Thuỵ Sĩ đang phải “cứng rắn hơn” với ngành ngân hàng

Hàng loạt các vụ bê bối của Credit Suisse đang khiến chính phủ Thụy Sĩ phải suy nghĩ lại về một hệ thống mà ở đó các chủ ngân hàng hàng đầu gần như là “không thể chạm vào”.

Những khoản lỗ nặng nề của Credit Suisse từ sự sụp đổ của văn phòng gia đình Archegos và hàng tỷ khoản đầu tư của khách hàng được hỗ trợ bởi nhà tài chính người Anh bị vỡ nợ Greensill đã khiến các nhà quản lý Thuỵ Sĩ tức giận và dẫn đến một cuộc tranh luận hiếm hoi về hình phạt đối với các chủ ngân hàng lớn. 

Cuộc tranh luận công khai lớn nhất về cải cách ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính lần này đã tập trung vào việc chấm dứt chế độ tự do công bằng hiện hành, khiến chỉnh phủ không thể phạt nặng các chủ ngân hàng. “Giám đốc ngân hàng không chịu trách nhiệm về hành động vì họ nghĩ rằng không cần thiết phải làm như vậy. Không có biện pháp trừng phạt thực sự nào đối với việc quản lý yếu kém,” ông Gerhard Andrey, thành viên của quốc hội Thụy Sĩ cho biết.

“Các vụ bê bối đã xảy ra với Credit Suisse, từ Mozambique đến Greensill, đang gây tổn hại cho danh tiếng của Thụy Sĩ. Chúng tôi đã đề xuất một cuộc cải cách… điều đó có nghĩa là nếu có vấn đề không ổn, thì người quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm,” ông nói.

Các đề xuất của ông Andrey, theo mô hình mang tính đột phá tương tự với Vương quốc Anh, bao gồm việc ban lãnh đạo cấp cao nhất của các công ty tài chính sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về hành động của họ. Đề xuất này sẽ được các nhà lập pháp thảo luận trong những ngày tới.

Những vụ bê bối liên tiếp của Credit Suisse khiến các nhà lập pháp Thuỵ Sĩ tức giận và xem xét một cuộc cải cách mới đối với ngành ngân hàng.
Những vụ bê bối liên tiếp của Credit Suisse khiến các nhà lập pháp Thuỵ Sĩ tức giận và xem xét một cuộc cải cách mới đối với ngành ngân hàng. 

Cuộc tranh luận của giới chức Thuỵ Sĩ đã nổ ra sau khi Credit Suisse mất hơn 5 tỷ USD từ sự sụp đổ của văn phòng gia đình Archegos và đối mặt với một loạt các hành động pháp lý hơn 10 tỷ USD đầu tư của khách hàng có liên quan đến Greensill. Một phát ngôn viên của ngân hàng cho biết ban giám đốc của họ đã tiến hành các cuộc điều tra để “làm rõ hậu quả của những sự kiện đó”, đồng thời thực hiện thêm những thay đổi về quản lý trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và kiểm soát rủi ro.

Chuỗi vụ bê bối đã khiến các quan chức tại cơ quan giám sát FINMA bực tức, những người đang đấu tranh chống lại quy tắc chỉ xử phạt các giám đốc ngân hàng nếu trực tiếp liên quan đến sai phạm chứ không phải vì những sai sót của quản lý chung. 

Phát ngôn viên của FINMA nói với Reuters rằng họ hoan nghênh một cuộc thảo luận về việc “tối ưu hóa các câu hỏi về trách nhiệm cá nhân”, nói thêm rằng các trung tâm tài chính khác trên thế giới “đã vượt xa hơn đáng kể so với Thụy Sĩ”.

Cũng như sự việc Archegos và Greensill, Credit Suisse cũng gặp phải các vấn đề khác, bao gồm cả một vụ bê bối gián điệp buộc cựu Giám đốc điều hành của công ty phải ra đi.

Các giám đốc ngân hàng cũng phải đối mặt với một số thủ tục tố tụng ở Anh và Hoa Kỳ liên quan đến các khoản vay cấp cho Mozambique khiến nước này rơi vào khủng hoảng nợ. Các công tố viên Hoa Kỳ năm ngoái cho biết họ đang điều tra vai trò của Credit Suisse trong vụ án tham nhũng 2 tỷ USD, bắt nguồn từ các khoản vay mà ngân hàng đã giúp thu xếp để phát triển hệ thống phòng thủ ven biển của Mozambique. Ngân hàng cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra.

Bình luận về những thất bại gần đây nhất của mình, Credit Suisse tiết lộ họ đã đình chỉ một số khoản thanh toán cho các nhân viên liên quan, bao gồm cả các thành viên ban điều hành để có thể “back lại” tiền nếu cần.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng có khả năng vấp phải sự phản kháng. Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ cho biết việc giám sát hiện tại là “cân bằng” và nghiêm ngặt; bất kỳ cải tiến nào cũng cần phải để ý đến “tính đặc thù” của ngân hàng Thụy Sĩ.

Có thể bạn quan tâm