Nhật Bản áp dụng AI vào cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm

Các công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu chất thải và cắt giảm chi phí, đồng thời tìm kiếm một số giải pháp bền vững cho tương lai.
Nhật Bản áp dụng AI vào cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm

Dữ liệu của chính phủ cho thấy, việc thải bỏ hơn 6 triệu tấn rác thải thực phẩm của Nhật Bản khiến nền kinh tế số 3 thế giới tiêu tốn khoảng 2 nghìn tỷ yên (19 tỷ USD) mỗi năm. Với tình trạng lãng phí thực phẩm trên đầu người cao nhất ở châu Á, chính phủ Nhật Bản đã ban hành điều luật mới để giảm thiểu một nửa chi phí vào năm 2030, thúc đẩy các công ty tìm giải pháp thực thi. 

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson Inc đã bắt đầu sử dụng công nghệ AI của công ty DataRobot Hoa Kỳ để ước tính lượng sản phẩm trên kệ, từ cơm nắm onigiri đến bánh mì trứng và cá ngừ có thể không bán được hoặc cung không đủ cầu. Lawson đặt mục tiêu giảm lượng dư thừa 30% ở những nơi đã triển khai và muốn giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm tại tất cả các cửa hàng của mình vào năm 2030 so với năm 2018.

Từ trước đến nay, xử lý chất thải thực phẩm là chi phí lớn nhất đối với các chủ sở hữu nhượng quyền của Lawson, chỉ xếp sau chi phí lao động.

Nhà sản xuất đồ uống Suntory Beverage & Food Ltd cũng đang thử nghiệm với một sản phẩm AI khác của Fujitsu Ltd nhằm cố gắng xác định xem liệu hàng hóa như trà ô long và nước khoáng có bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển hay không. Cho đến nay, đó là một nỗ lực tiêu tốn nhiều thời gian của con người. Với AI mới, Suntory hy vọng có thể đánh giá được khi nào một chai nước bị hỏng và cần được trả lại. Công ty đặt mục tiêu giảm 30-50% việc trả lại hàng hóa và cắt giảm chi phí lãng phí thực phẩm, đồng thời phát triển một hệ thống tiêu chuẩn chung có thể được chia sẻ bởi các công ty vận chuyển và nhà sản xuất thực phẩm khác. 

Mục tiêu phát triển bền vững

Những người tiêu dùng nổi tiếng khó tính của Nhật Bản đang có dấu hiệu bắt đầu gia tăng, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 đã đánh vào nguồn thu nhập cơ bản của họ. 

Nhà sáng lập Kuradashi - một công ty thương mại điện tử kinh doanh thực phẩm chưa bán được với mức giá chiết khấu cao - ông Tatsuya Sekito cho biết, công ty được sáng lập vào năm 2014 sau khi chính ông nhận thấy lượng chất thải khổng lồ từ các nhà chế biến thực phẩm khi làm việc cho một công ty thương mại Nhật Bản ở Trung Quốc. 

Kuradashi hiện đang có những bước phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ vào nhu cầu về thực phẩm giá rẻ bỗng tăng vọt khi người tiêu dùng trở nên có ý thức hơn về chi phí trong bối cảnh đại dịch.

Kuradashi có mạng lưới nguồn cung từ 800 công ty, bao gồm Meiji Holdings Co, Kagome Co và Lotte Foods Co. Công ty nhận về khoảng 50.000 mặt hàng như đồ ăn liền, sinh tố, rong biển …

“Người mua hàng Nhật Bản có xu hướng khá kén chọn, nhưng chúng tôi đã thu hút khách hàng bằng cách không chỉ bán sản phẩm giá rẻ mà còn tạo cơ hội quyên góp một phần tiền mua hàng cho các tổ chức từ thiện, nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề xã hội,” ông Sekito cho biết. 

Số lượng thành viên đăng ký membership tại Kuradashi đã tăng lên 180.000 vào năm 2021 từ mức 80.000 năm 2019.

Ngày càng có nhiều công ty thực phẩm hợp tác cùng các đơn vị khác để phát triển nền tảng công nghệ mới nhằm cắt giảm lãng phí thực phẩm như một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

NEC Corp đang sử dụng công nghệ AI không chỉ có thể phân tích dữ liệu như thời tiết, ngày tháng và xu hướng của khách hàng để ước tính nhu cầu mà còn đưa ra lý do đằng sau phân tích của mình. NEC đã triển khai công nghệ này cho một số nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm lớn, giúp họ giảm được chi phí từ 15% -75%. NEC hy vọng sẽ sớm chia sẻ và xử lý dữ liệu thông qua một nền tảng chung giữa các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và hậu cần, nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng.

Ông Ryoichi Morita, quản lý cấp cao giám sát quá trình tích hợp kỹ thuật số của NEC cho biết: “ Bên cạnh việc giảm lãng phí thực phẩm, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi còn là giải quyết những thách thức kinh doanh khác như giảm thiểu chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, hợp lý hóa hàng tồn kho, đơn đặt hàng và hậu cần”.

Nguồn: Reuters

Có thể bạn quan tâm