Kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với suy thoái

Tăng trưởng kinh tế Đức được dự báo sẽ tụt hậu hơn so với mặt bằng chung của khu vực đồng Euro trong năm nay, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đối mặt với suy thoái. Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi cũng đang gia tăng ở mức đáng báo động…

Theo một dự báo được Uỷ ban Châu Âu phát hành mới đây cho thấy, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực đồng Euro từ nay cho đến 2026.

Năm 2024, tăng trưởng GDP tại khu vực đồng Euro trong năm 2024 đạt 0,8%, trong khi đó, nền kinh tế Đức dự kiến suy giảm 0,1%, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 0,1% trước đây, bản báo cáo mùa thu của Uỷ ban Châu Âu chỉ ra.

“Tình hình bất ổn đã tác động tiêu cực đến tiêu dùng và đầu tư. Triển vọng thương mại cũng trở nên u ám do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá công nghiệp suy giảm”, Ủy ban Châu Âu nhận định.

Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã tụt hậu hơn so với nhiều nước bạn trong Liên Minh Châu Âu kể từ năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục phải đối diện với suy thoái vào năm 2024, khiến nước này trở thành quốc gia có thành tích kém nhất trong nhóm G7.

Vào năm tới, Ủy ban Châu Âu ước tính Đức sẽ dần phục hồi với mức tăng trưởng 0,7%, thấp hơn so với kỳ vọng 1,0% được công bố vào hồi mùa xuân. Đến năm 2026, tăng trưởng của Đức được kỳ vọng tăng lên 1,3%, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 1,6% của khu vực đồng Euro.

Nhìn chung, nhu cầu nội địa sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Đức vào năm 2025 và 2026, được cải thiện chủ yếu nhờ vào sự gia tăng trong tiền lương thực tế.

Bên cạnh đó, với kỳ vọng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ tiếp tục phục hồi và tiêu dùng cá nhân dự kiến tăng trưởng, dù với tốc độ chậm.

Lạm phát toàn phần tại Đức đã giảm xuống còn 2,4% vào tháng 10/2024 so với mốc đỉnh 11,6% vào tháng 10/2022, phần lớn nhờ vào giá năng lượng giảm. Theo dự báo, lạm phát trung bình năm 2024 sẽ là 2,4%. Tới năm 2025 và 2026, lạm phát được dự báo sẽ hạ lần lượt xuống 2,1% và 1,9%, Ủy ban Châu Âu cho biết.

Trong một báo cáo riêng biệt được công bố bởi đảng cánh tả BSW của Đức, dựa trên dữ liệu được thu thập từ cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu Eurostat, hiện có khoảng 3,2 triệu người hưu trí trên 65 tuổi đang đối mặt với nguy cơ nghèo đói. Vậy là, cứ sáu người cao tuổi tại Đức thì có một người thuộc diện nghèo.

Vào thời điểm 2021 khi đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, số người cao tuổi thuộc diện nghèo đói tại Đức chạm mốc cao 3,3 triệu người, sau đó đã giảm nhẹ xuống 3,1 triệu trong năm 2022 nhưng rồi lại tăng lên 3,2 triệu vào năm 2023 - 2024.

Tại cuộc phỏng vấn với hãng tin dpa của Đức, Bà Sahra Wagenknecht, lãnh đạo đảng BSW mới thành lập, đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ gia tăng tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi.

Trở lại năm 2013, chỉ có 2,4 triệu người hưu trí bị đe dọa bởi nghèo đói, tức là khi tổng thu nhập của một người hưu trí, bao gồm cả các khoản trợ cấp, thấp hơn 60% thu nhập trung vị của quốc gia, như nghiên cứu của Eurostat. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân khẩu học và dân số già hóa tại Đức là yếu tố chính gây ra gia tăng số người nghèo đói, với số lượng người hưu trí tăng hơn 50% kể từ năm 1991, từ 12 triệu lên 18,7 triệu vào năm 2022.

Có thể bạn quan tâm