Ấn Độ là một điểm sáng giữa lo ngại suy thoái toàn cầu

Ấn Độ đã được mô tả như một điểm sáng trên trường thế giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.
Ấn Độ

Với việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 tại Davos được chi phối bởi các cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế hoặc sự thiếu hụt ở hầu hết các nước phát triển, thì một quốc gia đã được nhắc đến như một điểm sáng thực sự. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết trong một phiên họp bế mạc tại sự kiện: “Ấn Độ thực sự tỏa sáng trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, với châu Âu lơ lửng trên bờ vực suy thoái tiềm ẩn và tăng trưởng của Hoa Kỳ đang chậm lại”. Ông Haruhiko Kuroda cũng đồng thời nhấn mạnh những thách thức cấp bách mà các nước láng giềng như Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đang phải đối mặt.

Và trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dù nhận thấy Trung Quốc một lần nữa vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 khi nước này mở cửa trở lại, thì dự báo mức tăng GDP 4,4% của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với ước tính của Ấn Độ, là 6,1%. 

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh cho rằng Ấn Độ có thể vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thập kỷ tới, đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Không chỉ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh WEF cũng chứng kiểu nhiều giám đốc điều hành của các công ty quốc tế lớn như CEO Nokia Pekka Lundmark ca ngợi Ấn Độ như là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của họ.

Người đứng đầu của nhà sản xuất thiết bị điện tử Ericsson, Börje Ekholm cũng lưu ý rằng cơ sở hạ tầng 5G đang phát triển nhanh chóng Ấn Độ. “Công nghệ 5G được kỳ vọng tạo ra một xã hội kỹ thuật số ở Ấn Độ,” ông Ekholm Börje nói với CNBC. “Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh mẽ với 4G nhưng hiện tại 5G còn được xây dựng với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn”.

Ông Ekholm Börje nói thêm, Ấn Độ sẽ sớm có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt nhất sánh ngang với Trung Quốc, được thúc đẩy bởi ông trùm viễn thông Bharti Airtel và Jio. “Họ đang phát triển vô cùng nhanh chóng, điều đó sẽ giúp Ấn Độ số hóa và nếu bạn so sánh với những gì xảy ra ở châu Âu thì chúng tôi dương như đang chậm lại ở phía sau.”

Ấn Độ cũng có tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu, khi mối lo ngại ngày càng tăng về sự phụ thuộc của phương Tây vào Đài Loan. Mới đây nhất, theo tiết lộ từ Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, Apple muốn chuyển 25% hoạt động sản xuất iPhone sang nước này (mặc dù tin tức này vẫn chưa được Apple xác nhận). 

Ưu thế của Ấn Độ

Ấn Độ hiện cũng đang dẫn đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số và thúc đẩy cách phát triển trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng mặt trời, gió và sản xuất hydro xanh.

“Chúng tôi rất lạc quan và rất tích cực về Ấn Độ,” giám đốc điều hành của Dịch vụ Tư vấn Tata, Rajesh Gopinathan, nói với CNBC. Ông cho biết sự kết hợp giữa môi trường chính trị ổn định và các khoản đầu tư đáng kể của chính phủ vào cơ sở hạ tầng đang mang lại một môi trường tích cực cho tăng trưởng. 

Ở một khía cạnh khác, bất chấp những cam kết trong tương lai về tăng trưởng năng lượng tái tạo và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Ấn Độ vẫn được hưởng lợi đáng kể từ việc mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao, trong khi châu Âu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. 

Lạm phát ở Ấn Độ cũng ít nghiêm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác, với CPI ở mức 5,7% trong tháng 12/2022. 

Trước đó, chính Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ Dinesh Kumar Khara cũng đã thừa nhận rằng họ đang đứng ở vị trí thuận lợi so với các đối thủ của mình. Ông nhắc tới việc triển khai vaccine của đất nước, các biện pháp kiềm chế tăng giá tiêu dùng giúp đảm bảo an ninh lương thực và trọng tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Dinesh Kumar Khara đưa ra cảnh báo rằng lạm phát vẫn là một mối đe dọa và tình hình kinh tế quốc tế cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến đất nước.

Đồng tình với quan điểm này, giám đốc điều hành của Tập đoàn Mahindra Anish Shah cho biết: “Ấn Độ chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi thế giới trải qua một cuộc suy thoái, thì không có lý nào mà Ấn Độ có thể an toàn 100%”. Tuy nhiên, ông Anish Shah dự đoán: “Những gì tôi cảm thấy là tác động đối với Ấn Độ sẽ nhẹ hơn rất nhiều nhờ vào các nguyên tắc cơ bản vốn có của đất nước hiện nay cũng như là thực tế lạm phát ở Ấn Độ đang được kiểm soát tốt”. 

Chặng đường phía trước

Một báo cáo năm 2021 của Deloitte cho thấy Ấn Độ vẫn cần phải tiến xa hơn nữa để xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách hệ thống để cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Một số nhà phân tích cũng lập luận rằng nhờ vào của sự ổn định tương đối của Ấn Độ mà dòng vốn FDI đã tăng trong thời gian gần đây, cùng với việc chỉ số thị trường chứng khoán Sensex tăng 5% so với năm ngoái trong khi S&P 500 của Hoa Kỳ, Stoxx 600 của Châu Âu, SZSE Composite của Trung Quốc và Hang Seng của Hồng Kông đều giảm. 

Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch khiến tình trạng nghèo đói vẫn tiếp diễn nghiêm trọng, dù theo một số thước đo, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 55,1% xuống 16,4% trong 15 năm qua.

Ông Suyash Rai, phó giám đốc tại trung tâm nghiên cứu Carnegie Ấn Độ, tỏ ra hoài nghi về sự lạc quan tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ông chỉ ra rằng các con số tăng trưởng GDP gần đây là 6,3% hàng năm trong quý 3/2022 và 13,5% trong quý 2/2022 không cao hơn nhiều so với cùng kỳ 3 năm trước, đặc biệt là khi loại bỏ các ngành do chính phủ kiểm soát. 

Và trước những tuyên bố về sự ổn định chính trị, ông Suyash Rai nhận xét rằng: “Chúng ta không nên đánh đồng sự thống trị của một đảng với sự ổn định chính trị.” Ông Rai giải thích thêm, kỷ nguyên chính trị liên minh của Ấn Độ từ năm 1989 cho đến 2014 (trước thời Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi) đã tạo ra những kết quả kinh tế ấn tượng, với thu nhập bình quân đầu người theo giá cố định tăng gấp ba lần trong 25 năm, trong khi sau đó tăng trưởng kinh tế đã chậm lại ngay cả trong những năm trước đại dịch.

Ông Suyash Rai cũng lưu ý rằng việc so sánh giữa các nước phát triển và đang phát triển có thể gây hiểu nhầm, trong đó các nước phát triển đương nhiên sẽ có mức tăng trưởng vừa phải hơn. “Mặc dù đúng là chi tiêu vốn của chính phủ cho phát triển cơ sở hạ tầng đã tăng lên, nhưng không rõ liệu tổng chi tiêu vốn của khu vực công có tăng lên hay không.”

Có thể bạn quan tâm