Trung Quốc “xử” Alibaba với mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD

Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba phải trả khoản tiền phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) sau khi các cơ quan quản lý kết luận rằng “gã khổng lồ công nghệ” đã hành xử như một công ty độc quyền.
Trung Quốc “xử” Alibaba với mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD

Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc đã áp dụng hình phạt kỷ lục với Alibaba sau cuộc điều tra đối với "các thỏa thuận kinh doanh độc quyền“ nhằm ngăn cản người bán tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử đối thủ. 

Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin, khoản phạt tương đương 4% doanh số bán hàng của Alibaba tại Trung Quốc vào năm 2019 và vượt qua mức phạt kỷ lục trước đó là 975 triệu USD đối với nhà sản xuất chip Qualcomm vào năm 2015.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã siết chặt các công ty công nghệ như một phần của chiến dịch mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước cho năm 2021. Tháng trước, ông Tập kêu gọi các quan chức đẩy mạnh nỗ lực quản lý và điều chỉnh các công ty trực tuyến để duy trì sự ổn định xã hội.

Được sáng lập bởi tỷ phú Jack Ma, Alibaba là một trong những doanh nghiệp tư nhân thành công và nổi bật nhất Trung Quốc. Mức phạt "cứng rắn" này của các nhà quản lý Trung Quốc đang gửi một thông điệp rõ ràng về ý định kiềm chế các doanh nghiệp quyền lực nhất của Trung Quốc.

Jack Ma ngày càng "bí ẩn" và "kiệm lời" kể từ khi Ant Group - công ty tài chính của Alibaba bị buộc phải hoãn IPO vào tháng 11/2020 sau khi ông chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc. 

Từ đó đến nay, Jack Ma chỉ xuất hiện trước công chúng một lần ngắn ngủi trên video vào tháng 1 và Ant Group - công ty sở hữu ứng dụng thanh toán kỹ thuật số Alipay đã được lệnh “đại tu” lại hoạt động kinh doanh của mình.

Trong một bức thư ngỏ được công bố vào 9/4, Alibaba cho biết công ty đã hợp tác với cuộc điều tra và chấp nhận hình phạt "với sự chân thành và sẽ đảm bảo tuân thủ các quy định, yêu cầu”. 

"Alibaba sẽ không thể phát triển nếu không có các quy định, dịch vụ hợp lý của chính phủ, cũng như sự dõi theo, sự khoan dung và hỗ trợ từ tất cả các cơ quan quản lý. Vì vậy, chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và tôn trọng. Không có gì lạ khi xã hội ngày nay có những kỳ vọng mới đối với các công ty nền tảng, vì chúng tôi phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn như một phần của sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia", tuyên bố đầy "hàm ơn" của Alibaba dù bị nhận án phạt "được ghi vào lịch sử". 

Bắc Kinh từ lâu đã lo ngại rằng sức ảnh hưởng của các công ty công nghệ đối với lĩnh vực tài chính sẽ khiến ngành này dễ bị tổn thương - ví dụ như Ant Group, hiện đang nắm quyền kiểm soát hơn một nửa thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc - và các quan chức đang tìm cách để có thể kiểm soát được sự phát triển này.

Không chỉ Alibaba, nhiều công ty công nghệ khác cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của chính phủ Trung Quốc. Cơ quan quản lý đã mở cuộc điều tra về các giám đốc điều hành tại Tencent và Pinduoduo, trừng phạt Bytedance và Baidu - chủ sở hữu TikTok vì các hành vi trong thương vụ mua lại doanh nghiệp và sau đó đưa ra các quy định mới có thể chi phối hoạt động của nhiều công ty công nghệ.

Tencent được cho là đang phải đối mặt với sự giám sát của chính quyền Bắc Kinh vì các hoạt động độc quyền trên ứng dụng mạng xã hội WeChat của mình. Tencent - công ty hàng đầu với nền tảng thanh toán trực tuyến WeChat Pay và các trò chơi di động cực kỳ phổ biến, cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước rằng cuộc họp gần đây với các nhà quản lý là "tự nguyện".

"Tencent đã có các cuộc họp với cơ quan quản lý một cách thường xuyên. Chúng tôi đã thảo luận về một loạt các chủ đề, chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra một môi trường lành mạnh cho sự phát triển của ngành. Tencent đã luôn và sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động của mình dựa trên luật và quy định liên quan."

CNN

Có thể bạn quan tâm