Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất công bố hôm 9/1, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, giảm xuống 2,4% từ mức 2,6% của năm 2023.
Sau đó, tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 2,7% vào năm 2025, nhưng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm đó sẽ vẫn thấp hơn gần 0,75 điểm phần trăm so với tốc độ trung bình của những năm 2010.
Và mặc dù nền kinh tế toàn cầu dường như khá kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái vào năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn, khiến hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước, WB lưu ý thêm.
“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến ở Đông Âu, một cuộc xung đột nghiêm trọng ở Trung Đông. Sự leo thang của những vấn đề này có thể có tác động đáng kể đến giá năng lượng, lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế”, Ayhan Kose, phó kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và giám đốc của Nhóm Triển vọng, nói với CNBC.
Ngân hàng cảnh báo, nếu không có sự điều chỉnh lớn mang tính quy mô, những năm 2020 sẽ trôi qua như một thập kỷ bị lãng phí.
Xét trên cơ sở khu vực, tốc độ tăng trưởng trong năm nay được dự báo sẽ yếu đi ở hầu hết Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, sẽ có một sự cải thiện nhẹ ở Châu Mỹ Latin và Caribe, vốn xuất phát từ mức thấp, đồng thời Trung Đông và Châu Phi sẽ dần phục hồi tốt hơn.
Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do thương mại toàn cầu trì trệ và điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên tăng trưởng.
“Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo - mắc kẹt trong cái bẫy nợ và thiếu đi khả năng tiếp cận thực phẩm cho gần một phần ba dân số”, ông Kose nhận xét.
Các nền kinh tế đang phát triển hiện được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn hơn 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của thập kỷ trước. WB cho biết, đến cuối năm nay, người dân ở khoảng 1/4 quốc gia đang phát triển và khoảng 40% quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019.
Thế giới đã thất bại trong mục tiêu biến những năm 2020 thành một “thập kỷ biến đổi” trong việc giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực, bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới đánh giá. Tuy nhiên, vẫn sẽ có cơ hội lật ngược tình thế nếu các chính phủ hành động nhanh chóng để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.
“Sự bùng nổ đầu tư có khả năng hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển và giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế”, ông Ayhan Kose đưa ra khuyến nghị trong báo cáo được công bố trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần tới.