Sino-Ocean đình chỉ thanh toán nợ nước ngoài, khủng hoảng bất động sản Trung Quốc ngày một trầm trọng

Công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Sino-Ocean đã đình chỉ thanh toán tất cả các khoản nợ nước ngoài với lý do thanh khoản thắt chặt…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toà nhà trụ sở Sino-Ocean tại Bắc Kinh (Trung Quốc)
Toà nhà trụ sở Sino-Ocean tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Nhà phát triển bất động sản có vốn nhà nước Trung Quốc Sino-Ocean Group Holding Ltd đã tuyên bố dừng thanh toán tất cả các khoản nợ ở nước ngoài vì lý do thanh khoản.

Trong văn bản gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Sino-Ocean cho biết họ hoàn toàn cam kết với kế hoạch tái cơ cấu toàn diện các khoản nợ nước ngoài của mình.

“Để đối phó với áp lực thanh khoản ngày càng tăng, chúng tôi đã tích cực đối thoại với các chủ nợ và nỗ lực chủ động quản lý các khoản nợ của mình”, Sino-Ocean cho biết trong hồ sơ. Công ty đã bổ nhiệm Houlihan Lokey (Trung Quốc) làm cố vấn tài chính và Sidley Austin làm cố vấn pháp lý.

Giao dịch của tám trái phiếu bằng USD của Sino-Ocean sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới. Hiện, cổ phiếu của Sino-Ocean đã giảm 39% kể từ đầu năm đến nay xuống mức thấp kỷ lục.

“Vào năm 2023, công ty đã trải qua sự sụt giảm nhanh chóng về doanh số theo hợp đồng và sự không chắc chắn gia tăng trong việc xử lý tài sản. Đồng thời, công ty liên tục phải đối mặt với những hạn chế trong các hoạt động tài chính khác nhau”, Sino-Ocean nhấn mạnh.

Sino-Ocean là một trong những yếu tố gây lo lắng lớn nhất trên thị trường tín dụng Trung Quốc trong vài tháng qua. Giá trái phiếu bằng đồng USD đã sụt giảm trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng ngay cả các công ty bất động sản có liên kết với nhà nước cũng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng vỡ nợ trong ngành hiện nay.

Từng được coi là một trong những doanh nghiệp có khả năng trụ vững trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng những khó khăn được bộc lộ gần đây của Sino-Ocean là dấu hiệu cho thấy những hạn chế về thanh khoản đang diễn ra trong lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Các chuyên gia cho biết vấn đề nợ nần của Sino-Ocean sẽ khiến tâm lý thị trường xấu đi hơn nữa vì người mua sẽ tiếp tục trì hoãn kế hoạch mua nhà của họ. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể khiến giá bất động sản tại Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, qua đó khiến các công ty địa ốc phải tiếp tục vật lộn để cải thiện tình hình tài chính.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1993, Sino-Ocean đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực hoạt động, bao gồm dịch vụ bất động sản, hậu cần và quản lý tài sản. Theo báo cáo thường niên năm 2022, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu hơn 290 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc và nằm trong số những công ty bán nhà hàng đầu ở thủ đô Bắc Kinh và Thiên Tân.

Vào tháng 8/2023, Sino-Ocean đã giành được sự chấp thuận của chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn khoản thanh toán lãi lên đến 50,2 triệu USD thêm hai tháng nữa.

Hai tuần trước, một đơn vị của công ty cũng đã nhận được sự cho phép của chủ nợ để kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu địa phương trị giá 2 tỷ nhân dân tệ đến tháng 8/2024 sau khi thất bại trong bỏ phiếu ban đầu về việc gia hạn như vậy.

Trong ngày 14/9, Ủy ban Quyết định Phái sinh Tín dụng (Credit Derivatives Determinations Committee) đã đưa ra phán quyết rằng, việc Sino-Ocean không thanh toán được khoản nợ bằng USD đến hạn vào năm 2024 là do vấn đề không chi trả được tín dụng, gây ra các giao dịch hoán đổi nợ xấu.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, cổ đông lớn nhất của Sino-Ocean là China Life Insurance thuộc sở hữu nhà nước, với 30% cổ phần. Nắm giữ mức cổ phần gần tương đương là Tập đoàn Bảo hiểm Dajia, công ty tiếp quản phần lớn hoạt động của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và được kiểm soát bởi quỹ cứu trợ nhà nước.

Có thể bạn quan tâm