi. Vì vậy, chúng tôi phải rất cẩn thận."

Các nhóm giao dịch trực tuyến này cũng khai thác dòng tiền chuyển về của người lao động Myanmar ở nước ngoài. Một nhà kinh doanh tiền tệ không có giấy phép tại Thái Lan cho biết: “Hàng triệu USD đang được nhập lậu vào Myanmar hàng ngày từ Thái Lan và có khoảng bốn triệu công nhân Myanmar ở Thái Lan đang cần phải gửi tiền về cho gia đình.”

"Chúng tôi sử dụng Facebook làm nền tảng để ‘bán tiền’”, nhà giao dịch giấu tên cho biết.

Người lao động từ Myanmar ở Thái Lan trả tiền cho thương nhân này bằng đồng Baht Thái, và đầu dây phía Myanmar sẽ chuyển đồng kyat cho gia đình của họ và sử dụng đồng baht để mua USD. Một nhà môi giới khác cũng tiết lộ cách đồng USD được nhập lậu vào Myanmar qua đường bộ, đôi khi được giấu trong quần áo hoặc đồ gia dụng. "Chỉ trong tháng 9, tôi đã giao dịch khoảng 30 triệu baht (890.000 USD), cao hơn nhiều so với những tháng trước đây”. 

Có thể bạn quan tâm