Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài

Bốn năm liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 53 quốc gia có chi phí sinh hoạt dễ chịu nhất cho người nước ngoài, theo nghiên cứu của InterNations…

Việt Nam tiếp tục được xếp hạng là quốc gia có mức chi phí sinh hoạt dễ chịu nhất cho người nước ngoài
Việt Nam tiếp tục được xếp hạng là quốc gia có mức chi phí sinh hoạt dễ chịu nhất cho người nước ngoài

Khi quyết định có nên chuyển ra nước ngoài để sinh sống hoặc làm việc, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc là tài chính cá nhân. Theo nghiên cứu năm 2024 của InterNations, Việt Nam là quốc gia có chi phí sinh hoạt dễ chịu nhất cho người nước ngoài, đứng đầu trong số 53 điểm đến.

Tuy nhiên, Việt Nam xếp thứ 40 về chất lượng cuộc sống, thứ 29 về các yếu tố cần thiết cho người nước ngoài (đời sống kỹ thuật số, nhà ở, ngôn ngữ) và xếp thứ 14 về điều kiện làm việc cho người nước ngoài (triển vọng nghề nghiệp, lương và bảo hiểm).

Hơn 12.000 người nước ngoài trên khắp 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã tham gia vào cuộc khảo sát Expat Insider 2024, cung cấp thông tin chi tiết về những nơi tốt nhất và tệ nhất để sinh sống, xét theo chất lượng cuộc sống, làm việc ở nước ngoài và tài chính cá nhân.

Đối với Chỉ số Tài chính Cá nhân, InterNations yêu cầu những người được khảo sát xếp hạng mức độ hài lòng cá nhân trong ba lĩnh vực: chi phí sinh hoạt nói chung, tình hình tài chính và liệu thu nhập hộ gia đình khả dụng có đủ để sống thoải mái hay không.

Dữ liệu này phần lớn không có nhiều thay đổi so với năm ngoái, ngoại trừ một quốc gia mới tham gia vào danh sách - Brazil (thứ 9) - thay thế Malaysia, từ thứ 5 năm 2023 xuống thứ 11 trong năm nay.

Nhìn chung, các nước châu Á vẫn thống trị danh sách, chiếm 6 trong số 10 vị trí dẫn đầu.

Đông Nam Á, đặc biệt nổi bật với Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan đều xếp hạng trong top 10.

"Nhà ở là một điểm cộng lớn ở cả bốn quốc gia: Thái Lan xếp thứ 1, Việt Nam thứ 2, Philippines thứ 5 và Indonesia thứ 8. Hầu hết người nước ngoài đều đồng ý rằng việc tìm nhà ở rất dễ dàng và họ hài lòng với mức giá cả phải chăng”, bà Kathrin Chudoba, Giám đốc Marketing của InterNations, nói với CNBC Make It.

Trong số những người nước ngoài được khảo sát đang sinh sống tại Việt Nam, 86% đánh giá chi phí sinh hoạt ở đây là hợp lý - cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 40%. Và 65% người được hỏi ở Việt Nam cho biết họ hài lòng với tình hình tài chính của mình, so với mức trung bình toàn cầu là 54%. Ngoài ra, 68% người tham gia khảo sát cho biết thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ đủ để sống thoải mái, so với mức trung bình toàn cầu là 41%.

Không chỉ chi phí sinh hoạt thấp, người nước ngoài còn có xu hướng được trả lương cao hơn ở Việt Nam. 19% báo cáo thu nhập hàng năm từ 150.000 USD trở lên, gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 10%, theo InterNations.

Bên cạnh đó, mức độ hài lòng về công việc nói chung cũng rất cao đối với người nước ngoài trong nước. Theo Chudoba, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí thứ 24 năm 2023 lên vị trí thứ 3 vào năm 2024 cho yếu tố này, thuộc tiểu mục "Văn hóa & Mức độ Hài lòng về Công việc".

Theo đánh giá của báo cáo, tại Việt Nam, cân bằng giữa công việc và cuộc sống quan trọng hơn việc thăng tiến. Đáng chú ý, chưa đến một nửa (46%) dân số người nước ngoài ở Việt Nam làm việc toàn thời gian, so với mức trung bình toàn cầu là 57%. Khoảng 21% làm việc bán thời gian và khoảng 18% đã nghỉ hưu.

Một người Anh sống ở Việt Nam chia sẻ với InterNations: “Cuộc sống ở đây đối với tôi không căng thẳng, đó là một sự thay đổi tuyệt vời so với guồng quay công việc trước đây ở Anh, vốn rất hối hả và mệt mỏi”.

Ngoài việc đo lường mức độ hài lòng về tài chính cá nhân của người nước ngoài, nghiên cứu Expat Insider của InterNations cũng thu thập dữ liệu về những điểm đến tốt nhất trên toàn cầu cho người nước ngoài.

Danh sách tổng thể này khám phá cảm nhận của người nước ngoài trên các khía cạnh khác của cuộc sống ở nước ngoài, dựa trên 5 chỉ số: hạnh phúc, chất lượng cuộc sống, mức độ dễ dàng để ổn định, làm việc và chỉ số những yếu tố cần thiết cho người nước ngoài (bao gồm thủ tục hành chính, nhà ở, đời sống kỹ thuật số và ngôn ngữ).

Trong số 53 điểm đến trên toàn cầu, có 4 quốc gia châu Á lọt vào top 10 chung cuộc năm nay: Indonesia (thứ 3), Thái Lan (thứ 6), Việt Nam (thứ 8) và Philippines (thứ 9).

10 điểm đến có chi phí sinh hoạt dễ chịu nhất cho người nước ngoài sinh sống:

  • Việt Nam
  • Colombia
  • Indonesia
  • Panama
  • Philippines
  • Ấn Độ
  • Mexico
  • Thái Lan
  • Brazil
  • Trung Quốc

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Qualcomm muốn mua lại Intel

Qualcomm muốn mua lại Intel

Theo thông tin được tiết lộ bởi tờ Wall Street Journal, Qualcomm đã tiếp cận Intel với một đề nghị sáp nhập...

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Anh, Nam Phi và Nhật Bản, sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,50 điểm phần trăm trong khi BoE, BoJ nhiều khả năng giữ nguyên mức hiện tại…

Các nước đang phát triển dùng thuế quan để đối phó với hàng Trung Quốc

Các nước đang phát triển dùng thuế quan để đối phó với hàng Trung Quốc

Nhiều quốc gia, bao gồm Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc để giảm thiểu cạnh tranh và thúc đẩy các công ty nước ngoài đầu tư vào địa phương. Trong khi Bắc Kinh gay gắt phản đối chính sách bảo hộ của Mỹ và EU, thì họ lại tỏ ra mềm mỏng hơn với nước đối tác đang phát triển…

Circle K, 7-Eleven, 39 tỷ USD và niềm kiêu hãnh của "báu vật nước Nhật"

Circle K, 7-Eleven, 39 tỷ USD và niềm kiêu hãnh của "báu vật nước Nhật"

Vị thế của 7-Eleven như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản đã khiến tham vọng mua lại của Alimentation Couche-Tard trở nên gần như “bất khả thi", dù cho có áp lực về việc các doanh nghiệp địa phương cần cởi mở với các đề xuất đầu tư từ nước ngoài...

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ