
3 tháng khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây tổn thất tài chính nặng nề cho một số tỷ phú giàu có nhất thế giới. Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, 5 tỷ phú, bao gồm cả Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg, đã mất tổng cộng 200 tỷ USD.
THỊ TRƯỜNG CHAO ĐẢO VÌ TRUMP
Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, ông Donald Trump đã được bao quanh bởi nhiều doanh nhân giàu có bậc nhất thế giới, trong đó nhiều người ủng hộ và chúc mừng chiến thắng vang dội của ông. Thời điểm đó, chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục, giới đầu tư lạc quan rằng các chính sách của chính quyền mới sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Khoảng thời gian giữa tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025 khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức được xem như “mỏ vàng” đối với giới tỷ phú, khi các doanh nghiệp lớn đều trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, cổ phiếu Tesla của tỷ phú Elon Musk đã tăng mạnh, trong khi Meta Platform của Mark Zuckerberg cũng vượt trội trong những tuần trước Ngày Nhậm chức.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 8 tuần kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, tình hình gần như đã thay đổi tới 180 độ. Thị trường chứng khoán lao đao trước làn sóng sa thải nhân sự trong chính phủ và lập trường thiếu nhất quán của ông Donald Trump về thuế quan, khiến giới đầu tư bất an. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 7% trong khi Nasdaq, vốn nặng về công nghệ, lao dốc 11%.
Một trong những yếu tố khiến thị trường tài chính rối loạn là quyết định thiếu nhất quán của chính quyền Donald Trump về thuế quan, gây nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến thương mại toàn cầu, làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Thêm vào đó, vào đầu tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Atlanta đã dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 2,8% trong quý đầu tiên của năm, một viễn cảnh đang được gọi là "Trumpcession" (suy thoái thời Trump). Mới đây nhất, ngân hàng Goldman Sachs đã nâng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ từ mức 20% lên 35%.
Làn sóng bán tháo trên thị trường cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cổ phiếu công nghệ. Nhóm "Magnificent 7”, gồm Tesla, Nvidia, Alphabet, Amazon, Meta, Apple và Microsoft, đã mất tổng cộng hơn 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ ngày 20/1 đến nay.
Các nhà lãnh đạo của những công ty này, bao gồm Jeff Bezos (Amazon), Sergey Brin (đồng sáng lập Google, nay là Alphabet) và Mark Zuckerberg (Meta), đều có mặt tại lễ nhậm chức của ông Trump và được xếp vào vị trí quan trọng trong khu vực dành cho khách mời tại Điện Capitol. Giờ đây, họ đều nằm trong số những người chịu thiệt hại tài sản nặng nề nhất kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
TÀI SẢN CỦA CÁC TỶ PHÚ LAO DỐC
Trên thực tế, người bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tài chính là “cánh tay phải” của Tổng thống Donald Trump, tỷ phú Elon Musk.
Ngày 20/1, Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, sở hữu khối tài sản trị giá 434 tỷ USD chủ yếu nhờ vào cổ phiếu Tesla, vốn đã gần như tăng gấp đôi sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Tesla đã đánh mất toàn bộ mức tăng này, giảm khoảng 45% so với mức kỷ lục cuối tháng 12/2024, do gặp nhiều thách thức tại các thị trường khác nhau. Người tiêu dùng châu Âu được cho là đã quay lưng với Tesla, khiến doanh số tại Đức giảm hơn 70% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lượng xe Tesla xuất khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 49% trong tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2022.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng sự xuất hiện của Elon Musk trên chính trường đã ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla.
Tất cả những biến động này đã khiến khối tài sản của Elon Musk “bốc hơi” 121 tỷ USD. Tuy nhiên, dù giá trị tài sản ròng giảm 24%, ông vẫn giữ vững vị trí người giàu nhất thế giới.
Jeff Bezos, người vốn có mối quan hệ khá phức tạp với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã công khai lên tiếng chúc mừng Tổng thống Mỹ sau chiến thắng của ông. Tháng 12 năm ngoái, Amazon đóng góp 1 triệu USD vào quỹ nhậm chức của ông Trump và ông Bezos cũng được cho là đã dùng bữa với ông Donald Trump.
Tuy nhiên, vị tỷ phú 65 tuổi đã mất khoảng 29 tỷ USD kể từ giữa tháng 1 khi cổ phiếu Amazon giảm 14%.
Nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin đã chứng kiến khối tài sản của mình giảm hơn 22 tỷ USD trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2025. Lý do chủ yếu là bởi cổ phiếu Alphabet mất dần động lực sau khi công ty công bố kết quả doanh thu quý đáng thất vọng. Hiện tại, Alphabet đang chịu áp lực lớn từ Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến hoạt động kinh doanh công cụ tìm kiếm của mình.
Vị doanh nhân 51 tuổi hiện vẫn nắm giữ 6% cổ phần tại Alphabet.
Trước đây, ông Sergey Brin từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của ông Trump vào năm 2017. Tuy nhiên, sau khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, ông Sergey Brin đã cuộc gặp riêng với Tổng thống tại Mar-a-Lago.
Tài sản của Mark Zuckerberg đã mất khoảng 7 tỷ USD mặc dù Meta ban đầu có hiệu suất vượt trội hơn các cổ phiếu công nghệ lớn khác vào đầu năm. Tuy nhiên, Meta gần như đã mất toàn bộ mức tăng này trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 3, theo đà suy giảm chung của các cổ phiếu công nghệ lớn.
Tỷ phú ngành hàng xa xỉ người Pháp, Bernard Arnault, cũng đã chứng kiến sự tài sản cá nhân bị ảnh hưởng tiêu cực, mặc dù trong thời gian hậu bầu cử tổng thống Mỹ cổ phiếu LVMH đã tăng hơn 20%. Các nhà phân tích tài chính tại Morningstar cho rằng hàng loạt mức thuế quan từ 10% đến 20% đối với các sản phẩm xa xỉ của châu Âu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giảm sút doanh thu của tập đoàn vốn đã gặp khó khăn vì tiêu dùng toàn cầu trì trệ
Nhiều tên tuổi tỷ phú khác cũng “gặp hạn” trong quý 1/2025, chẳng hạn như tỷ phú Larry Ellison sáng lập Oracle, mất 22 tỷ USD; CEO Jensen Huang của Nvidia, mất 19 tỷ USD; tỷ phú Michael Dell sáng lập Dell Computers mất 18 tỷ và ông Changpeng Zhao, nhà đồng sáng lập Binance mất 17,7 tỷ USD.