Xa hoa hơn, hoành tráng hơn: Cận cảnh ngành công nghiệp đám cưới trị giá 130 tỷ USD của Ấn Độ

Chuỗi sự kiện đình đám của cậu út nhà Ambani hứa hẹn sẽ thiết lập nên tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp 130 tỷ USD của Ấn Độ. Theo đó, các đám cưới sẽ ngày càng hoành tráng và xa hoa hơn bao giờ hết, song song với sự gia tăng của giới siêu giàu tại nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới…

2024-07-05t173514z-609521099-rc24p8a9wabv-rtrmadp-3-india-ambani-wedding-245.jpg
Doanh nhân Anant Ambani và vợ chưa cưới Viren Merchant

Con trai út của tỷ phú giàu nhất châu Á sẽ chính thức kết hôn với tiểu thư “đế chế” dược phẩm hàng đầu Ấn Độ vào cuối tuần này. Tất cả những thông tin, chi tiết về sự kiện trước và trong “đám cưới thế kỷ” đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Độ “chịu chơi” cũng như “chịu chi” của chú rể Anant Ambani và cô dâu Viren Merchant khiến giới quan sát phải choáng ngợp. Trước lễ cưới chính thức, hai bên gia đình đã tổ chức hàng loạt sự kiện ăn mừng đẳng cấp, nổi bật nhất chương trình kéo dài 3 ngày tại quê hương Jamnagar của gia đình Ambani vào tháng 3 vừa qua, với những khách mời nổi tiếng như CEO Meta Mark Zuckerberg và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Theo tiết lộ, gia đình Ambani đã chi hơn 6 triệu USD để mời nữ ca sĩ Rihanna tới biểu diễn, chiêu đãi khách mời 2.000 món ăn “cao lương mỹ vị” và tổ chức các buổi tham quan đặc biệt tại khu bảo tồn động vật có quy mô khổng lồ của gia đình.

Sau đó, Anant Ambani và Viren Merchant tiếp tục chiêu đãi bạn bè với các buổi tiệc sang trọng trên du thuyền đi khắp Địa Trung Hải và gần đây nhất là sự kiện tại Mumbai với sự góp mặt của nam ca sĩ Justin Bieber.

gettyimages-1246353396-8508.jpg
Đại gia đình Ambani

"Những bữa tiệc cưới sang trọng của nhà Ambani đã và sẽ có tác động nhiều mặt đến ngành công nghiệp đám cưới ở Ấn Độ, không chỉ là xu hướng hay thúc đẩy nhu cầu, quảng bá di sản văn hóa mà thậm chí còn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Tim Chi, Giám đốc điều hành của dịch vụ tổ chức đám cưới The Knot Worldwide chia sẻ với CNN.

NÉT VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG

Ngành công nghiệp đám cưới xa xỉ của Ấn Độ ngày càng nở rộ kể từ khi đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19. Theo ước tính, thị trường này trị giá khoảng 130 tỷ USD, hiện cao gấp gần đôi quy mô của Mỹ, mặc dù vẫn nhỏ hơn một chút so với Trung Quốc, trích dẫn báo cáo của Jefferies. Ngành đám cưới tại Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như thời trang và du lịch.

Ước tính, gia đình Ambani đã bỏ ra hàng chục triệu USD cho toàn bộ đám cưới. Gia đình họ đã đưa sự hào nhoáng và lộng lẫy của một đám cưới Ấn Độ lên lăng kính quốc tế, đồng thời khơi gợi tò mò của bạn bè nước ngoài về lý do tại sao đám cưới lại là một sự kiện trọng đại đến như vậy trong văn hóa Ấn Độ.

"Mặc dù là một xã hội coi trọng giá trị, người Ấn Độ rất thích chi tiêu cho đám cưới. Và điều này không phân biệt các tầng lớp kinh tế”, Jefferies cho biết.

a-brides-henna-painted-hands-with-gold-jewelry-are-pictured-during-a-wedding-in-jammu-and-kashmir-india-on-october-3-2023-15.jpeg
Các hoạ tiết henna truyền thống cùng nhiều loại trang sức bằng vàng trên tay một cô dâu tại ở Kashmir, Ấn Độ

Với tổng chi phí trung bình vào khoảng 15.000 USD, một đám cưới Ấn Độ tiêu tốn nhiều hơn gấp ba lần thu nhập hộ gia đình bình quân hàng năm.

"Di sản và văn hóa Ấn Độ dựa trên các giá trị của gia đình và quy tụ mọi người lại với nhau. Đó là lý do tại sao đám cưới ở đây thường có quy mô khá lớn”, Priya Suglani, nhà sáng lập công ty tổ chức sự kiện Pristine Events có trụ sở tại London, nói với CNBC

Ngoài ra, đám cưới Ấn Độ trông thường rất hoành tráng vì người Ấn có gia đình đông đúc, nhiều sự kiện tôn giáo và văn hóa, trang phục và trang sức rực rỡ. Ngay cả đám cưới nhỏ nhất cũng sẽ trông rất lộng lẫy và đầy màu sắc.

Tất nhiên, đám cưới có thể là sự kiện đắt đỏ, tốn kém ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng riêng tại Ấn Độ, chúng đặc biệt quan trọng vì còn là biểu tượng của quyền lực và địa vị. Các bậc cha mẹ ở Nam Á thường chi một phần đáng kể tiền tiết kiệm cả đời cho đám cưới của con cái họ; nhất là vào thời điểm hiện nay khi kinh tế ngày càng phát triển nhanh chóng, thì những sự kiện này càng được đầu tư nhiều hơn.

screenshot-2024-07-12-at-132919-2114.jpg
Ngành công nghiệp đám cưới của Ấn Độ hiện có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc và cao gấp đôi so với Mỹ

"Đám cưới Ấn Độ còn là cách để gia đình thể hiện khả năng tài chính, địa vị và các mối quan hệ xã hội. Thông qua những sự kiện lớn như vậy, gia đình muốn mọi người biết rằng họ đang thành đạt trong cuộc sống”, Aditya Motwane, nhà sáng lập Motwane Entertainment & Weddings - đơn vị tổ chức đám cưới cho nữ diễn viên Hollywood Priyanka Chopra và ca sĩ Nick Jonas vào năm 2018, cho biết.

TIÊU CHUẨN “TRIỆU ĐÔ”

Một đám cưới Ấn Độ thường diễn ra trong vài ngày hoặc có thể kéo dài đến một tuần, với danh sách khách mời trung bình vào khoảng 326 người, cao hơn nhiều so với 115 người ở Mỹ, theo The Knot Worldwide.

Quy mô còn đáng kể hơn đối với giới thượng lưu, những người tổ chức đám cưới với hàng nghìn khách mời, địa điểm cao cấp và những món quà đắt tiền. "Trong thập kỷ qua, đã có nhiều thay đổi trong xu hướng đám cưới ở Ấn Độ trên tất cả các phương diện”, chia sẻ của bà Sima Taparia, một nhà tư vấn hôn nhân từng tham gia series phim tài liệu ăn khách của Netflix "Indian Matchmaking" (Làm mối kiểu Ấn). Hiện nay, những người giàu có ở Ấn Độ thường tổ chức đám cưới một cách hoành tráng ở các địa điểm du lịch nước ngoài và mời diễn viên Bollywood hay nhạc sĩ nổi tiếng đến biểu diễn.

fireworks-explode-in-the-sky-over-umaid-bhawan-palace-the-venue-for-the-wedding-of-actress-priyanka-chopra-and-singer-nick-jonas-in-jodhpur-in-the-desert-state-of-rajasthan-india-december-1-2018-4336.jpeg
Biểu diễn pháo hoa rực rỡ tại Cung điện Umaid Bhawan, nơi diễn ra đám cưới của nữ diễn viên Hollywood Priyanka Chopra và ca sĩ Nick Jonas, tại Jodhpur ( Ấn Độ) vào năm 2018

Không hiếm khi giới giàu có Ấn Độ sẵn sàng chi hàng triệu USD cho các sự kiện đám cưới, đặc biệt là khi họ có riêng những yêu cầu đặc biệt. Ví dụ như, một cặp vợ chồng đã yêu cầu nhà tổ chức đám cưới Aditya Motwane Motwane sắp xếp để một con voi - loài động vật linh thiêng theo tín ngưỡng Hindu - có mặt ở Monte Carlo trong lễ hội ban phước của họ tại đám cưới.

Và với việc Ấn Độ được dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027, những đám cưới xa hoa như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn. Theo báo cáo từ công ty tư vấn tài chính Knight Frank, số lượng người Ấn Độ có giá trị tài sản ròng trên 30 triệu USD sẽ tăng 50% trong 5 năm tới, mức tăng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác. Và, ở những nấc thang kinh tế thấp hơn, đến năm 2030, khoảng 600 triệu người Ấn Độ được dự đoán sẽ bước vào tầng lớp trung lưu, phân khúc sẽ chiếm hơn 80% sức mua của cả nước.

Tina Tharwani, đồng sáng lập công ty tổ chức đám cưới Shaadi Squad cho biết: "Khi tầng lớp trung lưu gia tăng, thu nhập khả chi của họ cũng tăng theo, và chắc chắn sẽ được chi tiêu vào các bữa tiệc và lễ kỷ niệm xa hoa”.

a-motorised-carriage-passes-by-the-decorated-gate-of-antilia-the-ambani-residence-during-the-pre-wedding-ceremony-of-anant-ambani-and-radhika-merchant-in-mumba-553.jpeg
Trang trí bên ngoài toà nhà Antilia (Mumbai), nhà riêng của gia đình Ambani, trong thời điểm lễ đính hôn của Anant Ambani và Radhika Merchant

Theo Jefferies, một đám cưới xa xỉ của Ấn Độ trung bình tốn từ 200.000 đến 400.000 USD. Mức ngân sách này bao gồm địa điểm tổ chức tại các khách sạn năm sao, tiệc cao cấp được thực hiện bởi đầu bếp Michelin và nguyên liệu nhập khẩu, trang trí sự kiện cùng các hoạt động giải trí, đôi khi có sự tham gia của các diễn viên Bollywood hoặc ca sĩ quốc tế.

Nhu cầu về phim đám cưới cũng tăng mạnh, với các công ty “thét” giá tới 10.000 USD cho một bộ phim ngắn. Nhiều cặp đôi cũng chọn quay video trước ngày cưới ở nước ngoài, được chuẩn bị kỹ lưỡng và lấy cảm hứng từ nhiều vở nhạc kịch Bollywood.

india-is-one-of-the-largest-markets-for-gold-but-its-appetite-for-diamonds-and-other-precious-gems-is-also-growing-2127.jpeg
Ấn Độ là một trong những thị trường trang sức hàng đầu thế giới

Nhưng ước tính chi phí của Jefferies không hề bao gồm các khoản đầu tư cho trang sức hay trang phục. Ngân hàng lưu ý rằng, chi tiêu cho cô dâu thường chiếm hơn một nửa tổng thị trường trang sức ở Ấn Độ. Đây cũng là một trong những thị trường vàng lớn nhất thế giới và nhu cầu về kim cương và các loại đá quý khác cũng đang gia tăng mạnh mẽ.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, nhiều doanh nghiệp nội địa và cả quốc tế sẽ hưởng lợi lớn khi những đám cưới hoành tráng giống nhà Ambani sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Ấn Độ, nhất là khi Anant Ambani và Viren Merchant đang tạo ra hiệu ứng “lan truyền”, thiết lập nên xu hướng và tiêu chuẩn mới có tác động đến kỳ vọng của các cặp đôi cô dâu chú rể thượng lưu.

Xem thêm

Ấn Độ sẽ là cường quốc kinh tế tiếp theo của thế giới?

Ấn Độ sẽ là cường quốc kinh tế tiếp theo của thế giới?

Sự trỗi dậy kinh tế của Ấn Độ là tất yếu? Mặc dù vậy, đất nước này vẫn phải đối mặt với những rào cản để thành công, bao gồm tăng trưởng không cân bằng, tiềm năng nhân khẩu học chưa được khai thác, tiềm năng đổi mới và thuận lợi kinh doanh chưa được khai thác.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…