Gói kích thích trị giá 140 tỷ baht sẽ bao gồm: 93 tỷ baht được sử dụng thanh toán cho các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng, nhắm đến khoảng 31 triệu người. 16,4 tỷ baht tiền mặt sẽ được trao cho 13,65 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi. Ba tỷ baht tiền mặt được trao cho 2,5 triệu người được coi là thành viên của các nhóm đặc biệt, chẳng hạn như người khuyết tật. Ngoài ra, khoảng 28 tỷ baht sẽ được hoàn lại cho nhóm 4 triệu người có thu nhập cao.
Gói kích thích này dùng được phân chia theo các hình thức bao gồm phát tiền mặt cho các chủ thẻ phúc lợi và các nhóm đặc biệt, đồng thanh toán và hoàn lại tiền mặt, dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 7/2021.
Đây là gói kích thích kinh tế lần thứ 2 mà Thái Lan phê chuần. Trước đó, Chính phủ Thái Lan vào tháng trước phê chuẩn một gói kích cầu khác trị giá 85,5 tỷ baht. Tiền cho những gói kích cầu này đều là tiền đi vay thuộc phạm vi chương trình kích cầu 1.000 tỷ baht mà Chính phủ Thái Lan công bố vào tháng 4/2020 nhằm đưa nền kinh tế vượt đại dịch.
Các lĩnh vực du lịch và sản xuất là nguồn thu chính của kinh tế Thái Lan nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Thái Lan giảm 2,6% trong quý 1 năm nay và chỉ có thể tăng 1,5-2,5% trong cả năm. Hồi tháng 2, Chính phủ nước này dự báo kinh tế tăng trưởng 2,5-3,5% trong cả năm.
15 tỉnh có thế mạnh về du lịch chiếm 70% GDP của cả nước là Bangkok và 5 tỉnh xung quanh (Samut Prakarn, Samut Sakhon, Nakhon Pathom, Nonthaburi và Pathum Thani) cùng với Chonburi, Rayong, Chachoengsao, Phuket, Songkhla, Surat Thani, Chiang Mai, Nakhon Ratchasima và Khon Khaen đang chịu nhiều tác động nặng nề.
62 tỉnh còn lại chỉ tạo ra 30% GDP của cả nước, mạnh về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, giới chức chính phủ Thái Lan tin rằng, khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và Thái Lan mở cửa trở lại, kinh tế của 15 tỉnh phụ thuộc vào du lịch sẽ khởi sắc nhanh hơn 62 tỉnh còn lại, mặc dù các tỉnh phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.