Thông báo gặp phải nhiều sự bất mãn của dư luận khi họ cho rằng số tiền trợ cấp này là quá ít. Thông báo từ chính quyền thành phố được đưa ra trong bối cảnh lạm phát lương thực tăng nhanh ở Trung Quốc sau khi các nhà hoạch định chính sách hủy bỏ chiến lược không Covid vào tháng 12 và nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tuần trước, các cuộc biểu tình của những người về hưu đã nổ ra ở các thành phố Vũ Hán và Đại Liên liên quan đến việc cắt giảm trợ cấp chăm sóc y tế của họ. Điều này làm nổi bật nguy cơ bất ổn ngày càng tăng đối với các vấn đề sinh kế Trung Quốc khi nền kinh tế đất nước phải vật lộn để lấy lại chỗ đứng sau khi bị các chính sách trong đại dịch làm kiệt quệ.
Đây là đợt biểu tình mới nhất của công chúng kể từ đợt rầm rộ các cuộc phản đối các biện pháp hạn chế được đưa ra do Covid-19 bùng phát khắp đất nước vào cuối năm ngoái. Các cuộc biểu tình gần đây nhấn mạnh áp lực tài chính đối với chính quyền địa phương, sau ba năm thực hiện chính sách không Covid đã khiến ngân khố của họ căng thẳng. Đồng thời, thị trường bất động sản suy yếu đã làm xói mòn nghiêm trọng thu nhập của họ.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Bắc Kinh, cơ quan quản lý kinh tế của thành phố, hơn 300.000 người có thu nhập thấp sẽ nhận được khoản tiền mặt mỗi người là 40 nhân dân tệ (tức khoảng 6 USD) mỗi tháng. Khoản thanh toán đầu tiên sẽ được đưa ra vào cuối tháng này và không rõ trợ cấp sẽ tiếp tục trong bao lâu.
“Vào tháng 1, giá lương thực ở Bắc Kinh đã tăng 6,6%, đáp ứng các điều kiện để bắt đầu chương trình trợ cấp liên quan đến giá cả”, tờ Nhật báo Bắc Kinh dẫn lời một quan chức của ủy ban cho biết trong một báo cáo hôm vừa rồi.
Ông quan chức cho biết họ sẽ "cố gắng làm tốt công việc đảm bảo sinh kế cơ bản của những người nghèo khó và không ngừng nâng cao ý thức đạt được, hạnh phúc và an toàn của người dân".
Trung Quốc đã khởi động chương trình trợ cấp cho người thu nhập thấp vào năm 2011 để cung cấp tiền mặt cho người nghèo khi chỉ số giá tiêu dùng hoặc giá lương thực đạt ngưỡng nhất định. Mỗi thành phố hoặc khu vực đặt ra tiêu chuẩn riêng vì chi phí sinh hoạt khác nhau trên toàn quốc.
Tin tức về khoản trợ cấp mới nhất của Bắc Kinh không được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Người dân đã lên mạng xã hội để phàn nàn về chi phí sinh hoạt cao trong thành phố.
“40 nhân dân tệ? Bạn nghiêm túc chứ? Khi những người có thu nhập thấp đi tàu điện ngầm để lấy tiền rồi quay lại, họ đã mất 8 nhân dân tệ”, trích một bình luận trên Weibo.
Một người dùng Weibo khác bày tỏ: "Đây có phải là một sự xúc phạm không? Số tiền này chỉ đủ trợ cấp một bát mỳ."
Một số người chỉ trích hệ thống phúc lợi xã hội yếu kém của đất nước, trong khi những người khác lên án động thái của chính phủ nhằm xóa hàng tỷ khoản nợ cho các quốc gia khác.
“Chúng ta không thể đặt nghi vấn về chính sách này sao? Bạn có nghĩ rằng hệ thống phúc lợi hiện tại ở nước ta là tốt? Nó có đáp ứng được nhu cầu của con người không?” một người nói.
Một số người dùng cho biết khoản trợ cấp nên là 40 nhân dân tệ một ngày thay vì một tháng, tương đương với khoảng 1.200 nhân dân tệ (hay 175 USD) một tháng.
Bất chấp sự hoài nghi chung về việc 40 nhân dân tệ có thể tồn tại bao lâu tại thủ đô của Trung Quốc, ít nhất một người dùng cho biết đây là một khởi đầu tốt và nên được các chính quyền địa phương khác noi theo.
Theo thống kê chính thức, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 2,1% trong tháng 1 so với một năm trước. Mặc dù con số chính có vẻ thấp nhưng giá thực phẩm đã tăng 6,2%, trong đó giá thịt lợn và trái cây tăng lần lượt là 13,1% và 11,8%.
Sự gia tăng xảy ra một phần là do Tết Nguyên Đán diễn ra vào tháng 1 năm 2023 thay vì tháng 2 như năm trước. Nhưng kể cả vậy, giá thực phẩm đã tăng tại quốc gia này trong 9 tháng liên tiếp. Riêng tại Bắc Kinh, lạm phát giá lương thực đã vượt xa mức quốc gia, với giá tăng 6,6% trong tháng 1 so với một năm trước.