Sức hút của trí tuệ nhân tạo với dư địa nghìn tỷ USD

Với những tiến bộ vượt bậc, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu đang nắm bắt một phần tiềm năng to lớn trong sự phát triển của thế giới tương lai…

Trên thực tế, khái niệm chính thức về trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện từ những năm 1950, khi nó được sử dụng để định nghĩa cho khả năng máy móc thực hiện một nhiệm vụ mà trước đây cần đến trí thông minh của con người. Đây là một định nghĩa khá rộng và đã được sửa đổi qua nhiều thập kỷ nghiên cứu và tiến bộ công nghệ.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đang cung cấp một nền tảng hỗ trợ hiệu quả cho con người để mở ra các cơ hội tăng trưởng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, mang lại ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của tương lai. 

Đa tiện ích

Thông qua hình thức thu thập, phân tích dữ liệu và tự động hóa các quá trình, trí tuệ nhân tạo đang từng bước giúp con người cải thiện chất lượng cuộc sống, trở thành một công cụ công nghệ vô cùng có giá trị. 

Trong nhiều trường hợp và đối với nhiều ứng dụng khác nhau, hệ thống AI thậm chí có thể thực hiện công việc một cách vượt trội hơn so với con người. Đó là lý do chính khiến công nghệ này trở nên vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện đại. AI có thể đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại hoặc có tính nguy hiểm, giúp giải phóng lực lượng lao động để con người để làm những công việc quan trọng cần tới sự sáng tạo và đồng cảm giữa người và người. 

Hiện nay, các giải pháp AI đã được áp dụng thử nghiệm trong hầu hết mọi ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, cho phép các tổ chức đưa ra quyết định chiến lược hiệu quả hơn, cải thiện quy trình kinh doanh cốt lõi với tốc độ và độ chính xác cao.  

trí tuệ nhân tạo

Với nhiều doanh nghiệp đang tìm cách tự động hóa các quy trình để giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu suất, tính khả dụng của AI đang ngày càng hữu ích hơn trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, giải pháp AI sử dụng trong các nhà máy đảm bảo hoạt động diễn ra hiệu quả nhất có thể, đưa ra gợi ý phù hợp về hậu cần như tự động đặt hàng nguyên vật liệu, thời gian biểu, lên kế hoạch hoàn thành dự án... 

Ở ngành bán lẻ, công nghệ AI được áp dụng để xử lý việc quản lý hàng tồn kho, thiết kế bố cục cửa hàng hay cung cấp các đề xuất mua sắm cá nhân hóa thông qua dữ liệu khách hàng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, AI hiện có khả năng xem xét các giao dịch tài chính nhằm phát hiện hoạt động gian lận, đánh giá điểm tín dụng với độ chính xác cao và tự động hoá các tác vụ yêu cầu quản lý và nhập dữ liệu thủ công. 

Bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, trí tuệ nhân tạo đã chứng minh được tính hữu ích trong các khía cạnh khoa học đời sống, giáo dịch và chăm sóc sức khoẻ… 

Nhìn chung, trí tuệ nhân tạo có khả năng thực hiện công việc nhanh, chính xác; tối ưu hóa thời gian và nâng cao hiệu quả, đồng thời cung cấp nhiều tiện ích cá nhân hóa và cải thiện trải nghiệm người dùng. 

Thị trường nghìn tỷ USD

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự ứng dụng sáng tạo của con người, trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống và kinh tế. Trong tương lai, thị trường AI dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng trên toàn thế giới. 

Theo trang tin tài chính Finbold, giá trị ước tính của thị trường trí tuệ nhân tạo vào năm 2023 là hơn 207 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng 788,64% lên mức 1.870 tỷ USD vào năm 2030 sau khi vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2028. 

Bên cạnh các lĩnh vực tư nhân, đầu tư của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường AI. 

trí tuệ nhân tạo

Hiện nay trên thế giới, Ấn Độ đứng đầu trong số các quốc gia có mức độ tin cậy cao nhất đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo, với số điểm là 75%. Một trong những yếu tố chính là bởi Ấn Độ tập trung vào việc khuyến khích hiểu biết về kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị và lợi ích của AI. Ngoài ra, Ấn Độ từ lâu đã phát triển thành công ngành công nghệ, với sự xuất hiện của các startup tiên phong làm gia tăng niềm tin của người dân vào hệ thống này. 

Ở vị trí thứ hai là Trung Quốc với số điểm 67% nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường công nghệ nội địa. Ngoài ra, các công ty trong lĩnh vực AI cũng được hưởng lợi từ các hợp đồng của chính phủ liên quan đến việc xử lý nguồn dữ liệu khổng lồ. 

Tiếp sau đó là Nam Phi ở vị trí thứ ba với số điểm 57% và Brazil đứng thứ tư với số điểm 56%, trong khi Singapore đứng thứ năm với số điểm 45%.

Ngạc nhiên rằng, nước Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ sáu trong danh sách với số điểm là 40%, dù được coi là trung tâm toàn cầu về phần mềm trí tuệ nhân tạo, có mặt ở hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng. Đây cũng là nơi có nhiều công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ như Google, Microsoft và Amazon, khiến nó trở nên mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư muốn mở rộng hoạt động trong lĩnh vực phần mềm AI.

Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự báo sẽ trở thành thị trường AI phát triển mạnh mẽ, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản là những cái tên hàng đầu. 

Có thể bạn quan tâm