Canada đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp mới cho NAFTA

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã đưa ra đề xuất mới về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS) được quy định trong chương 11 của NAFTA.
Canada đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp mới cho NAFTA

Ngoại trưởng Freeland nêu rõ các nước thành viên NAFTA có thể cân nhắc sửa đổi quy định về ISDS trong chương 11 giống như quy định trong Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) Canada-Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên hiện Mỹ và Mexico chưa có phản ứng về đề xuất này.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư cũng là một trong các điểm ưu tiên của Canada trong đàm phán lại NAFTA, bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại giữa ba nước, vấn đề bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra ở Canada, có khá đông ý kiến muốn hủy bỏ hẳn chương 11, thay vì điều chỉnh như đề nghị của bà Freeland.

Cuộc khảo sát do Hội đồng Canada tiến hành cho thấy có hơn 10.000 người đã gửi kiến nghị hủy bỏ chương 11 với lý do các quy định ISDS sẽ cản trở nỗ lực bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động. Chủ tịch danh dự Hội đồng Canada Maude Barlow cho rằng Chính phủ Canada cần cẩn trọng và không nên chỉ thay đổi một số chi tiết giống như từng làm trong CETA, mà phải thực sự loại bỏ hệ thống quyền của nhà đầu tư trong các hiệp định thương mại.

Tính đến nay, Canada đã phải đối mặt với 38 vụ kiện về ISDS, trong đó có tới 2/3 số vụ liên quan đến vấn đề môi trường. Canada cũng là nước bị nhận nhiều đơn kiện về ISDS nhất trong khu vực Bắc Mỹ và đang phải đối mặt với mức đòi bồi thường lên tới 2,6 tỷ đôla Canada (CAD).

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này.

Có thể bạn quan tâm