Trung Quốc tận dụng sức hút K-pop để thúc đẩy tiêu dùng

Đối mặt với thực trạng tiêu dùng nội địa dần suy yếu, Trung Quốc dường như đang có những chiến lược mang tính bước ngoặt trong một lĩnh vực bất ngờ: K-pop…

Nhóm nhạc K-pop Epex mới đây đã đưa ra thông báo sẽ biểu diễn tại Phúc Kiến (Trung Quốc) vào ngày 31/5, đánh dấu lần đầu tiên một nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc (với tất cả thành viên đều là người Hàn) tổ chức concert tại Trung Quốc đại lục kể từ năm 2016.

Không chỉ vậy, sự kiện âm nhạc lớn thường niên Dream Concert, một trong những chương trình K-pop có lịch sử lâu đời nhất Hàn Quốc, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 26/9 tại một sân vận động 40.000 chỗ ngồi ở tỉnh Hải Nam, theo Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc công bố hôm 30/4.

Theo bà Oh Jiwoo, nhà phân tích tại CGS International Securities Hong Kong, sự thay đổi trong cách tiếp cận với K-pop lần này là một bước ngoặt đáng kể đối với ngành công nghiệp giải trí Châu Á.

“Tôi tin rằng đây là một phần trong chiến lược rộng lớn của Trung Quốc nhằm phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, giữa lúc nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng chi tiêu suy giảm kéo dài”, bà Oh nhấn mạnh.

Tiêu dùng từng đóng góp 70% cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 30% vào những năm gần đây, trong khi chỉ số giá tiêu dùng hầu như không đi lên mà chỉ ở quanh ngưỡng 0.

“Để ứng phó với thực trạng này, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích các sự kiện văn hóa, bao gồm cả các buổi hòa nhạc quốc tế, nhằm thúc đẩy chi tiêu tự nguyện trong các lĩnh vực như du lịch, khách sạn và thương mại địa phương”, bà Oh giải thích thêm.

Thật vậy, vào ngày 25/4 vừa qua, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã phát hành thông báo kêu gọi tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, bao gồm concert và lễ hội âm nhạc.

Bà Oh Jiwoo cũng nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu album lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ xếp sau Nhật Bản và Mỹ, và là thị trường âm nhạc lớn thứ hai ở châu Á, điều này cho thấy tầm quan trọng của quốc gia tỷ dân dù cho nhiều năm bị hạn chế.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc “dịu giọng” với K-pop còn mang yếu tố ngoại giao, vượt ra ngoài mục tiêu đơn thuần là kích thích tiêu dùng trong nước. Trong một báo cáo ngày 4/4, nhà phân tích John Wu và Alicia Yap của Citigroup nhận định Trung Quốc có thể đang tìm cách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, trong bối cảnh nước này đang tạm thời hạn chế một số nội dung đến từ phương Tây, bao gồm phim Hollywood.

Họ cho rằng “ngoại giao văn hóa” có thể trở thành điểm khởi đầu để thắt chặt mối quan hệ thiện chí trong khu vực.

Nếu được Trung Quốc đón nhận hơn nữa, K-pop có thể tạo động lực lớn cho ngành giải trí Hàn Quốc, một lĩnh vực với nhiều tiềm năng tăng trưởng giữa lúc các ngành khác phải chịu rủi ro từ thuế quan. Bà Oh Jiwoo từ CGS nhận định: “Các nguồn doanh thu chính như streaming, concert và nội dung dành cho fan đều là kỹ thuật số và phi vật chất, vì vậy miễn nhiễm với thuế quan xuyên biên giới. Ngay cả khi người hâm mộ mua album và hàng hóa (merch), rủi ro từ thuế vẫn rất nhỏ nhờ giá trị sản phẩm thấp và nhu cầu từ lượng fan trung thành”.

Lợi nhuận và giá cổ phiếu của 4 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc, hay được gọi là “Big Four”, đều giảm mạnh trong năm 2024. Điều này xảy ra bất chấp lượng fan đông đảo, concert nhiều thành phố và hàng tỷ lượt xem trên YouTube toàn cầu. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng đầu năm 2025, với ba trong số bốn công ty lớn ghi nhận mức tăng đáng kể trong quý 1. Và động lực từ thị trường tỷ dân trong thời gian tới có thể mang lại cú hích lớn cho ngành giải trí Hàn Quốc trong năm 2025.

Trong một báo cáo ngày 10/2, chuyên gia Joshua Kim của CGS viết rằng thị trường âm nhạc concert Trung Quốc đã tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2019 lên 8 tỷ USD năm 2024, tương đương mức tăng 189%. Do đó, dự kiến doanh thu từ Trung Quốc có thể chiếm hơn 25% tổng doanh thu mảng concert của Hàn Quốc vào năm nay, vượt xa mức cao năm 2016.

Theo bà Oh, việc Epex được cấp phép tổ chức concert là một trường hợp thử nghiệm để mở đường cho những nhóm nổi tiếng hơn. Bà lưu ý rằng các sự kiện fan meeting quy mô nhỏ của nhóm Twice và IVE tại Thượng Hải cũng là bước khởi đầu trước khi tiến tới việc tái kết nối ở quy mô lớn hơn.

“Với HYBE, JYP, SM và YG đã sẵn sàng cho hàng loạt tour diễn toàn cầu, chúng tôi kỳ vọng các công ty giải trí Hàn sẽ nhanh chóng tận dụng thời cơ ngay khi mọi hạn chế được dỡ bỏ. Những diễn biến này củng cố thêm cho kịch bản mở cửa theo từng giai đoạn và mang đến lợi nhuận khổng lồ cho nhóm Big Four", bà Oh Jiwoo kết luận.

Có thể bạn quan tâm