LVMH đã báo cáo năm thứ hai liên tiếp đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục, với doanh thu năm 2022 tăng 23% lên 79,2 tỷ euro, tương đương khoảng 86,2 tỷ USD. Lợi nhuận tăng 17% lên 14 tỷ euro, tương đương khoảng 15,2 tỷ USD.
Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault cho biết trong buổi thuyết trình về thu nhập của công ty: “Macao, nơi người dân Trung Quốc hiện có thể đi du lịch, đã chứng kiện sự thay đổi khá ngoạn mục. Các cửa hàng đã kín khách và doanh số bán hàng đang tăng trưởng mạnh mẽ”.
Sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc là câu hỏi quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng xa xỉ vào năm 2023, khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng chậm lại. Cổ phiếu của LVMH, Richemont, Kering và các tên tuổi lớn khác đều đã tăng vọt trong tháng này với hy vọng chi tiêu cho hàng xa xỉ của Trung Quốc - vốn chiếm 1/3 tổng doanh số bán hàng xa xỉ trước khi đại dịch - sẽ nhanh chóng phục hồi.
Giám đốc tài chính của LVMH, Jean-Jacques Guiony, lưu ý rằng “Mặc dù sự phục hồi diễn ra mạnh mẽ vào tháng 1, nhưng chúng ta chưa thể trở lại mức của năm 2019. Chúng ta còn lâu mới đạt được mức đó.”
Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đánh dấu một thời điểm “big bang” đối với hàng xa xỉ trên toàn cầu khi khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Paris, Milan và London vào mùa hè này.
Công ty tư vấn Bain & Co. cho biết doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu đã tăng 22% vào năm 2022, lên hơn 380 tỷ USD, với việc Hoa Kỳ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường đầu bảng. Ngay cả khi Trung Quốc hồi phục, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ có thể sẽ chậm hơn trong năm nay. Bain & Co. ước tính doanh số có thể tăng từ 3% đến 8% vào năm 2023.