Lạm phát gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Mỹ

Áp lực giá cả và lạm phát trong thời điểm hiện nay đã đảo ngược đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử từ những năm đại dịch…
Lạm phát gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Mỹ

Có một số bằng chứng cho thấy tăng trưởng khối lượng (volume growth) của ngành thương mại điện tử Mỹ đang chậm lại đáng kể. 

UPS đã chứng kiến sự sụt giảm về khối lượng bưu kiện nội địa (Mỹ) trong quý 4/2022. Cụ thể, khối lượng bưu kiện từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng giảm 3% và khối lượng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp giảm 5,2% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sự sụt giảm trong nhu cầu về hộp các tông cũng là một dấu hiệu khác cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang ít mua hàng trực tuyến hơn và các kho hàng hoá cũng đang xử lý ít đơn hàng hơn.

Thay đổi trong hành vi người tiêu dùng

Trong phần hỏi đáp về cuộc gọi báo cáo thu nhập của chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart vào tháng 2 cho quý 4 năm tài chính 2022, Giám đốc điều hành Doug McMillon đã đưa ra nhận xét cho hay cơ cấu biên lợi nhuận của chuỗi bán lẻ đã chỉ ra một sự thay đổi đáng kể đang diễn ra trong hành vi của người tiêu dùng. 

Ông McMillon cho biết: “Nếu bạn nhìn vào 12 tháng qua, đã có nhiều sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh của Walmart nói riêng và ngành bán lẻ nói chung. Thực tế, chúng tôi không kỳ vọng tình hình sẽ sớm cải thiện mà cho rằng nó thậm chí còn có thể tồi tệ hơn trong năm nay”. 

Trước đó, giám đốc tài chính của Walmart John David Rainey đã ghi nhận một số tác động của lạm phát đối với hành vi của người tiêu dùng. 

Cụ thể, người tiêu dùng có xu hướng tập trung mua thực phẩm và nhu yếu phẩm thay vì hàng hóa lâu bền; khách hàng có thu nhập cao mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng tạp hóa bình dân và khách hàng tạp hóa nói chung mua nhiều nhãn hiệu riêng lẻ hơn là thực phẩm có thương hiệu cao cấp.

Có vẻ như cả ba xu hướng nói trên đều bị thúc đẩy bởi áp lực lạm phát đối với ví tiền của người dân, buộc họ phải đưa ra những lựa chọn tiết kiệm hơn.

thương mại điện tử

Trong khi đó, sự tăng trưởng trong ngành hàng tạp hóa trong thời gian qua chủ yếu từ những khách hàng có thu nhập cao, nhưng đây thường không được coi là thị trường mục tiêu của Walmart. 

Ở một khía cạnh khác, Báo cáo xu hướng người tiêu dùng quý 1 năm 2023 - nghiên cứu hàng quý về xu hướng chi tiêu và thương mại điện tử ở Mỹ - cho thấy hành vi và thái độ của người tiêu dùng đối với lạm phát cũng rất khác nhau theo thế hệ. 

Thế hệ Millennials (sinh ra trong khoảng năm 1980 - 1994) lo lắng về tài chính của họ hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Thế hệ Baby Boomers ( sinh ra trong khoảng năm 1946 - 1965) có xu hướng mua các mặt hàng giảm giá cao hơn 78% so với Gen Z (sinh ra trong khoảng năm 1995 - 2010) và có nhiều khả năng sử dụng thẻ tín dụng với các đặc quyền tiết kiệm tiền hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 

Cũng theo báo cáo, 56% thế hệ Gen X (sinh ra trong khoảng năm 1947 - 1979) và 43% Millennials đang cắt giảm các hoạt động mua sắm bốc đồng để tiết kiệm tiền, trong khi đó người tiêu dùng Gen Z chỉ là khoảng 37%.

Tin tốt đối với các đơn vị vận tải?

thương mại điện tử
Chỉ số xe tải hàng hoạt động tại Mỹ từ tháng 4/2022 đến 3/2023.

Biểu đồ trên so sánh các thay đổi phần trăm kể từ một năm trước đối với các yêu cầu xe van khô (màu trắng) và xe tải có kiểm soát nhiệt độ (màu xanh lam). 

Có thể thấy, mặc dù khối lượng hàng lạnh hoạt động kém hơn hàng khô trong nửa đầu năm 2022, nhưng bắt đầu từ mùa hè năm đó, hàng lạnh đã nhanh chóng vượt hàng khô về mức tăng trưởng tương đối về khối lượng của hai loại thiết bị. Trong quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng hàng lạnh có mức giảm thấp hơn hàng khô ở khối lượng xe tải. 

Khối lượng xe tải đông lạnh đang duy trì tốt hơn so với khối lượng hàng khô cũng xác nhận điều mà ban lãnh đạo của Walmart đã thảo luận về cuộc gọi báo cáo thu nhập: Hàng hoá thực phẩm (thường được mua trực tiếp tại cửa hàng) đang vượt trội so với hàng hóa thông thường (được mua nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử). 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tăng trưởng thương mại điện tử giảm lại thực sự có thể là tin tốt cho một số công ty vận tải. 

Lấy ví dụ từ FedEx, công ty tích hợp bưu kiện đã ghi nhận sự cải thiện trong năng suất và nâng cao dự báo thu nhập cho năm 2023 trong báo cáo thu nhập năm tài chính 2022 vào ngày 16/3. 

Giám đốc điều hành của FedEx Raj Subramaniam giải thích: “Chúng tôi đang điều chỉnh hợp lý cơ sở chi phí của mình để phù hợp với thực tế ngày nay và tạo ra một mạng lưới nhanh nhẹn và hiệu quả hơn”.

“Chúng tôi không chỉ đơn giản là giảm chi phí mà đồng thời tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, linh hoạt hơn và có lãi hơn. Điều này sẽ tạo ra giá trị đáng kể cho các cổ đông trong những năm tới. Tôi đặc biệt hài lòng với những tiến bộ mà chúng ta đang thấy trong việc giải quyết cấu trúc chi phí và đã giảm thiểu áp lực khối lượng một cách hiệu quả”, ông Subramaniam lưu ý thêm. 

Bắt đầu từ gần ba năm trước, tỷ lệ vận chuyển từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng cao hơn đã tạo ra những trở ngại về biên lợi nhuận cho hai nhà vận chuyển hàng đầu nước Mỹ là UPS và FedEx khi các gói hàng thương mại điện tử giá rẻ tràn ngập mạng lưới của họ. 

Nhưng đến nay, mặc dù bức tranh doanh thu tổng thể không hoàn toàn là lý tưởng đối với FedEx, nhưng một hoạt động tinh gọn hơn và sự thay đổi thuận lợi hơn sẽ cải thiện bức tranh lợi nhuận cho công ty. 

Vì vậy, bất chấp sự sụt giảm đáng kể về khối lượng, tuần trước, giám đốc điều hành FedEx Raj Subramaniam đã nâng hướng dẫn của FedEx về tổng thu nhập được điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu năm 2023 lên mốc 13,80 USD đến 14,40 USD, tăng từ khoảng 12,50 USD - 13,50 USD trước đó. Cổ phiếu FedEx cũng nhờ đó mà tăng lên 12% trong giao dịch cùng ngày. 

Có thể bạn quan tâm