Ấn Độ và tham vọng trở thành “nhà thuốc của thế giới”

Ấn Độ đã bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguyên liệu thô quan trọng khi nước này đang tìm cách để trở thành “nhà thuốc của thế giới”.
Ấn Độ và tham vọng trở thành “nhà thuốc của thế giới”

Vốn là nhà sản xuất thuốc lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng, Ấn Độ là một trong những quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhất trên toàn cầu. Cứ khoảng 1/3 viên thuốc được tiêu thụ ở Mỹ và 1/4 ở Anh được sản xuất tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, lĩnh vực dược phẩm trị giá 42 tỷ USD của Ấn Độ lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với các thành phần dược phẩm hoạt động chính hoặc API - hóa chất chịu trách nhiệm về hiệu quả điều trị của thuốc.

Theo một báo cáo của chính phủ, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 68% API từ Trung Quốc vì đây là một lựa chọn rẻ hơn so với sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ước tính của Hội đồng Xúc tiến Thương mại, một tổ chức được chính phủ hỗ trợ, đưa ra con số phụ thuộc API từ Trung Quốc vào khoảng 85%. Một nghiên cứu độc lập khác được thực hiện vào năm 2021 chỉ ra rằng mặc dù nhập khẩu API từ Trung Quốc ở mức gần 70%, nhưng sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc đối với "một số loại kháng sinh chủ chốt“ là khoảng 90%. Một số loại thuốc phụ thuộc nhiều vào API bao gồm penicillin, cephalosporin và azithromycin, báo cáo cho biết.

Nhưng điều đó có thể đang bắt đầu thay đổi.

Theo một kế hoạch của chính phủ Ấn Độ đưa ra cách đây hai năm, đã có 35 API bắt đầu được sản xuất tại 32 nhà máy trên khắp Ấn Độ. Theo ước tính của công ty xếp hạng ICRA Limited, chi nhánh Ấn Độ của Moody’s, được kỳ vọng sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc tới 35% trước năm kết thúc thập kỷ này.

Kế hoạch khuyến khích liên kết sản xuất lần đầu tiên được đưa ra vào giữa năm 2020, khi căng thẳng quân sự với Trung Quốc đang ở mức cao. Chương trình PLI hỗ trợ các công ty trong tất cả các lĩnh vực đẩy mạnh sản xuất trong nước thêm 520 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với lĩnh vực dược phẩm, chính phủ đã dành hơn 2 tỷ USD ưu đãi cho các công ty tư nhân của Ấn Độ và các công ty nước ngoài để bắt đầu sản xuất 53 API mà Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều từ nguồn cung Trung Quốc.

Một số công ty dược phẩm lớn nhất của Ấn Độ tham gia vào kế hoạch này bao gồm Sun Pharmaceutical Industries, Aurobindo Pharma, Dr. Reddy’s Laboratories, Lupin và Cipla.

Tổng cộng 34 sản phẩm đã được phê duyệt trong giai đoạn đầu của kế hoạch - và được phân phối cho 49 đơn vị, theo trợ lý phó chủ tịch của ICRA Limited, Deepak Jotwani.

Ông Jotwani ước tính: “Giai đoạn đầu tiên sẽ làm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 25-35% vào năm 2029.”

Vai trò của Ấn Độ trong đại dịch

Chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ thúc đẩy lĩnh vực dược phẩm - hiện có giá trị khoảng 42 tỷ USD - lên 65 tỷ USD vào năm 2024. Và mục tiêu của họ là gấp đôi con số đó lên 120-130 tỷ USD vào năm 2030. 

Ấn Độ hiện cũng nổi lên như một nước đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn thế giới.

Theo chính phủ, Ấn Độ đã cung cấp hơn 201 triệu liều vaccine cho khoảng 100 quốc gia trên khắp Đông Nam Á, Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông tính đến ngày 9/5.

Ấn Độ đã và đang xuất khẩu vaccine thông qua cả các sáng kiến ​​do chính phủ tài trợ và theo nền tảng Covax.

Nước này đã phải ngừng xuất khẩu một thời gian ngắn vào tháng 4/2021 khi các ca bệnh địa phương tăng cao và cần nhanh chóng phân bổ vaccine cho toàn bộ người dân. Ấn Độ đã tiếp tục xuất khẩu vào tháng 10 năm đó.

Đáng chú ý, hơn 80% thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh AIDS cũng do các công ty dược phẩm của Ấn Độ cung cấp.

Con đường dài phía trước

Ấn Độ không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các thành phần thiết yếu cho thuốc của họ. Năm 1991, Ấn Độ chỉ nhập khẩu 1% API của mình từ Trung Quốc, theo nhóm tư vấn PWC.

Điều đó đã thay đổi khi Trung Quốc tăng cường sản xuất API vào những năm 1990 trên 7.000 khu vực sản xuất thuốc lớn có hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến như nhà máy xử lý nước thải, điện và nước được trợ cấp. Chi phí sản xuất ở Trung Quốc sau đó giảm mạnh và “đẩy” các công ty Ấn Độ ra khỏi thị trường API.

Amitendu Palit, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét rằng “sẽ còn rất lâu nữa lượng sản xuất trong nước mới đủ lớn để đáp ứng mục tiêu của các nhà sản xuất dược phẩm của Ấn Độ”.

“Cho đến lúc đó, Ấn Độ sẽ cần nhập khẩu đáng kể các API từ Trung Quốc. Giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng là điều quan trọng để giảm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng dược phẩm của Ấn Độ,” ông Palit nói.

Người sáng lập Somerset Indus Capital Partners có trụ sở tại Mumbai, điều hành một quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Mayur Sirdesai, cho biết trọng tâm của chương trình khuyến khích liên kết sản xuất có thể thu hẹp hơn. “Chúng tôi có thể sẽ làm tốt hơn với khối lượng thấp, bằng cách tập trung vào các API thích hợp hơn là với khối lượng lớn,” ông nói và nhận định rằng nhiều quy trình hóa học khác trong chu trình sản xuất cũng sẽ phải được chuyển đến Ấn Độ để cắt giảm chi phí về lâu dài. 

Ông Pavan Choudhary, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghệ Y tế Ấn Độ, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết những cân nhắc về địa chính trị cũng đứng đằng sau quyết định giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông cũng giải thích những nỗ lực gần đây của một số quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Ông Choudhury - một người có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách trong ngành dược phẩm - ước tính rằng ngoài API, Ấn Độ còn nhập khẩu 1,5 tỷ USD thiết bị y tế từ Trung Quốc trong công nghệ hình ảnh hoặc máy chụp cộng hưởng từ và các loại máy quét phức tạp khác. Ông cho biết việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với thiết bị y tế sẽ mất nhiều thời gian hơn so với API. “API phụ thuộc vào một hệ sinh thái hóa học đã tồn tại ở Ấn Độ, đồng thời cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều ‘sự phức tạp về công nghệ’ trong các thiết bị y tế.”

“Sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút để cắt giảm sự phụ thuộc này,” ông nhận định. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…