Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, các nhà sản xuất chip vào thế tiến thoái lưỡng nan

Lệnh cấm chip nhớ Micron của chính phủ Trung Quốc đã nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các nhà sản xuất phải đối mặt khi căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng…

Như đã đưa tin, lệnh cấm của Trung Quốc đối với việc sử dụng chip của Micron Technology trong một số lĩnh vực nhất định đã được công bố vào 21/5. Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro mà ngành công nghiệp chip toàn cầu phải đối mặt khi căng thẳng thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang.

Micron là công ty sản xuất chip nhớ flash DRAM và NAND đầu tiên của Mỹ Bắc Kinh nhắm tới sau khi Washington nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế quyền truy cập của Bắc Kinh vào các công nghệ quan trọng. 

sản xuất chip

Mặc dù động thái trả đũa này của Bắc Kinh này có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ chính của Micron như Samsung Electronics và SK Hynix trong thời gian tới, nhưng các nhà phân tích cho biết căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng sẽ phủ mây đen lên toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Kim Sun-woo, nhà phân tích tại Meritz Securities (Hàn Quốc) cảnh báo, các chính sách “ăn miếng trả miếng” như vậy sẽ gây khó khăn cho quyết định đầu tư và quản lý chuỗi cung ứng của tất cả các nhà sản xuất chip. 

Chỉ vài ngày trước lệnh cấm của Trung Quốc, Micron Technology đã công bố kế hoạch đầu tư tới 500 tỷ yên (3,7 tỷ USD) vào Nhật Bản cho công nghệ cực tím, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên mang công nghệ tiên tiến này đến xứ sở hoa anh đào. 

Bình luận về các vấn đề trên, Micron - với 11% tổng doanh thu đến từ các giao dịch với doanh nghịệp Trung Quốc - cho biết họ mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với chính quyền Bắc Kinh, nhưng không tiết lộ về việc liệu lệnh cấm mới có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của công ty tại Nhật Bản hay không. 

Mặc dù chi phí của các nhà máy sản xuất chip khác nhau tùy theo công suất, loại chip và quốc gia, nhưng đây là một trong những lĩnh vực sản xuất thâm dụng vốn nhất, đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên biệt và mua các công cụ sản xuất chip tinh vi. 

Ví dụ, Samsung đã chi tổng cộng khoảng 60 nghìn tỷ won (45,4 tỷ USD) để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, Samsung và SK Hynix, nhà sản xuất chip nhớ số 1 và số 2 thế giới, đều đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống nhà máy của họ, nhập khẩu một số thiết bị như máy khắc từ Mỹ. 

“Phải cần tới một khoản đầu tư rất lớn ban đầu để trở thành một nhà sản xuất chip và mất ít nhất 5 năm, 10 năm để hòa vốn cho những khoản đầu tư đó. Vì vậy, tình hình chính trị - thương mại bấp bênh hiện nay khiến việc đầu tư trở nên khó khăn. Về lâu dài, điều này chẳng giúp ích được cho bất kỳ ai”, ông Changhan Lee, phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc giải thích.

Khi Washington công bố các hạn chế xuất khẩu sản xuất chip sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, họ đã ban hành miễn trừ một năm cho Samsung và SK Hynix để có thể nhập khẩu các công cụ mà không phải xin giấy phép, nhưng liệu việc miễn trừ đó có được gia hạn hay không vẫn chưa rõ ràng.

Theo báo cáo của Financial Times, Nhà Trắng đã thúc giục chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các nhà sản xuất chip của họ không lấp đầy bất kỳ khoảng trống thị trường nào ở Trung Quốc nếu việc bán các sản phẩm Micron bị hạn chế.

"Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc bị mắc kẹt ở giữa và bị làm phiền bởi tất cả các bên," nhà phân tích Kim Sun-woo nhận xét. 

Bên cạnh đó, một số chuyên gia khẳng định, cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn căng thẳng trong hơn trong tương lai. Ngày này có thể mới chỉ là chip, nhưng sau này chắc chắn sẽ liên quan đến đất hiếm, nguyên liệu thô... 

Có thể bạn quan tâm