Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gia tăng áp lực đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok, đe dọa sẽ cấm ứng dụng này nếu công ty mẹ ByteDance không bán cổ phần cho một công ty Mỹ.
Yêu cầu này của ông Biden, được xác nhận bởi TikTok vào cuối tuần trước, đánh dấu sự leo thang mới nhất trong áp lực của chính phủ Mỹ đối với công ty Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, TikTok phải đối mặt với vô số chỉ trích từ các quan chức Mỹ rằng nó là một rủi ro an ninh tiềm ẩn vì mối quan hệ của với chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, người dự kiến sẽ tham gia phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ vào tuần tới, cho biết Bytedance đã đẩy mạnh kế hoạch giám sát và lưu trữ riêng dữ liệu người dùng Mỹ và việc thoái vốn sẽ không giải quyết được bất kỳ mối lo ngại nào về bảo mật.
“Việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề. Thay đổi quyền sở hữu sẽ chẳng mang đến bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập,” ông Chew cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Wall Street Journal.
Tuy nhiên, ông Shou Zi Chew từ chối bình luận về việc liệu ByteDance có sẵn sàng bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ hay không.
Đưa ra bình luận về câu hỏi trên, bà Hannah Kelley - trợ lý nghiên cứu trong chương trình công nghệ và an ninh quốc gia tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ - cho biết bà không tin rằng ByteDance sẽ đồng ý thoái vốn khỏi TikTok.
“Tôi nghĩ Washington đã nhận thấy rằng Dự án Texas (Project Texas - một kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp trị giá 1,5 tỷ USD vào hoạt động và tính bảo mật của TikTok), hoặc việc định tuyến lại dữ liệu người dùng Mỹ thông qua các máy chủ đám mây của Oracle, sẽ không đủ để đáp ứng các mối lo ngại về bảo mật”, bà Kelley nhận xét.
“Nhưng điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán của CFIUS trong hơn hai năm nay là làm thế nào để giảm thiểu các mối lo ngại về an ninh quốc gia đã được xác định trong trường hợp Bytedance không thoái vốn hoàn toàn,” bà Kelley lưu ý thêm.
Các nhà phân tích của Wedbush, Dan Ives, Taz Koujalgi, John Katisingris và Steven Wahrhaftig đã viết trong một ghi chú nghiên cứu rằng họ nghĩ việc tách TikTok khỏi ByteDance là rất khó xảy ra và việc mua bán sẽ vô cùng phức tạp với nhiều hạn chế có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ông Cyrus Walker, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty bảo mật mạng Data Defenders, lại cho rằng việc Bytedance bán TikTok là hoàn toàn là có thể. Nhưng nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có đưa ra một sự trao đổi nào có thể khiến chính phủ Trung Quốc quan tâm.
Về phần mình, ông Walker tin rằng nếu TikTok được bán cho một công ty Mỹ thì ít nhất nó sẽ loại bỏ mối đe dọa tức thời về việc chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu của Mỹ.
Cho đến nay, các vấn đề về TikTok vẫn chưa có được hướng giải quyết phù hợp, dù đã có vô số lần được đưa ra thảo luận trong suốt hai thời kỳ tổng thống Mỹ. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền đã ban hành lệnh hành pháp cấm download TikTok trên các cửa hàng ứng dụng, nhưng sau đó chính quyền TT Biden đã rút lại.
Thay vào đó, vào tháng 6/2021, TT Joe Biden đã yêu cầu CFIUS xem xét ứng dụng.
Khi chính quyền dường như đang cân nhắc biện pháp tiếp theo, Quốc hội Mỹ cũng đã đưa ra các đề xuất nhằm nhắm mục tiêu vào TikTok. Năm ngoái, một đề xuất do Thượng nghị sĩ Josh Hawley về việc cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ đã được thông qua như một phần của dự luật tổng hợp và mới đây đã được ký thành luật.
Một dự luật được giới thiệu vào tuần trước bởi Thượng nghị sĩ Mark Warner và John Thune, dù không nhắm mục tiêu rõ ràng đến TikTok, nhưng sẽ trao cho chính quyền liên bang nhiều thực quyền hơn để điều chỉnh hoặc thậm chí là cấm công nghệ có liên quan đến các đối thủ nước ngoài.
Nếu chiến dịch gây áp lực kết thúc với việc TikTok bị cấm, các nhà phân tích của Wedbush cho rằng các công ty công nghệ của Mỹ, bao gồm Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, và Snapchat, sẽ được hưởng lợi lớn.
Cổ phiếu của Meta đã tăng hơn 3% sau khi có tin tức về lời đe doạ của chính quyền Biden đối với TikTok.
Các nhà phân tích cho biết lệnh cấm cũng sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. “Một cuộc chiến tranh công nghệ lạnh (Cold Tech War) đang âm ỉ diễn ra trên toàn bộ hệ sinh thái phần mềm và chip toàn cầu”, các nhà phân tích nhấn mạnh.