Tỷ phú Carlos Cardoen: Người hùng Chilê hay tội phạm buôn bán vũ khí?

Trong hơn 26 năm, nhà tài phiệt người Chilê – Carlos Cardoen đã không thể rời khỏi đất nước mình vì lệnh truy nã từ Hoa Kỳ.
Tỷ phú Carlos Cardoen: Người hùng Chilê hay tội phạm buôn bán vũ khí?

Tỷ phú người Chilê Carlos Cardoen, người đứng đầu công ty sản xuất vũ khí lớn Cardoen Industries bị buộc tội nhập khẩu trái phép nguyên tố chế tạo bom - zirconium tại Mỹ kể từ năm 1993 khi Interpol ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với ông Carlos liên quan đến cáo buộc trên. Nhưng chỉ đến ngày 22/3 năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới chính thức đệ đơn yêu cầu giam giữ vị doanh nhân 77 tuổi này. Trong khi đó, ông Cardoen khẳng định rằng những sản phẩm chế tạo công ty ông đã bán cho Iraq đều được Hoa Kỳ biết rõ và chấp nhận, và các luật sư của ông cũng đang đệ đơn chống lại yêu cầu dẫn độ.

Nhưng thay vì quá lo lắng kể từ khi “thông báo đỏ” của Interpol được ban hành, ông Carlos dành thời gian và tài sản cá nhân để quảng bá cho thung lũng Colchagua và bảo tồn văn hoá người dân bản địa Chilê. Ông chính là người đã giúp thị trấn Santa Cruz quê nhà được biết đến rộng rãi hơn, theo lời kể của con trai, anh Andrés Cardoen cũng là người điều hành cho quỹ từ thiện của gia đình. “Bảo tàng mà cha tôi xây dựng đã thu hút sự quan tâm toàn khu vực,” anh chia sẻ thêm về bảo tàng trưng bày bộ sưu tập mà cha anh sở hữu. Đây là một trong những bộ sưu tập tạo tác lớn nhất ở Nam Mỹ.

Hai “báu vật” được ông Carlos tự hào nhất trong số các vật phẩm của Bảo tàng Colchagua đó là bản tài liệu gốc buổi họp đầu tiên của chính phủ Chile năm 1810 cũng như bộ sưu tập trang sức Mapuche bản địa vô cùng ấn tượng. “Cha tôi không phải là kiểu người sẽ đi sưu tập tài sản để chứa trong bốn bức tường nhà. Ông muốn chia sẻ với người khác, đó là niềm đam mê của ông,” anh Andrés Cardoen giải thích.

Tìm hiểu thêm về những đóng góp của ông Carlos tại quê nhà, trải dài trên hơn một triệu héc ta, vườn nho Viña Santa Cruz của gia đình chính là tâm điểm của sự nỗ lực đẩy mạnh ngành nghề sản xuất rượu vang cho khu vực. Bên cạnh đó, để mở rộng du lịch, một hệ thống cáp treo đưa khách tới thăm bảo tàng sưu tầm xe hơi của chính ông Carlos Cardoen, nơi mà một trong bốn chiếc xe DeLoreans trong bộ phim Back to the Future năm 1985 và cùng hàng loạt các mẫu xe cổ khác được trưng bày và giữ gìn.

Trong khi có nhiều người Chile đánh giá cao sự cố gắng và nỗ lực mà ông Carlos Cardoen đã đem lại cho Santa Cruz, nhưng vai trò đi đầu của ông trong ngành công nghiệp vũ khí tư nhân của Chilê vốn đã gây tranh cãi từ lâu.

Daniel Prieto, một nhà phân tích quốc phòng và giảng viên về chính trị toàn cầu, người đã từng làm việc với ông Carlos cho đến năm 1985, nói rằng Cardoen Industries đã phát triển vũ khí cho mục đích phòng thủ kể từ cuối thập niên 70 trong khi căng thẳng với Argentina đang tăng cao. Trong thời kỳ cai trị của tướng Augusto Pinochet, Chilê đã không thể nhập khẩu vũ khí do lệnh cấm vận quốc tế với hai nước láng giềng bên bờ vực chiến tranh năm 1978, vì thế nên việc phát triển vũ khí tư nhân của Chilê trở nên vô cùng quan trọng.

“[Các vũ khí] được sản xuất để bảo vệ Chilê,” ông Prieto nói. “Nhưng khi chiến tranh Falklands nổ ra [năm 1982 giữa Argentina và Anh], thì mối đe doạ từ Argentina đã không còn.” Ông Daniel Prieto cũng nói thêm rằng, có nhiều cuộc thảo luận về những gì Cardoen Industries nên làm với công nghệ vũ khí của mình. Và cuối cùng, thị trường nước ngoài chính là mục tiêu theo đuổi mới dành cho công ty.

Một trong những thị trường nước ngoài đó là Iraq. Ông Carlos Cardoen khẳng định những quả bom mà công ty ông sản xuất để sử dụng ở Iraq từ năm 1982 đến 1991 đều được bán dưới sự chấp nhận và nắm rõ thông tin của Hoa Kỳ. Nhưng khi Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait vào tháng 8 năm 1990, khiến Mỹ nhảy vào với vai trò lãnh đạo liên minh. Ông Daniel Prieto cho biết. “Lúc đó tôi đã rời khỏi Cardoen Industries, nhưng tôi có thể thấy từ bên ngoài thái độ của Hoa Kỳ đối với Carlos đã thay đổi như thế nào.”

“Hoa Kỳ đã yêu cầu giam giữ ông Cardoen với mục đích dẫn độ gần 26 năm sau khi bản cáo trạng ban đầu được đưa ra,” luật sư của ông Cardoen, Joanna Heskia nói. “Đó là một yêu cầu dựa trên các tội ác không tồn tại ở Chilê và do đó cũng không thể truy tố,” bà đưa ra lập luận.

Nhưng các quan chức Hoa Kỳ rất kiên quyết cho rằng ông Cardoen nên được đưa ra toà án tại Mỹ vì cáo buộc vi phạm các qui tắc hải quan vì tuyên bố sai rằng chất zirconium mà công ty ông nhập khẩu là cho dân sự, không sử dụng trong quân sự.

Bất chấp thông báo từ Interpol từ rất lâu, sự ủng hộ dành cho ông Carlos Cardoen vẫn được giữ vững trong nhiều thập kỷ qua bởi chính ba vị tổng thống gần đây nhất của đất nước đã cho thấy điều này. Chỉ hai tháng trước khi Mỹ đệ đơn yêu cầu giam giữ, một nhóm gồm 23 thượng nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Sebastián Piñera ủng hộ ông Carlos chống lại việc thông báo bị kéo dài đến “kì lạ”. Trong khi chờ đợi quyết định của Chilê về việc dẫn độ về Mỹ hay không, ông Carlos Cardoen đã nói với báo chí địa phương: “Tôi đã bán (vũ khí) cho chế độ Iraq với sự hỗ trợ toàn diện của Mỹ. Tuy nhiên, cơn gió chính trị đã thay đổi và họ đang tìm kiếm một vật ‘hiến tế’”.

 Theo BBC (Lược dịch)

Có thể bạn quan tâm