Tòa án Kiểm toán Châu Âu phát hiện lỗ hổng quản trị rủi ro tín dụng ngân hàng của ECB

Tòa án Kiểm toán Châu Âu (ECA) cho biết trong một báo cáo rằng các cơ quan giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thường quá nhẹ tay với các ngân hàng trong cách họ quản lý rủi ro tín dụng, đặc biệt là trong trường hợp các ngân hàng hoạt động kém nhất...

Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đang giám sát hơn một trăm ngân hàng lớn nhất của khu vực đồng euro. ECB trong một khoảng thời gian dài đã phàn nàn rằng những đơn vị cho vay không coi trọng rủi ro tín dụng, không nhận ra vấn đề hay trích lập các khoản dự phòng.

Tuy nhiên, báo cáo vừa ra của Tòa án Kiểm toán Châu Âu (ECA) cho thấy vấn đề của ECB dường như mang tính hệ thống nhiều hơn là sự thiếu tuân thủ của các ngân hàng.

Báo cáo kết luận rằng ECB áp dụng các quy tắc của mình một cách không nhất quán và quá nhẹ tay đối với những đơn vị cho vay có rủi ro cao. Đồng thời, ngân hàng mất quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định về vốn và không phải lúc nào cũng có đủ nhân viên giám sát.

ECA cho biết: “ECB đã không áp đặt các yêu cầu [về vốn] cao hơn tương ứng khi các ngân hàng đối mặt với rủi ro cao hơn, nghĩa là rủi ro không liên quan rõ ràng đến yêu cầu được áp đặt. Kể cả đối với các ngân hàng có mức rủi ro cao nhất, họ chỉ đưa ra các yêu cầu ở mức sàn của phạm vi được xác định trước".

Đồng thời, phía kiểm toán cho rằng ECB đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp giám sát leo thang khi rủi ro tín dụng cao và kéo dài. ECA nhận định rằng điều này dẫn đến việc ngân hàng có tỉ lệ rủi ro thấp có thể nhận được yêu cầu về vốn cao hơn so với ngân hàng cho vay có mức rủi ro cao.

ECA phát hiện lỗ hổng quản trị rủi ro tín dụng của ECB

Đây là báo cáo đầu tiên kể từ khi ECB đồng ý chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của từng ngân hàng cho mục đích kiểm toán vào năm 2019. Trả lời trong phần phụ lục của báo cáo, ECB đã bảo vệ các hoạt động của mình, nhưng thừa nhận sự tồn tại của một số vấn đề trong quá trình giám sát.

"ECB cho rằng phương pháp hiện tại được sử dụng để xác định các yêu cầu về vốn bổ sung vẫn đảm bảo rằng tất cả các rủi ro trọng yếu mà một tổ chức gặp phải đều được bảo hiểm một cách thích hợp”.

Các khoản nợ xấu đã giảm đều đặn trong nhiều năm và ở gần mức thấp nhất mọi thời đại, một phần là do nỗ lực tích cực của ECB nhằm giải phóng khu vực ngân hàng khỏi gánh nặng lịch sử này.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng phương pháp mà ECB đã sử dụng từ năm 2021 để xác định các yêu cầu về vốn bổ sung đã không đủ để đảm bảo rằng các rủi ro khác nhau của các đơn vị cho vay sẽ được bù đắp một cách thích hợp.

Báo cáo còn cho thấy ECB đang mất quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định yêu cầu vốn cuối cùng, do đó rủi ro không phải lúc nào cũng được quản lý kịp thời.

Một vấn đề khác cũng đang gây khó khăn cho việc quản lý rủi ro của ECB là hạn chế về nhân sự. ECA cho biết ECB đã quyết định không tăng số lượng nhân sự từ năm 2023 và chín trong số 22 giám sát viên quốc gia không đủ nhân sự cho các nhóm giám sát chung.

Có thể bạn quan tâm