Các kho hàng tồn kho chật cứng là thách thức đối với các nhà bán lẻ trong năm nay vì người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ chỉ chi tiêu thêm 3% đến 4% cho mùa lễ hội cuối năm. Theo ước tính của ngành, điều đó sẽ thể hiện tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm.
Gerald Storch, nhà tư vấn bán lẻ, cựu phó chủ tịch Target và cựu giám đốc điều hành của Hudson's Bay, cho biết: “Tôi tương đối bi quan về kỳ nghỉ lễ. Có thể một số nhà bán lẻ đã lạc quan quá mức và lại mắc sai lầm một lần nữa khi nhập vào quá nhiều”.
Theo ông Jeff Bornino - Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ tại TMX Transform, đồng thời là cựu giám đốc chuỗi cung ứng tại Kroger - đánh giá, quá tải hàng tồn kho là một áp lực lớn đối với nhiều nhà bán lẻ vì nó làm tăng chi phí xử lý, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm. “Có một thực tế không thể phủ nhận trong ngành bán lẻ là 15-20% sản phẩm chiếm chỗ trên các kệ hàng cần phải được tiêu hủy”, ông Bornino tiết lộ.
LSEG Workspace, một nền tảng dữ liệu và tin tức tài chính, đã tính toán tỷ lệ doanh thu hàng tồn kho của 30 nhà bán lẻ lớn ở Mỹ. Để xác định doanh nghiệp nào gặp phải tình trạng tồn kho nhiều nhất - một yếu tố làm tăng chi phí của các nhà bán lẻ - LSEG đã chia giá vốn hàng bán của mỗi nhà bán lẻ cho giá trị trung bình của hàng tồn kho trong quý hai.
Theo phân tích của Reuters, 2/3 trong số 30 nhà bán lẻ, bao gồm công ty đồ thể thao Foot Locker và chuỗi kinh doanh mỹ phẩm Ulta Beauty là có vòng quay hàng tồn kho thấp hơn các công ty cùng ngành, cho thấy doanh số bán hàng chậm hoặc lượng hàng tồn kho dư thừa nhiều.
Phát hiện này rất đáng chú ý vì lịch sử có thể đang lặp lại đối với một số doanh nghiệp. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận gộp của nhiều nhà bán lẻ vào năm ngoái khi người tiêu dùng tạm dừng các mặt hàng không thiết yếu do lạm phát quá cao.
Trong khi hầu hết các nhà bán lẻ, bao gồm Foot Locker và Target, đang có lượng hàng tồn kho thấp hơn so với năm ngoái theo báo cáo hàng quý, dữ liệu LSEG về vòng quay hàng tồn kho cho thấy mức tồn kho của họ vẫn là tương đối cao.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các chuỗi giảm giá, bách hóa tổng hợp và cửa hàng quần áo, phụ kiện. David Swartz, một nhà phân tích của Morningstar cho biết, mùa mua sắm cuối năm nay có thể sẽ không diễn ra khả quan như họ kỳ vọng.
Chắc chắn rằng vòng quay hàng tồn kho không phải là thước đo duy nhất mà các nhà đầu tư Phố Wall sử dụng để đánh giá mức độ tồn kho của các nhà bán lẻ.
Một số nhà đầu tư sẽ đích thân đến các cửa hàng để kiểm tra mức tồn kho thực tế và đo lường tần suất cũng như mức độ giảm giá của các nhà bán lẻ để giải phóng hàng hóa. Những người khác chú ý đến lợi nhuận hàng quý mà công ty báo cáo. Tỷ suất lợi nhuận giảm có thể báo hiệu rằng một nhà bán lẻ đã phải giảm giá đáng kể để giảm bớt tình trạng dư thừa hàng.
Nguy cơ dư thừa hàng tồn kho thường luôn là điều khiến các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của các nhà bán lẻ lo lắng.
Jason Benowitz, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại CI Roosevelt, công ty nắm giữ cổ phần của Home Depot nhận xét: “Hàng tồn kho như một chuyến tàu lượn siêu tốc đối với các nhà bán lẻ lớn của Mỹ”.
Các nhà bán lẻ cần sử dụng các chương trình khuyến mãi và giảm giá để thu hút khách đến cửa hàng. Một số đã giảm giá và mở ưu đãi liên tục để giải quyết lượng hàng dư thừa trước Black Friday, thời điểm chính thức bắt đầu mùa mua sắm nghỉ lễ.
Brian Mulberry, giám đốc danh mục khách hàng tại Zacks Investment Management - công ty sở hữu cổ phiếu Walmart - cho biết, khi người mua hàng trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu do căng thẳng tài chính, một số nhà bán lẻ buộc phải đưa ra chương trình giảm giá cho kỳ nghỉ lễ sớm hơn bình thường.
Và mặc dù mức chiết khẩu tại một số cửa hàng lớn nhất như Kohl’s và Macy’s đã lên tới 60%, nhưng lưu lượng khách hàng đến với hai nhà bán lẻ này, cũng như Nordstrom, vẫn thấp hơn so với cả năm ngoái, công ty nghiên cứu Jane Hali & Associates lưu ý.