Sự phụ thuộc của thị trường dầu mỏ vào Trung Quốc có thể sớm chấm dứt?

Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc từng được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này - nhưng với tình hình phục hồi kinh tế trì trệ như hiện nay, liệu thị trường dầu mỏ toàn cầu còn có thể phụ thuộc vào Trung Quốc nữa hay không?...

Nhà máy lọc dầu Cửu Giang của Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec)
Nhà máy lọc dầu Cửu Giang của Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec)

Theo đánh giá của Chủ tịch Facts Global Energy Fereidun Fesharaki tại một hội nghị năng lượng gần đây, thị trường dầu mỏ đã có sự phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc trong suốt 20 năm qua, nhưng viễn cảnh này sẽ khó có thể tiếp tục kéo dài.

Ông Fesharaki dự đoán, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vòng 3 đến 5 năm tới và bắt đầu trượt giảm mạnh kể từ đó.

“Đối với thị trường dầu toàn cầu, chúng ta cần phải chú ý tới các quốc gia như Ấn Độ hoặc một số thị trường đang phát triển khác cho khả năng tạo ra sự phục hồi về phía cầu”, ông Fesharaki nói thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Shiqing Xia, chuyên gia tư vấn về dầu và hóa chất và nhiên liệu tại Wood Mackenzie cũng dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 và chuyển sang tình trạng suy giảm dài hạn khi nước này tích cực theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung chậm lại.

Kể từ năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 và cho biết họ sẽ phấn đấu đạt mức hạn chế phát thải carbon cao nhất vào năm 2030.

Và giống như ông Fesharaki, chuyên gia Shiqing Xia kỳ vọng Ấn Độ sẽ bù đắp cho sự suy giảm trong nhu cầu từ Trung Quốc.

Nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng 7,8% trong quý kết thúc vào tháng 6, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một năm. Đất nước này cũng được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Cụ thể, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành trung tâm tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lớn nhất vào cuối thập kỷ này.

“Bên ngoài Trung Quốc, tổng nhu cầu dầu ở Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng đều đặn cho đến đầu những năm 2040”, bà Xia nói thêm.

“Trong hai thập kỷ tới, động lực tăng trưởng của châu Á sẽ là Ấn Độ và Đông Nam Á”, chuyên gia nghiên cứu Shiqing Xia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ sớm đạt đỉnh. Nhiều nhà phân tích cho rằng mốc thời gian sẽ kéo dài hơn vài năm hay thậm chí có thể là vài thập kỷ. Giám đốc Yaw Yan Chong của LSEG Oil Research nhận xét: “Trung Quốc có mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2060, đó là lúc tôi dự đoán nhu cầu dầu mỏ của nước này sẽ giảm bớt dù chưa hề chạm đến mức đỉnh”.

Ông Yaw lưu ý rằng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc chủ yếu được tinh chế thành dầu diesel và xăng, những thứ đang dần trở nên ít thiết yếu hơn ở Trung Quốc do sự bùng nổ tăng trưởng của xe điện trong những năm gần đây. Về sản xuất điện, ông lưu ý rằng Trung Quốc chủ yếu sử dụng than thay vì dầu.

Mặt khác, có một số ý kiến khác cho rằng nếu không có bất kỳ sự đổi mới đáng kể nào trong công nghệ, thì nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ chưa dừng lại trong 20 đến 30 năm tới.

“Nếu không có những khám phá lớn về khí đốt hoặc những đột phá về công nghệ trong năng lượng tái tạo/năng lượng thay thế, chúng tôi không nghĩ rằng tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ chấm dứt trong ít nhất hai đến ba thập kỷ nữa, mặc dù tốc độ có thể chậm lại”, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan Bob McNally giải thích.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...