Tăng trưởng của LVMH chững lại khi doanh số bán rượu mạnh và túi xách cùng giảm

Tăng trưởng của tập đoàn xa xỉ LVMH đã chậm lại trong quý 3 do nhu cầu về túi xách và rượu mạnh đều sụt giảm sau thời gian tăng trưởng vượt bậc…

Bên ngoài một cửa hàng Louis Vuitton tại Trung Quốc
Bên ngoài một cửa hàng Louis Vuitton tại Trung Quốc

Trong quý 3, doanh số bán hàng của tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH chỉ ghi nhận mức tăng 9% lên 19,9 tỷ Euro, thấp hơn so với mức tăng 17% của quý trước. Những con số này một lần nữa phản ánh thực trạng doanh số hàng xa xỉ đang có xu hướng đi xuống trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu.

Con số chính thức vừa được công bố thấp hơn so với ước tính của Visible Alpha về mức tăng trưởng doanh thu 11,5% trong quý cho LVMH - công ty sở hữu 75 thương hiệu từ các hãng thời trang Louis Vuitton và Dior đến nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora.

Doanh số bán hàng ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, cũng chỉ tăng 11% trong quý, giảm đáng kể từ mức 34% trong ba tháng trước đó, trong khi thị trường Mỹ tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng một con số từ đầu năm đến nay khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Ở châu Âu, hầu hết các quốc gia cũng đều ghi nhận mức trung bình một con số, theo giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony tiết lộ.

Ông Guiony cho biết, không có thay đổi rõ rệt nào trong hoạt động kinh doanh của LVMH với khách hàng Trung Quốc trong quý gần đây nhất, nhưng ông cũng lưu ý rằng nhiều người tiêu dùng đang đi du lịch nước ngoài nhiều hơn và có thể lựa chọn mua sắm ở đó.

Doanh số bán hàng tại bộ phận thời trang và đồ da của LVMH – cũng là mảng kinh doanh lớn nhất của hãng – tăng 9% trong quý 3, tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 21% trong quý 2.

Doanh số bán rượu vang và rượu mạnh đã giảm 10%, đặc biệt là doanh số rượu cognac, điều mà LVMH cho là có liên quan đến sự bình thường hoá trong nhu cầu sau Covid-19 và môi trường kinh tế khó khăn hơn ở Mỹ.

Ngược lại, phân phối có chọn lọc, bao gồm kênh bán lẻ du lịch và chuỗi mỹ phẩm Sephora, có mức tăng trưởng nhanh nhất, 26%, trong quý này.

Đưa ra bình luận về vấn đề này, các nhà phân tích tại HSBC lưu ý: “Nhu cầu từ người dân địa phương châu Âu dần chững lại và không có nhiều sự hỗ trợ hơn từ dòng chảy du lịch. Thành tích ở Mỹ khó có thể được cải thiện và Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn hơn do môi trường kinh tế vĩ mô và lo ngại suy thoái. Trái ngược với các quý trước - khi mà tình hình không mấy lạc quan ở Mỹ được bù đắp bởi sự phục hồi ở Trung Quốc, thì trong quý 3 lại không có bất kỳ yếu tố bù đắp nào mà thay vào đó là sự bình thường hóa tăng trưởng trên diện rộng ở tất cả các khu vực địa lý”.

Cổ phiếu của LVMH đã tăng khoảng 20% trong 12 tháng qua mặc dù đã giảm khoảng 12% trong nửa năm qua, do các nhà đầu tư lo ngại sự bùng nổ của hàng xa xỉ đến nay đã hạ nhiệt.

“Bất chấp môi trường kinh tế và địa chính trị không chắc chắn hiện nay, tập đoàn vẫn tự tin vào sự tăng trưởng liên tục của mình. LVMH đang dựa vào sự năng động của các thương hiệu và tài năng của đội ngũ để củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu trên thị trường xa xỉ toàn cầu”, công ty phát hành một thông cáo theo sau các dữ liệu kinh doanh mới nhất.

LVMH là tập đoàn lớn nhất trong ngành công nghiệp xa xỉ và được coi là đơn vị dẫn đầu nhờ quy mô và tầm ảnh hưởng. Ngoài LVMH, nhiều công ty xa xỉ khác cũng đã báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất trong ngành - trong quý trước. Điều kiện kinh tế thắt chặt hơn tại Trung Quốc, vốn là động lực thúc đẩy doanh số kỷ lục của ngành công nghiệp xa xỉ từ đầu năm 2020 trở đi, cũng khiến tăng trưởng của ngành chỉ ghi nhận ở mức vừa phải.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…