Kinh tế Trung Quốc suy thoái rõ nhất ở các trang trại bò sữa... New Zealand

Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp, nó sẽ gây ra tác động trên phạm vi toàn cầu. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Kinh tế Trung Quốc suy thoái rõ nhất ở các trang trại bò sữa... New Zealand

Khi mặt trời bắt đầu hé rạng vào khoảng 6h30 sáng, Michael và Susie Woodward đã cùng nhau gắn ống hút vào bầu vú của hàng chục con bò trong chuồng vắt sữa ở trang trại bò sữa tại New Zealand của họ.

BÁN LỖ

Khi một chiếc xe bồn đến chở sữa tới nhà chế biến, Michael Woodward đã tính toán số tiền kiếm được trong ngày và nhận ra rằng vợ chồng ông sẽ lỗ khoảng 25 USD cho chuyến hàng này.

“Thành thật mà nói, tôi cố gắng không nghĩ về điều đó”, Michael Woodward, 43 tuổi, nói khi gần 1.400 gallon sữa không hề sinh lãi được chuyển lên xe bồn. “Nếu cứ tập trung nghĩ về điều đó, bạn sẽ không thể nào ở trong trạng thái tốt được”.

Những rắc rối của cặp vợ chồng nhà Woodward cho thấy tác động ở mức độ toàn cầu khi Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới suy thoái trong năm nay. Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi tăng trưởng sau khi sự phục hồi ban đầu sau khi mở cửa trở lại Covid-19 đã thất bại do những người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho việc đi du lịch và ăn uống.

Suy thoái bất động sản kéo dài ở nước này đã ảnh hưởng đến nhu cầu quặng sắt, đồng và các mặt hàng khác, gây áp lực lên giá cả toàn cầu và làm giảm thu nhập xuất khẩu của các nhà sản xuất lớn ở Mỹ Latinh và Australia. Giá trị nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm cả hàng tiêu dùng, giảm 6,2% trong tháng 9 so với cùng tháng năm ngoái. Tất cả mọi thứ từ mỹ phẩm, ô tô đến sữa đều bị ảnh hưởng.

im-873722.jpg
Trang trại bò sữa nhà Woodward.

Ở New Zealand, nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, nông dân hiện đang cảm thấy rõ nỗi đau. Giống như trường hợp của các quốc gia khác, nền kinh tế New Zealand đã trở nên gắn bó hơn với Trung Quốc do sức nặng và sự tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia này trong những thập kỷ gần đây. Để đáp ứng nhu cầu từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng, Trung Quốc nhập khẩu hàng tỷ USD các sản phẩm sữa mỗi năm, trong đó New Zealand gửi hơn 30% giá trị xuất khẩu sữa của mình sang đó.

Tuy nhiên, nhu cầu về sữa của Trung Quốc, vốn được coi là mặt hàng xa xỉ, cũng đã sụt giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chưa kể đến việc các công ty sữa Trung Quốc cũng tăng cường sản xuất. Nguồn cung dư thừa đã làm giảm nhu cầu mua sữa từ nước ngoài của Trung Quốc. Một thước đo về xuất khẩu sữa của New Zealand sang Trung Quốc, bao gồm sữa tươi, sữa bột, bơ và phô mai, đã giảm 31% về giá trị trong tháng 9 so với cùng tháng năm ngoái.

Nhu cầu yếu từ Trung Quốc đang khiến giá sữa giảm. Hiện giá sữa đã giảm gần 40% so với tháng 3 năm ngoái. Một vài tuần trước, giá đã giảm gần 50%.

Jim van der Poel, chủ tịch của DairyNZ - một tập đoàn công nghiệp cho biết: “Đó là một cú đấm lớn. Lượng sữa mà Trung Quốc không mua sẽ chỉ tìm được thị trường mới với mức giá thấp hơn mà thôi”.

Gần đây, các công ty sữa New Zealand đã xuất khẩu nhiều sản phẩm nhất định sang các thị trường khác, bao gồm một số nước ở Trung Đông và Đông Nam Á. Nhưng vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy giá sữa toàn cầu đang làm nổi bật những cạm bẫy kinh tế khi bị ràng buộc chặt chẽ với một người mua lớn – và điều đó cũng cho thấy việc đa dạng hóa khó đến mức nào.

Nông dân ở New Zealand hiện đang cắt giảm chi phí khi họ cố gắng điều chỉnh tình hình. Những người phải vay những khoản vay khổng lồ để mua trang trại trong những năm gần đây đang gặp khó khăn nhất, đặc biệt khi lãi suất tăng. Áp lực lạm phát hậu Covid đã làm tăng chi phí lao động, vật liệu, phụ tùng và vận chuyển.

Gia đình Woodwards đã mua trang trại của họ, nằm ẩn mình trên những ngọn đồi thoai thoải và đồng cỏ xanh tươi của vùng Waikato, New Zealand, khoảng bốn năm trước. Gia đình hiện nợ khoảng 2 triệu USD liên quan tới trang trại và thiết bị, và họ đang đặt mục tiêu duy trì tổng khoản lỗ trong mùa này ở mức khoảng 30.000 USD.

Để làm được điều đó, họ đã cắt giảm phân bón và sử dụng nhiều sữa hơn để nuôi bê thay vì mua thức ăn đắt tiền. Họ đang trì hoãn việc mua sắm những khoản lớn, chẳng hạn như thiết bị giúp quá trình vắt sữa trở nên tự động hơn. Cặp vợ chồng có bốn người con cho biết phía cho vay đã đồng ý cho phép họ chỉ trả lãi cho khoản vay hiện tại.

“Chúng tôi muốn xây dựng được thứ gì đó dành cho nhiều thế hệ”, Susie Woodward nói khi đứng trên ngọn đồi nhìn qua trang trại. “Nhưng nếu tiếp tục thực sự khó khăn thì chúng tôi sẽ phải bắt đầu nghĩ xem: 'Cần phải làm gì?' Chúng tôi không thể tiếp tục nợ nần chồng chất mãi được”.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu sữa lớn của New Zealand là sữa bột nguyên chất, được sử dụng trong đồ uống, sữa chua, kem và các sản phẩm thực phẩm khác. Nhưng với nhu cầu thấp của người tiêu dùng, các nhà sản xuất trong nước của Trung Quốc đã chuyển phần lớn sữa tươi dư thừa thành bột để kéo dài thời hạn sử dụng, làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Số liệu của chính phủ cho thấy, trong quý 3, giá trị xuất khẩu bột sữa nguyên chất của New Zealand sang Trung Quốc đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Emma Higgins, nhà phân tích nông nghiệp cao cấp tại Rabobank ở New Zealand cho biết: “Khi chúng ta thấy bất kỳ thay đổi nào trong mô hình mua hàng của Trung Quốc, nó sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến nông dân New Zealand”.

Phía tây bắc Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, David và Janine Kidd nợ ngân hàng khoảng 1,6 triệu USD và thêm 300.000 USD vào khoản vay gia đình gắn liền với trang trại bò sữa và thiết bị của họ. Janine Kidd đã quay trở lại làm việc toàn thời gian với tư cách là một nhà trị liệu nghề nghiệp vào đầu năm nay để họ có thể kiếm thêm tiền mặt bù đắp khoản lỗ từ trang trại mà David Kidd cho biết có thể lên tới khoảng 20.000 USD trong mùa này.

David Kidd cho biết, việc sửa chữa những con đường nơi bò đi đắt gần gấp đôi những gì ông tính toán, nhưng chúng cần phải được sửa chữa. Nếu giá sữa không cải thiện vào thời điểm này năm sau, họ có thể phải cân nhắc việc bán trang trại.

“Việc sở hữu trang trại là một giấc mơ và mục tiêu. Sẽ là một đòn chí mạng nếu thấy tất cả biến mất”, ông nói. Mặc dù vậy, “đã có những ngày tôi thắc mắc tại sao tôi lại mua trang trại này”.

NHỮNG TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế quý 3 gần đây đạt 4,9% so với năm trước, nhanh hơn dự đoán của một số nhà kinh tế. Dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán lẻ tăng lên, cho thấy tâm lý người tiêu dùng có thể đang cải thiện.

Giá sữa đã phục hồi từ mức thấp gần đây trong vài tháng qua, và một số ngân hàng và nhà chế biến sữa gần đây đã dỡ bỏ dự báo về giá sữa của họ - mặc dù khoản chi trả cho nông dân được cho là vẫn thấp hơn so với mùa trước.

im-873725.jpg
Gia đình Woodward đang gánh trên vai khoản nợ cả triệu USD.

Teh-han Chow, giám đốc điều hành tại Fonterra, nhà xuất khẩu sữa chính của New Zealand, cho biết một dấu hiệu tích cực đối với nông dân New Zealand là việc tăng tỷ lệ loại bỏ đàn Trung Quốc có thể làm chậm sản xuất sữa trong nước. Ông cho biết nhu cầu của người tiêu dùng đang quay trở lại với một số sản phẩm, chẳng hạn như kem.

Hiện tại, tác động của giá sữa thấp hơn đang được cảm nhận rõ ràng ở nhiều thị trấn nông thôn ở New Zealand. Norman Burmester, chủ một cửa hàng máy móc nông nghiệp ở Otorohanga, thị trấn khoảng 3.000 dân gần Woodwards, cho biết doanh số bán hàng tại cửa hàng của ông giảm 40% trong năm nay do nông dân trì hoãn việc sửa chữa, bảo trì và mua mới thiết bị. Ông nói, đường phố thậm chí có vẻ vắng hơn một chút vào ban ngày.

“Tôi chưa bao giờ thấy tình hình tệ đến thế”, ông nói về công việc kinh doanh của mình. Khi được hỏi liệu cửa hàng có thể tồn tại được hay không, ông nói: “Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ vượt qua được. Nhưng đó chỉ là hy vọng thôi, còn thực tế thế nào thì tôi không biết”.

Có thể bạn quan tâm