Lạm phát ở Argentina tăng vọt 200% do khủng hoảng kinh tế

Argentina trở thành quốc gia Mỹ Latin có tỷ lệ lạm phát cao nhất vào năm 2023 sau khi giá cả tăng hơn 200% vào năm ngoái, mức cao nhất trong ba thập kỷ….

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lạm phát ở Argentina tăng vọt 200% do khủng hoảng kinh tế

Dữ liệu lạm phát mới đây đã khiến Argentina vượt qua Venezuela để trở thành quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latin.

Báo cáo chính thức hôm 11/1 cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina đã vượt quá ngưỡng 211% trong tháng 12, chạm mức cao nhất kể từ đầu thập niên 90.

Trong khi đó tại Venezuela, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế, lạm phát 2023 đã hạ xuống mức 193%, theo tổ chức Đài quan sát Tài chính Venezuela. Mặc dù vẫn còn những nghi ngờ về dữ liệu lạm phát chính thức của Venezuela, nhưng công ty tư vấn Ecoanalitica cũng đồng tình với ước tính trong khoảng 170% - 190%.

Kể từ thời kỳ lạm phát đạt đỉnh hơn 1 triệu phần trăm vào năm 2018 đến nay, chính phủ Venezuela đã chủ động nới lỏng kiểm soát tiền tệ, nới lỏng các hạn chế nhập khẩu và khuyến khích đô la hóa phi chính thức để cố gắng hạn chế giá tiêu dùng trong những năm gần đây, giúp dần dần hạ nhiệt lạm phát.

Ngược lại, chỉ số CPI của Argentina lại tăng nhanh trong vài năm trở lại đây trong bối cảnh thâm hụt tài chính sâu, niềm tin suy yếu đối với đồng peso trong nước và việc ngân hàng trung ương in tiền để hỗ trợ các chính phủ mắc nợ quá mức.

Tổng thống mới đắc cử của Argentina, ông Javier Milei đã cảnh báo về nguy cơ siêu lạm phát và đang thúc đẩy những cải cách lớn cũng như nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cứng rắn để kiềm chế giá cả, giảm thâm hụt tài chính sâu sắc và xây dựng lại kho bạc chính phủ.

Nhưng theo ông Milei, sẽ mất thêm thời gian và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi bắt đầu hồi phục trở lại. Hiện tại, gần 2/5 người dân Argentina đã rơi vào tình trạng nghèo đói.

Bà Susana Barrio, 79 tuổi, cho biết: “Chúng tôi phải loại bỏ những thứ khiến cuộc sống tươi sáng hơn”. Bà Barrio giải thích rằng gia đình không còn đủ khả năng để mời bạn bè đến dự tiệc nướng asado, một sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội ở Argentina.

Graciela Bravo, một người về hưu 65 tuổi, chia sẻ: “Không có gì rẻ cả. Tôi thậm chí phải cẩn thận đếm xem mình có thể mua bao nhiêu củ khoai tây. Trước đây bạn mua theo kg, bây giờ tôi lấy ba hoặc bốn củ khoai tây để tiết kiệm và tránh lãng phí”.

Luật sư Alejandro Grossi, 49 tuổi, nói với Reuters rằng ông đã quá quen với việc giá cả tăng cao sau nhiều năm lạm phát: “Tôi mua sắm ít thứ cho bản thân hơn. Có vẻ như chúng tôi đang dần phải thích nghi với sự biến động của lạm phát và giá cả”.

Trong khi lạm phát cao đã đeo bám Argentina trong nhiều năm, tốc độ tăng giá hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990 - thời điểm đất nước này đối mặt với siêu lạm phát, với giá lương thực tăng cao chóng mặt.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng Argentina có thể sớm nhường lại vị trí quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất Mỹ Latin cho Venezuela nếu các chiến lược của tân Tổng thống Javier Milei thành công.

Peter West, cố vấn kinh tế tại EM Funding, chuyên về chiến lược đầu tư, nhận định: “Venezuela không có bất kỳ chiến lược củng cố tài chính phù hợp nào. Ngược lại, Argentina hiện có một chương trình khá ổn định, dựa trên nền tảng tài chính vững chắc và được hỗ trợ bởi IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế)”, mặc dù Tổng thống Javier Milei phải đối mặt với rủi ro cao khi thực hiện các kế hoạch của mình”.

Có thể bạn quan tâm