Các nước đang phát triển dùng thuế quan để đối phó với hàng Trung Quốc

Nhiều quốc gia, bao gồm Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc để giảm thiểu cạnh tranh và thúc đẩy các công ty nước ngoài đầu tư vào địa phương. Trong khi Bắc Kinh gay gắt phản đối chính sách bảo hộ của Mỹ và EU, thì họ lại tỏ ra mềm mỏng hơn với nước đối tác đang phát triển…

Các nước đang phát triển dùng thuế quan để đối phó với hàng Trung Quốc

Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng thuế quan từ các nền kinh tế đang phát triển khiến việc mở rộng thị trường ra ngoài phương Tây trở nên phức tạp hơn đối với Bắc Kinh.

Brazil và Chile đã tăng thuế đối với thép, trong khi Nam Phi áp thuế 10% đối với tấm pin mặt trời, Indonesia gia hạn thuế với hàng dệt may giá rẻ và Thái Lan tăng thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp từ Trung Quốc. Đây đều là những ngành công nghiệp địa phương đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ năm 2019, một phần do các chính sách trợ cấp sản xuất trong nước. Dữ liệu hải quan được công bố vào đầu tuần này cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8, bao gồm tăng trưởng hai con số trong xuất khẩu sang Brazil và các quốc gia ASEAN tính theo đồng nhân dân tệ.

Nhiều quốc gia lo ngại về tình hình cạnh tranh cảm thấy cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa của mình.

Ngoài việc để giảm thiểu cạnh tranh, nhiều quốc gia còn đang sử dụng thuế quan để buộc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào nước mình và tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp địa phương, đặc biệt là trong cuộc đua về xe điện.

Theo công cụ fDi Markets của Financial Times, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các dự án mới ở nước ngoài đã đạt mức kỷ lục, tăng lên hơn 160 tỷ USD vào năm ngoái.

Kyle Chan, nhà nghiên cứu về chính sách công nghiệp của Trung Quốc tại Đại học Princeton cho biết: "Từ góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, kịch bản tồi tệ nhất là một làn sóng các quốc gia áp đặt thuế quan. Do đó, việc đầu tư vào các nhà máy ở nước ngoài có thể góp phần tạo ra công cụ ngoại giao kinh tế mới".

Tại Brazil, BYD đã đồng ý xây dựng nhà máy sản xuất xe điện chỉ vài tháng sau khi thuế hạn ngạch đối với nhập khẩu được áp dụng. Thuế này dự kiến sẽ tăng từ 18% trong năm nay lên 35% vào năm 2026.

Trên thực tế, thuế quan của Brazil không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào cụ thể, nhưng được áp dụng khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, chiếm phần lớn doanh số bán xe điện ở nước này.

Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng công bố mức thuế bổ sung 40% đối với xe điện trong năm nay, nhưng sau đó đã giảm mức thuế này khi BYD xác nhận sẽ xây dựng một nhà máy với công suất 150.000 xe tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng vị trí của mình trong Liên minh Thuế quan EU để giúp Trung Quốc có khả năng tiếp cận Châu Âu mà không phải chịu thêm thuế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất địa phương.

Cùng lúc đồng ý xây dựng nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, BYD khai trương một cơ sở tương tự với công suất 150.000 xe tại Thái Lan, một trung tâm ô tô mới nổi khác đã sử dụng thuế để thúc đẩy đầu tư.

Tu Xinquan, hiệu trưởng Viện Nghiên cứu WTO Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết: "Đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia đang phát triển, vì vậy đầu tư của Trung Quốc – cả đầu tư trực tiếp và phát triển cơ sở hạ tầng – đều được hoan nghênh”.

Và mặc dù Trung Quốc chỉ trích gay gắt chủ nghĩa bảo hộ của EU và Mỹ, nhưng họ lại tỏ ra mềm mỏng hơn với các nước đối tác đang phát triển.

Khi được hỏi về các rào cản thương mại gia tăng ở các quốc gia như Brazil, Colombia và Chile, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chia sẻ: "Quan hệ kinh tế, thương mại ổn định và lành mạnh phục vụ lợi ích cơ bản và đáp ứng nguyện vọng chung của Trung Quốc và các quốc gia này”.

Mặc dù việc xây dựng nhà máy tại một số nền kinh tế mới nổi này có thể giúp các công ty Trung Quốc tránh thuế ở nước chủ nhà, nhưng lại ít có khả năng giúp Bắc Kinh tiếp tục tiếp cận các thị trường phương Tây như Mỹ. Washington hiện đang chuẩn bị áp thuế cao hơn đối với các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, nơi mà nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã thiết lập cơ sở.

Mexico cũng được hưởng lợi từ nỗ lực dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. BYD dự kiến công bố địa điểm sản xuất mới tại Mexico, nhưng tin tức này hiện đã trở thành vấn đề “nóng” trong các cuộc tranh luận chính trị Mỹ. Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông sẽ áp thuế lên đến 200% đối với ô tô Trung Quốc sản xuất tại Mexico nếu chúng được xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng gợi ý rằng bản thân có thể chấp nhận một thoả thuận có đi có lại giữa các bên.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Qualcomm muốn mua lại Intel

Qualcomm muốn mua lại Intel

Theo thông tin được tiết lộ bởi tờ Wall Street Journal, Qualcomm đã tiếp cận Intel với một đề nghị sáp nhập...

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Anh, Nam Phi và Nhật Bản, sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,50 điểm phần trăm trong khi BoE, BoJ nhiều khả năng giữ nguyên mức hiện tại…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ