Tài khoản trang mạng xã hội Twitter safsata14 công bố ảnh vệ tinh gần đây, cho thấy một hệ thống phòng không Korkut đã được triển khai tại căn cứ không quân Al-Watiya phía tây Libya. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát và vận hành căn cứ không quân này cùng với một số đơn vị vòng ngoài của Chính phủ Hiệp thương Quốc gia (GNA).
Hệ thống pháo phòng không tự hành KORKUT của Thổ Nhĩ Kỳ ở căn cứ không quân Al-Watiya phía tây Libya
KORKUT là hệ thống phòng không bộ binh mới nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được thiết kế và phát triển chống lại các phương tiện tấn công đường không hiện đại bao gồm cả máy bay chiến đấu tầm thấp, tên lửa các loại và UAV.
Hệ thống có cấu trúc một trung đội phòng không, biên chế 3 tổ hợp pháo phòng không tự động 35 mm và một xe chỉ huy tác chiến, hoạt động hoàn toàn độc lập hoặc trong đội hình phòng không chiến trường cấp trung lữ đoàn.
Xe chỉ huy và điều khiển, sử dụng radar 3D hiện đại tìm kiếm, phát hiện và theo dõi các mục tiêu kẻ thù, hình thành khung cảnh không gian chiến trường trong phạm vi trách nhiệm, đánh giá các mối đe dọa và chỉ định mục tiêu cho cho các xe tổ hợp pháo phòng không tự động 35 mm.
Tổ hợp pháo tự hành sau khi nhận được chỉ thị mục tiêu, sẽ theo dõi, khóa mục tiêu bằng radar điều khiển hỏa lực, và tiêu diệt mục tiêu bằng hai pháo phòng không tự động 35 mm sử dụng đạn phân mảnh.
Xe chỉ huy và điều khiển hỏa lực tổ hợp KORKUT
Tổ hợp pháo phòng không tự hành KORKUT
Tổ hợp pháo phòng không, hệ thống chỉ huy và điều khiển hỏa lực khẩu đội đều được lắp đặt trên khung gầm xe bánh xích ACV-30, do công ty liên doanh quốc phòng FNSS phát triển đặc biệt để lắp đặt các xe chỉ huy và điều hành tác chiến, các tổ hợp radar di động lớn, các tổ hợp hỏa lực đi cùng, pháo và tên lửa tự hành.
Trên thân xe ACV-30, Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển dự án Hệ thống tên lửa phòng không độ cao thấp (HİSAR-A).
Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu mua 40 hệ thống vũ khí KORKUT, hợp đồng dự kiến hoàn thành năm 2022.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường lực lượng lính đánh thuê Syria và vũ khí trang bị cho GNA. Đồng thời vận động các quốc gia khác như Ai Cập, Hy Lạp không can thiệp để lực lượng GNA và lính đánh thuê Syria có thể tấn công đánh bại lực lượng Quân đội Quốc gia Syria (LNA) do nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo, chiếm thành phố Sirte, tạo điều kiện cho việc Ankara khai thác nguồn tài nguyên của quốc gia này.