Truyền hình thực tế: Cách bán hàng đầy sáng tạo của bất động sản cao cấp Mỹ

Ngoài việc giải trí cho, những chương trình truyền hình thực tế về môi giới bất động sản đã mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực nhà đất tại Mỹ…

Dàn "ngôi sao" môi giới của chương trình truyền hình thực tế "Selling Sunset"

Các chương trình truyền hình thực tế về bất động sản cao cấp đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua, thu hút khán giả toàn cầu bằng những ngôi nhà lộng lẫy, những giao dịch hàng triệu USD và thậm chí là cả những “drama” và “scandal” vô tận của các nhân vật.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mang đến giờ phút giải trí, những chương trình này còn có ảnh hưởng đến cách người xem nhìn nhận và tiếp cận lĩnh vực bất động sản nói chung. Trong đó, khán giả có thể hiểu thêm về toàn cảnh quy trình môi giới, từ việc tổ chức các buổi ra mắt nhà, dàn dựng nội thất, đàm phán mua bán hay thậm chí cả những câu chuyện hậu trường đầy thú vị.

CƠ HỘI LỚN

Có lẽ cái tên nổi tiếng nhất trong những năm gần đây không thể không nhắc đến đó là “Selling Sunset” của Netflix, chương trình xoay quanh “Oppenheim Group” - công ty môi giới bất động sản cao cấp hàng đầu có trụ sở ở Los Angeles (Mỹ). Đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi đối với “Selling Sunset”, nói rằng chương trình mang đến cho ngành cơ hội giới thiệu chuyên môn, làm mới hình ảnh cũng như là phương tiện tiếp thị mang tính chiến lược giúp thu hút một lượng lớn người mua và người bán bất động sản tiềm năng.

Theo Jason Oppenheim, nhà sáng lập công ty, “Selling Sunset” chắc chắn đã giúp tăng cường mức độ nhận diện cho thương hiệu của họ. “Ngay từ mùa 1, chương trình đã có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Nhiều khách hàng đã liên hệ tới công ty và nói rằng họ rất thích chương trình cũng như cách chúng tôi làm việc”.

Chính nhờ những thành công đó mà Oppenheim Group đã tận dụng thị trường bất động sản xa xỉ đang bùng nổ và mở rộng sang cả khu vực Quận Cam cũng như Newport Beach với hai chương trình truyền hình riêng biệt.

Nhờ phạm vi tiếp cận toàn cầu của Netflix, “Selling Sunset” đã giúp Oppenheim Group thu hút được cả khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Mary Fitzgerald, một trong những cộng sự lâu năm của công ty đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Forbes rằng, nhờ có chương trình mà hiện nay cô đã nắm được trong tay một tập khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc, những người có nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản tại Hollywood.

Một phân cảnh trong chương trình "Million Dollar Beach House"

Tương tự, Peggy Zabakalos, môi giới viên xuất hiện trên chương trình “Million Dollar Beach House” của Netflix, cũng có cùng quan điểm. Cô cho biết chương trình là một nền tảng tuyệt vời cho phép thương hiệu của cô tiếp cận khách hàng tiềm năng bên ngoài Thành phố New York.

“Việc nâng tầm hình ảnh của mình ra toàn thế giới đã trở nên dễ dàng hơn. Kể từ khi tham gia chương trình, tôi đã có thêm những khách hàng và thậm chí fan hâm mộ từ khắp mọi nơi”, Peggy Zabakalos chia sẻ trên tạp chí Variety.

Một trong những “tiền bối” đi đầu xu hướng truyền hình thực tế về môi giới bất động sản phải kể đến “Million Dollar Listing L.A” trên đài truyền hình cáp Bravo với sự tham gia của hai nhà môi giới kỳ cựu James Harris và David Parnes. Cả hai gần đây đã lập nên kỷ lục với thương vụ bất động sản đắt nhất ở Los Angeles trị giá 120 triệu USD.

“Chương trình đã giúp đã nâng cao vị thế và hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong cộng đồng bất động sản Los Angeles và toàn cầu”, ông David James chia sẻ về trải nghiệm.

GÓC NHÌN THỰC TẾ

Mặc dù mục tiêu chính của truyền hình thực tế vẫn là giải trí, nhưng khi nội dung của chương trình hướng vào một lĩnh vực cụ thể, chúng cũng có khả năng trở thành nguồn cung cấp lời khuyên hữu ích để người xem tham khảo thông tin thị trường, hiểu thêm về những gì họ cần chú ý khi giao dịch bất động sản cũng như những gợi ý cải tạo cần thiết để tăng giá trị bán lại và cách tránh làm mất lòng người bán/người mua trong trường hợp thỏa thuận rơi vào “ngõ cụt”.

Các chiến lược, chiến thuật đàm phán và kiến thức chuyên môn mà các đại lý môi giới đưa ra trong chương trình cũng đóng vai trò như một trải nghiệm học hỏi, trang bị cho người xem những kiến thức mà họ nên áp dụng trong các giao dịch thực tế.

Khán giả cũng có thể biết rõ hơn về những gì họ cần và nên hỏi môi giới hay người bán khi đang có nhu cầu. Đối với những khách hàng lần đầu tiên mua bất động sản, họ sẽ nhận được cái nhìn tổng quan về những gì diễn ra trong quá trình mua bán trước khi trải nghiệm trực tiếp.

Bên cạnh đó, các chương trình thực tế này cũng thu hút thêm sự quan tâm đến thị trường, làm sáng tỏ nhiều “giả thuyết” về ngành môi giới bất động sản và thúc đẩy sự năng động, gắn kết giữa các đơn vị trong ngành, mang thông điệp tích cực không chỉ tới khán giá mà còn toàn bộ bối cảnh bất động sản.

Một biệt thự trị giá 7 triệu USD tại Los Angeles đừng xuất hiện trên "Selling Sunset"

Nhưng cần lưu ý rằng, bất cứ điều gì cũng sẽ có cả mặt sáng và mặt tối. Các nhà phê bình cho rằng những chương trình kiểu này đôi khi có xu hướng xuyên tạc thực tế của ngành bất động sản, thu hút khán giả bằng các kịch bản dàn dựng và những câu chuyện giật gân.

Hoặc có những lúc quá tập trung vào sự kịch tính mà làm lu mờ đi tính kỹ thuật của các giao dịch bất động sản, từ đó gây ra một số kỳ vọng và suy nghĩ không thực tế cho khách hàng cũng như bạn trẻ mới bước chân vào ngành.

Ví dụ, một số chương trình đã tóm gọn lại các phần quan trọng nhất của quá trình giao dịch bất động sản chỉ trong một, hai tập; lướt qua rất nhiều chi tiết thiết yếu và khiến người xem hiểu lầm rằng mọi thứ tiến triển thường rất nhanh gọn. Cũng có những chương trình phóng đại vai trò của chủ nhà trong cả quá trình, khiến hình ảnh của người môi giới, kiến trúc sư, thiết kế nội thất không được đánh giá một cách xứng đáng.

Điều quan trọng nhất ở đây là đạt được sự cân bằng giữa tính giải trí cho khán giả và cung cấp góc nhìn có căn cứ về ngành bất động sản. Trách nhiệm này thuộc về các nhà sản xuất cũng như thành viên xuất hiện trong chương trình. Họ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính xác thực và minh bạch trong những gì mà họ muốn truyền tải.

Và mặc dù vẫn cần tới yếu tố kịch tính để thu hút người xem, nhưng việc phản ánh một cách chân thật nhất sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khán giá cũng như thể hiện được tính phức tạp và những thách thức mà các chuyên gia bất động sản phải đối mặt trong sự nghiệp của họ.

Bản thân Jason Oppenheim cũng từng bày tỏ quan ngại về việc “Selling Sunset” có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến hình ảnh của Oppenheim Group. “Tôi và Brett (anh trai, đồng sáng lập công ty) có quá nhiều thứ để mất. Nếu chẳng mai chương trình nhận về phản hồi tiêu cực, công việc của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nhất là khi chúng tôi không thể kiểm soát được tất cả mọi việc mà đành tin tưởng giao phó cho đội ngũ sản xuất”.

Có thể bạn quan tâm