Trong một thông báo gửi Reuters hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Phía Mỹ cần loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực từ việc bà Pelosi đến Đài Loan. Đây là điều kiện tiên quyết để Mỹ và Trung Quốc hợp tác trong biến đổi khí hậu".
Thông báo khẳng định Trung Quốc tiếp tục chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu.
Trung Quốc ra thông báo sau khi Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry ngày 30/8 kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nối lại đối thoại song phương về khí hậu. Phản ứng của Bắc Kinh cho thấy cách tiếp cận khác nhau về hợp tác giữa hai cường quốc trên thế giới.
Bà Pelosi thăm Đài Loan ngày 2-3/8, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc ngày 5/8 đình chỉ hợp tác song phương với Mỹ trên nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có biến đổi khí hậu, nỗ lực chống ma túy và các cuộc đàm phán quân sự cấp cao. Washington khi đó chỉ trích Bắc Kinh là "vô trách nhiệm".
Ông Kerry hồi đầu tháng nói việc đình chỉ hợp tác Mỹ - Trung về khí hậu khiến cả thế giới bị ảnh hưởng. Cựu ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên có thể "quay lại với nhau" trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 11 tại Ai Cập.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.
Washington từng bày tỏ hy vọng hợp tác song phương về khí hậu không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác nhưng Bắc Kinh phản đối tách biệt từng vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung.