“Lùm xùm” với Prada đang giúp ngành nghề truyền thống Ấn Độ nắm cơ hội “đổi vận”?

Một vụ lùm xùm thời trang bất ngờ trở thành chất xúc tác giúp thổi luồng sinh khí mới vào ngành thủ công truyền thống Ấn Độ…

Khi người mẫu sải bước trên sàn diễn Tuần lễ Thời trang Milan trong những đôi dép da hở mũi do thương hiệu xa xỉ Ý Prada giới thiệu, thì cách đó hơn 7.000 km, nghệ nhân Harish Kurade ở một ngôi làng nhỏ thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ, đang chăm chú dõi theo chương trình qua màn hình điện thoại.

Chính những hình ảnh hào nhoáng ấy đã châm ngòi lên một làn sóng tranh cãi tại Ấn Độ, khi giới nghệ nhân và chính quyền phản ứng gay gắt vì Prada không ghi nhận nguồn gốc thực sự của thiết kế.

“Prada sao chép thủ công mỹ nghệ của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng rất vui. Hôm nay, cả thế giới đang dõi theo đôi chappal “Kolhapuri”, anh Kurade nói với giọng điệu lạc quan. Kolhapur là một thành phố thuộc bang Maharashtra, nơi những đôi dép thủ công nổi tiếng này ra đời và được đặt tên theo địa danh ấy.

BIỂU TƯỢNG VĂN HOÁ BỊ CHIẾM DỤNG

Trong khi anh Harish Kurade cảm thấy phấn khởi khi nghề thủ công truyền thống ở quê hương mình có cơ hội vươn ra toàn cầu, nhiều nghệ nhân, chính trị gia và nhà hoạt động lại lo ngại về nguy cơ chiếm dụng văn hóa và trục lợi tài chính từ phía Prada.

Trong phần giới thiệu bộ sưu tập, Prada chỉ mô tả mẫu thiết kế mới là dép da mà không hề nhắc đến bất kỳ mối liên hệ nào với Ấn Độ, dù thiết kế này có nét tương đồng rõ rệt với dép Kolhapuri - loại dép phổ biến rộng rãi trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới và thường được mang trong những dịp đặc biệt như lễ cưới hay lễ hội, đi kèm trang phục truyền thống.

Phẫn nộ trước sự việc, một nhóm các nhà sản xuất dép Kolhapuri đã gặp Thủ hiến bang Maharashtra Devendra Fadnavis vào tuần trước để đệ trình đơn phản đối. Người ủng hộ nhóm kiến nghị là nghị sĩ Dhananjay Mahadik, đại diện cho quận Kolhapur thuộc đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền. Ông Mahadik cho biết, các nghệ nhân cùng những liên quan đang xúc tiến việc đệ đơn kiện Prada lên Tòa án Tối cao Bombay.

Trong thư gửi Thủ hiến Fadnavis, ông Mahadik nhấn mạnh sự việc là vi phạm nghiêm trọng bản sắc văn hóa và quyền lợi của nghệ nhân bang Maharashtra, đồng thời kêu gọi chính quyền ra tay bảo vệ di sản văn hóa của bang. Ông lưu ý rằng, đôi dép của Prada được niêm yết với mức giá khoảng 1.400 USD, trong khi những đôi Kolhapuri chính gốc được bày bán ở chợ địa phương chỉ với khoảng 12 USD.

Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp bang Maharashtra (MACCIA) cũng đã gửi thư tới ông Patrizio Bertelli - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Prada - để nêu rõ mối lo ngại của giới nghệ nhân.

Thiết kế được nhắc tới trong buổi trình diễn của Prada tại Tuần lễ Thời trang Milan

Hai ngày sau đó, Prada đã có phản hồi, thừa nhận rằng thiết kế mới của họ lấy cảm hứng từ giày dép thủ công truyền thống của Ấn Độ, một di sản có niên đại hàng thế kỷ. “Chúng tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa văn hóa của nghề thủ công Ấn Độ. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng bộ sưu tập hiện vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và chưa có thiết kế nào được xác nhận sẽ sản xuất hay thương mại hóa”, phía Prada viết.

Thương hiệu Ý cũng khẳng định cam kết tuân thủ các chuẩn mực thiết kế có trách nhiệm, thúc đẩy giao lưu văn hóa và thiết lập đối thoại với cộng đồng nghệ nhân địa phương tại Ấn Độ để đảm bảo sự công nhận xứng đáng đối với tay nghề thủ công của họ.

Tuy nhiên, bà Srihita Vanguri, một doanh nhân trong ngành thời trang tại thành phố Hyderabad, cho rằng hành động của Prada gây thất vọng, nhưng không quá bất ngờ. “Các thương hiệu cao cấp từ lâu đã có tiền lệ vay mượn thiết kế từ các nền thủ công truyền thống mà không ghi công đầy đủ cho đến khi vấp phải làn sóng chỉ trích”, bà chia sẻ trên tờ Al Jazeera và nhấn mạnh rằng Kolhapuri không chỉ là một thiết kế, mà còn là di sản của các cộng đồng thợ thủ công tại bang Maharashtra và bang láng giềng Karnataka.

KHÓ KHĂN THỰC TẠI

Gia đình của nghệ nhân Harish Kurade - người đã bày tỏ niềm vui khi thấy sản phẩm được Prada trình diễn - sinh sống ở ngoại ô Kolhapur và đã theo nghề hơn một thế kỷ.

Tuy nhiên, anh cho biết công việc kinh doanh ngày càng khó khăn. “Ở Ấn Độ, người ta không còn hiểu hoặc muốn đầu tư vào nghề thủ công này nữa. Nếu một thương hiệu quốc tế đến, ca ngợi và mang nó ra thế giới, có lẽ đó lại là cơ hội cho chúng tôi”, anh thật thà chia sẻ với Al Jazeera.

Anh cho rằng những người thợ như gia đình mình vẫn dậm chân tại chỗ sau bao nhiêu năm. “Chúng tôi có tay nghề và khả năng phát triển, nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết”, người đàn ông 40 tuổi nói.

Bởi lẽ trên thực tế, nguồn cung nguyên liệu da bò, da trâu đang ngày càng bị thu hẹp do tình hình văn hoá - chính trị.

“Loại da nguyên bản mà chúng tôi sử dụng để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm hiện bị hạn chế tại nhiều bang vì nhiều vấn đề. Nguồn cung đã xuống mức thấp chưa từng thấy và chúng tôi đang gặp khó khăn lớn khi muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Kurade giải thích thêm.

Những người thợ thủ công như ông Kurade tin rằng, nếu có thể sản xuất dép Kolhapuri với giá phải chăng hơn, mọi người sẽ sẵn sàng sử dụng chúng vì đây là sản phẩm đã được ưa chuộng suốt hàng thế kỷ qua.

Nghệ nhân Kurade cũng khẳng định, dù các thương hiệu lớn như Prada có thể bắt chước hình thức dép Kolhapuri, nhưng họ vẫn không thể tái tạo được những hoa văn đan tay phức tạp - kỹ thuật truyền thống vốn được người Dalit tại miền nam bang Maharashtra và một phần Karnataka lưu truyền. Theo ông, những thiết kế chính gốc vẫn được làm tại các làng quê bằng kỹ thuật thủ công truyền đời hàng trăm năm. Thế nhưng, do khó khăn trong việc tìm nguồn da chất lượng, cộng thêm thách thức từ môi trường thương mại số mà người thợ thủ công chưa quen thuộc, các nghệ nhân Dalit đang cần được hỗ trợ tiếp cận thị trường.

“Chính những người hiểu thị trường và biết cách bán hàng mới đang kiếm lời. Những người dân quê nghèo như chúng tôi thì không thể vận hành một website, chúng tôi không có kỹ năng tiếp thị”, ông than thở.

“Lợi ích từ nghề truyền thống chưa bao giờ thực sự đến được với những người làm ra sản phẩm – tức các nghệ nhân Dalit. Mong rằng chính phủ sẽ vào cuộc để thay đổi điều này”, ông Kurade kết luận.

CƠ HỘI HỒI SINH MỘT DI SẢN?

Giữa những tranh cãi về “scandal Prada”, các nhà bán lẻ và giới nghệ nhân thủ công Ấn Độ cũng đang tận dụng làn sóng tự hào văn hoá địa phương để thúc đẩy doanh số cho dòng dép truyền thống Kolhapuri, đồng thời đặt kỳ vọng hồi sinh một ngành thủ công đang bị mai một.

“Tôi coi scandal này là cơ hội để quảng bá Kolhapuri”, anh Kamble, 33 tuổi, chia sẻ. Trong ba ngày, doanh số bán mẫu dép mà anh thu mua từ các nghệ nhân địa phương đã đạt 50.000 rupee (tương đương 584 USD), cao gấp 5 lần trung bình.

Mặc dù mạng xã hội Ấn Độ tràn ngập những chỉ trích và ảnh chế mỉa mai, trong khi giới chính trị, nghệ nhân và hiệp hội ngành nghề đồng loạt yêu cầu thương hiệu Ý ghi nhận đúng giá trị văn hóa của Ấn Độ, nhưng không thể phủ nhận rằng việc cái tên Prada gắn liền với dép Kolhapuri đang mở ra những cơ hội mới trên thị trường.

Hãng Ira Soles có trụ sở tại Mumbai đã tung quảng cáo trên Facebook và Instagram với dòng giới thiệu: “Dép Kolhapuri thủ công màu nâu của chúng tôi đã xuất hiện trên sàn diễn Prada... Hàng có hạn. Tâm điểm toàn cầu. Hãy sở hữu một phần của thứ mà cả thế giới đang tán dương”. Giá bán là 32 USD.

Trang thương mại điện tử Niira đang áp dụng mức giảm giá đến 50% cho dòng dép Kolhapuri để thu hút thêm người mua. Nhà sáng lập Nishant Raut tiết lộ, doanh số của mẫu dép 18 USD có kiểu dáng khá tương đồng với sản phẩm Prada đã tăng gấp ba lần.

Được làm thủ công tại các xưởng nhỏ, dép Kolhapuri thường được phối với trang phục truyền thống Ấn Độ. Các thiết kế tương tự cũng được bày bán tại chuỗi cửa hàng lớn như Bata India và Metro Brands, cũng như trên các nền tảng như Amazon và Flipkart của Walmart.

Năm 2021, chính phủ Ấn Độ từng ước tính rằng dép Kolhapuri có thể đạt doanh thu xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm. Dù chưa có số liệu mới nhất, nhiều nghệ nhân cho biết ngành nghề này đang chật vật do người tiêu dùng ngày càng chuộng những mẫu giày hiện đại và sang trọng hơn.

Dù vậy, vụ việc với Prada đã như thổi một luồng sinh khí mới vào ngành nghề mà ông Lalit Gandhi - Chủ tịch hiệp hội công nghiệp bang Maharashtra cho rằng đang trên bờ tuyệt chủng. Ông Gandhi tiết lộ đang đàm phán với Prada để phát triển một mẫu dép hợp tác, phiên bản giới hạn.

Về phía mình, Prada tuyên bố sẽ sắp xếp các cuộc gặp tiếp theo với nghệ nhân và trong thông cáo gửi Reuters mới đây, tập đoàn Ý cho biết nếu thương mại hóa sản phẩm, họ có ý định sản xuất mẫu dép này ngay tại Ấn Độ, thông qua hợp tác với các nhà sản xuất địa phương.

Nghệ nhân Ashok Doiphode, 50 tuổi, đến từ Kolhapur đang đặt nhiều kỳ vọng vào bước ngoặt này. Ông khâu dép thủ công mỗi ngày trong 9 giờ, nhưng chỉ bán được một đôi với giá 400 rupee (5 USD). “Nếu các công ty lớn như Prada đến hợp tác, những người thợ như tôi sẽ có cơ hội bán sản phẩm với giá xứng đáng hơn,” ông chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm