Tờ WSJ mở đầu bài viết nói rằng, với tình hình như hiện tại: Lãi suất đã tăng, lạm phát vẫn đang cao còn tiết kiệm trong đại dịch đã giảm, chưa kể thị trường lao động cũng trầm lắng, người tiêu dùng Mỹ nên chi tiêu ít hơn.
Ấy vậy mà, tiêu dùng của các hộ gia đình – vốn là nguồn lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ vẫn đang mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, người Mỹ đã tiêu tiền nhiều hơn 5,8% trong tháng tám so với cùng kỳ năm trước. Và nền kinh tế trải nghiệm (experience economy) đã bùng nổ trong mùa hè này: Delta Air Lines báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý 2 và Ticketmaster đã bán được hơn 295 triệu vé sự kiện trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.
BÙNG NỔ DU LỊCH
Các nhà kinh tế và chuyên gia tư vấn tài chính nói rằng việc người tiêu dùng ưu tiên những nhu cầu và mục tiêu ngắn hạn hơn mục tiêu dài hạn là điều bình thường. Tuy nhiên, họ nói rằng thời điểm này cũng có sự khác biệt. Thị trường nhà ở khó khăn hơn đã khiến nhiều người tiêu dùng từ bỏ việc tiết kiệm cho điều gì đó mà họ mong muốn trong quá khứ, trong khi đại dịch đã cho thấy sự bất ổn của bất kỳ kế hoạch dài hạn nào liên quan đến sức khỏe, công việc hoặc cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, họ đang tiêu tiền cho những trải nghiệm một lần trong đời vì lo ngại họ có thể không làm được sau này. "Đó không phải là một quyết định bốc đồng, mang tính tức thời", Michael Liersch, người quản lý một nhóm tư vấn tại Wells Fargo nói. "Ngược lại, đó là suy nghĩ sẽ tiếc nuối nếu không thực hiện điều gì đó”. Liersch cũng đưa ra quan điểm cho rằng vẫn còn quá sớm để nói xem liệu việc tiêu tiền mạnh mẽ này chỉ là một thời điểm thoáng qua hay một xu hướng mới.
Ibby Hussain, người làm việc trong lĩnh vực tiếp thị cho một công ty truyền thông tài chính, cho biết căn hộ tại Brooklyn, New York, mà anh và bạn gái thuê với giá 3.000 USD mỗi tháng sẽ tốn một triệu USD để mua. Ở mức giá hiện tại, điều đó có nghĩa là nếu muốn là chủ sở hữu căn hộ, anh Hussain sẽ phải trả khoảng 5.000 USD mỗi tháng sau khi trả trước 200.000 USD, chưa tính thuế bất động sản. "Thậm chí, đây cũng không phải là một căn hộ đẹp", anh nói. Vì vậy, thay vì tiết kiệm để mua nhà như anh đã dự định, anh Hussain đã mạnh tay chi tiêu tiền cho những việc khác.
Trước hết, anh đã mua một vé concert của Taylor Swift trị giá 1.600 USD và sau đó tiêu 3.500 USD cho một chuyến du lịch độc thân tới Ibiza, Tây Ban Nha. "Tôi muốn tận hưởng những gì đang có", anh nói. Sự bùng nổ du lịch thậm chí đã khiến Ngân hàng Ally cho phép khách hàng tạo các "hộp tiết kiệm" cho các mục tiêu khác nhau từ năm 2020. Nhà băng này cho biết người dùng tạo ra nhiều "hộp tiết kiệm" liên quan đến trải nghiệm như du lịch và "quỹ vui vẻ" so với những hộp liên quan đến kế hoạch dài hạn.
Lindsey và Darrell Bradshaw đã sử dụng thẻ tín dụng để tài trợ cho chuyến nghỉ ở Maui vào mùa xuân vừa qua. Cặp đôi đã đặt chuyến đi chỉ vài tuần sau khi Lindsey, 37 tuổi, nghỉ việc để trở thành người chăm sóc toàn thời gian cho con trai 8 tuổi của họ.
"chúng tôi không có nhiều tiền và chúng tôi nghĩ: 'Hãy làm điều mình thích và mặc kệ mọi thứ’", Darrell Bradshaw, một thợ xây chuyên nghiệp 39 tuổi ở Seattle nói.
Chuyến đi tốn khoảng 10.000 USD, bao gồm ba vé máy bay trị giá 1.000 đô la, mười đêm tại một khu nghỉ 4 sao với giá 385 USD mỗi đêm và các bữa ăn trong hành trình.
Mặc dù gia đình Bradshaw hiện phải cắt giảm nhiều thú vui khác và hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm, thanh toán các hóa đơn, họ nói vẫn không hề hối tiếc về những việc đã làm, đặc biệt là khi họ có cơ hội thấy Lahaina chỉ vài tháng trước khi bị thiêu rụi bởi đám cháy rừng chết người.
Sự lo sợ về biến đổi khí hậu đang thúc đẩy một số người cố gắng đến thăm một số địa điểm nổi tiếng trước khi chúng biến mất. Trong một cuộc khảo sát hàng tháng của Deloitte với 19.000 người tiêu dùng trên toàn cầu, biến đổi khí hậu là chủ đề duy nhất trong 19 lo ngại khác mà các người tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy lo lắng nhiều hơn đáng kể trong năm qua.
"Thay vì chỉ ngồi cùng bàn bạc với nhau về những việc ‘sẽ thực hiện vào một ngày nào đó’, bây giờ, chúng tôi thường sẽ thực hiện ngay những gì mong muốn. Tôi sẽ không lo lắng về tiền nữa. Tôi không còn tâm trí để làm điều đó”.
Josh Richner nói rằng anh đã giảm đáng kể số tiền đóng góp cho kế hoạch hưu trí để có đủ tiền cho chuyến đi xuyên quốc gia bao gồm một hành trình du thuyền Alaska trị giá 7.000 USD để gia đình anh có thể thấy các mảng băng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng.
"Tôi chưa bao giờ tiêu nhiều tiền như vậy cho một chuyến đi trước đây", Josh, 35 tuổi nói rằng việc tiêu tiền lớn này cũng được thúc đẩy bởi đại dịch và một sự lo lắng về sức khỏe.
Cách đây khoảng sáu tháng, Richner và vợ anh quyết định bán căn nhà ở Columbus, Ohio của họ để du lịch khắp đất nước với hai đứa con nhỏ. Làm việc cho National Legal Center, một công ty luật sư giúp người tiêu dùng giải quyết nợ, anh biết về những hậu quả tiềm ẩn của việc sống thoải mái và chỉ ưu tiên cho hiện tại. Nhưng, anh không lo lắng.
"Thay vì chỉ ngồi cùng bàn bạc với nhau về những việc ‘sẽ thực hiện vào một ngày nào đó’, bây giờ, chúng tôi thường sẽ thực hiện ngay những gì mong muốn", anh nói. "Tôi sẽ không lo lắng về tiền nữa. Tôi không còn tâm trí để làm điều đó”.
SỐNG CHO HIỆN TẠI
Nhưng người tiêu dùng có thể không thể tiêu tiền lãng phí mãi mãi. Nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây liên tiếp đón những cú sốc mới:
Đình công ngành ô tô: Liên đoàn Công nhân ngành ô tô của Mỹ đã lần đầu tiên kêu gọi đình công tại 3 công ty ô tô lớn nhất của nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên Big Three phải đối mặt với tình cảnh này. Tính tới cuối tuần trước, có khoảng 25.000 công nhân tham gia đình công và có thể gây ra hậu quả tồi tệ nếu kéo dài. Năm 1998, việc 9.200 công nhân đình công trong 54 ngày tại GM đã khiến 150.000 người mất việc làm.
Nợ sinh viên: Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ sẽ nhận hóa đơn, yêu cầu thanh toán các khoản nợ sinh viên kể từ tháng này sau khi việc đình chỉ trả nợ, kéo dài 3,5 năm do đại dịch, đã hết hạn. Việc này có thể làm giảm 0,2-0,3% mức tăng trưởng hàng năm trong quý 4.
Giá dầu đang tăng vọt, ảnh hưởng đến mọi hộ gia đình. Hiện tại, dầu đã bị đẩy lên trên 95 USD/thùng, cao hơn tới 25 USD so với đáy mùa hè vừa qua.
Kinh tế toàn cầu gặp khó: Việc hầu hết các nền kinh tế trên khắp thế giới đều đang gặp khó có thể tác động không nhỏ tới kinh tế Mỹ. Trung Quốc tăng trưởng chậm, Euro zone đối mặt nhiều thách thức… đều có thể gây tác động tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Với tất cả những lo ngại kể trên, đối với những người nghiên cứu về việc tiêu tiền, sự chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ cho đến thời điểm này là một điều bất ngờ.
Trong cuộc khảo sát về Tiêu dùng Hộ gia đình của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York tháng tám, các hộ gia đình báo cáo đã tiêu tiền nhiều hơn 5,5% so với năm ngoái. Tỷ lệ hộ gia đình nói họ đã thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm lớn trong bốn tháng trước đã tăng lên 64% từ 57% - đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 8/2015.
"Thường thì vào thời điểm có lạm phát cao hơn, nhưng cũng có lãi suất cao hơn, việc chi tiêu tiêu dùng không thể tiếp tục mạnh mẽ”, Wilbert van der Klaauw, một cố vấn nghiên cứu kinh tế về chính sách hộ gia đình và công cộng tại Fed nói.
Thay vì đổ hết tiền dư thừa vào việc mua nhà hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí, Candice và Jasmine Kelly đã bắt đầu một quỹ những điều muốn làm trước khi chết sau khi tham dự liên tiếp hai đám tang cách đây vài tháng. Cặp đôi đóng góp vài trăm USD từ tiền lương hàng tháng của họ vào quỹ này, và họ đã dùng quỹ này để thử các thực đơn của nhà hàng sang trọng và mua túi xách của những thương hiệu mơ ước cho Jasmine.
Thay vì đợi đến khi về hưu mới thực hiện, Candice, một chuyên viên phân tích quản lý 26 tuổi ở Charlotte, Bắc Carolina, nói rằng cặp đôi muốn làm ngược lại. Họ muốn tận hưởng tiền khi họ còn trẻ - ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải làm việc lâu hơn.
"Tất cả các quy tắc liên quan đến tiền bạc và lối sống chỉ là những điều mà người ta tự tạo ra, vì vậy chúng tôi đang thực hiện theo một cách khác, và thực sự tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có nhiều niềm vui hơn", Candice nói.