Argentina: Người dân chuộng đồ secondhand khi lạm phát chạm mốc 143%

 Với mức lạm phát tiếp tục cao hơn 140%, ngày càng có nhiều người dân Argentina phải tìm tới thị trường đồ cũ, vừa để mua sắm cho bản thân và kiếm lại chút thu nhập lẻ bên ngoài…

Người mua sắm ở các hiệu đồ cũ tại thủ đô Buenos Aires
Người mua sắm ở các hiệu đồ cũ tại thủ đô Buenos Aires

Argentina, nền kinh tế số 2 khu vực Nam Mỹ và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Aylen Chiclana, một sinh viên 22 tuổi ở Buenos Aires, cho biết: “Bạn không thể cứ đến trung tâm thương mại và mua thứ mình thích như trước đây. Giá cả ngày nay không thể tưởng tượng được”.

Chỉ riêng một chiếc quần jean mới cũng có giá cao hơn gấp đôi so với cách đây một năm, tương đương với hơn 1/3 mức lương tối thiểu hàng tháng của một người công nhân Argentina bình thường. Trên thực tế, 2/5 dân số của Argentina vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói.

Văn phòng thống kê của nước này cho biết, lạm phát hàng năm đã đạt 142,7% trong tháng 10, với mức tăng hàng tháng là 8,3%. Con số này được cho là giảm so với mức đỉnh vào tháng 8, tháng 9 và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích.

Argentina trong nhiều năm đã phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao mà các nhà kinh tế đổ lỗi cho việc in tiền và sự thiếu tin tưởng vào đồng peso trong nước. Lạm phát đã tăng nhanh trong năm qua lên mức cao nhất kể từ năm 1991.

Beatriz Lauricio, một giáo viên bán hưu trí 62 tuổi, cho biết bà và chồng - nhân viên công ty xe buýt - thường phải đến các phiên chợ cuối tuần để bán quần áo cũ.

"Tôi có thể nói rằng gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu, tầng lớp trung lưu thấp, dù có công việc ổn định nhưng vẫn cần phải tới các chợ đồ cũ để kiếm thêm thu nhập ngoài. Chúng tôi không làm việc này để có tiền đi nghỉ dưỡng ở Brazil, mà chúng tôi làm thêm để trang trải cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày”, bà Beatriz Lauricio cho biết

Là người tổ chức nhiều hội chợ đồ cũ ở Tigre, ngoại ô thủ đô Buenos Aires, bà María Silvina Perasso cho biết nhiều người tới mua sắm ở đó vì giá cả tăng nhanh hơn rất nhiều so với tiền lương.

Mức lương tối thiểu hàng tháng tại địa phương vào khoảng 132.000 peso, tương đương 377 USD theo tỷ giá hối đoái chính thức, nhưng giá thực tế chỉ bằng có một nửa do kiểm soát vốn - hạn chế đối với giao dịch ngoại hối.

“Với nền kinh tế như hiện nay, người tiêu dùng mua quần áo với mức giá chỉ bằng 5% hoặc 10% các sản phẩm ngoài cửa hàng”, bà María Silvina Perasso nói với phóng viên Reuters.

Một khách hàng quen thuộc tại hội chợ đồ cũ ở Tigre, bà María Teresa Ortiz, 68 tuổi, người đã về hưu và nhận thêm một công việc may vá bình thường với mức lương 400 peso một giờ, chính thức là khoảng 1 USD. Bà thường xuyên đến các chợ đồ cũ để mua đồ cho bản thân và gia đình.

"Đơn giản là chúng tôi không thể mua những thứ mới. Bạn không thể mua giày thể thao mới, bạn không thể mua dép xỏ ngón mới, bạn không thể mua quần jean mới, bạn cũng không thể mua áo sơ mi hay áo phông mới. Vì vậy chúng tôi chỉ còn cách tới các chợ đồ cũ”, bà María Teresa Ortiz chia sẻ.

Xem thêm

Quốc gia hiếm hoi trên thế giới "mong" lạm phát

Quốc gia hiếm hoi trên thế giới "mong" lạm phát

Với nhiều nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát gia tăng là một nỗi lo cho người dân cũng như chính phủ khi giá cả hàng hóa đi lên ảnh hưởng đến sức mua của thị trường nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác ở Nhật Bản...

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…